1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Nửa thế kỷ lạc gia đình vì chiến tranh, người phụ nữ đau đáu mong tìm lại

(Dân trí) - “Mất cánh tay đối với tôi chẳng sá gì; chuyện mất cha mẹ, anh chị mới là điều đau đớn nhất đời tôi. 50 năm qua tôi luôn nghĩ về nguồn cội nhưng không biết tìm người thân của mình ở đâu…”.

Đó là những lời chia sẻ đẫm nước mắt của người phụ nữ hơn 50 tuổi, chỉ biết mình tên Hợp, hiện sống gần ga Bình Triệu (phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, TPHCM).

Nửa thế kỷ lạc gia đình vì chiến tranh, người phụ nữ đau đáu mong tìm lại - 1

Người phụ nữ mất cánh tay và mất cả gia đình suốt 50 năm qua luôn trông ngóng về người thân.

Từng có mái ấm gia đình hạnh phúc

Những ngày gần cuối tháng 4 này, trong không khí kỷ niệm 45 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2020), nỗi nhớ về nguồn cội, cha mẹ và các anh chị thất lạc trong chiến tranh của bà Hợp càng trỗi dậy mãnh liệt hơn bao giờ hết.

Nửa thế kỷ lạc gia đình vì chiến tranh, người phụ nữ đau đáu mong tìm lại - 2

Ngày nào bà Hợp cũng lên mạng tìm xem những bộ phim tài liệu về cuộc chiến năm xưa với hi vọng có manh mối tìm được người thân.

“Ngày nào cũng vậy, cứ khi lo chuyện nội trợ cơm nước xong là mẹ tôi mở mạng internet lên xem những thước phim tư liệu về chiến tranh ở miền Nam Việt Nam”, anh Tài, người con trai lớn hơn 30 tuổi của bà Hợp, cho biết.

Chiều giữa tháng 4/2020, trong căn nhà nhỏ ấm cúng của 3 mẹ con anh Tài ở trong con hẻm trên đường Phạm Văn Đồng, bà Hợp vừa xem phim tài liệu, vừa dùng bàn tay duy nhất cầm khăn chấm nước mắt. 

“Chiến tranh đã khiến tôi bị mất một cánh tay và cũng ngày đau thương ấy khiến tôi thất lạc cả gia đình. Nhưng mất tay đối với tôi không sá gì; nỗi đau lớn nhất là tôi mất cha mẹ, các anh chị suốt hơn 50 năm qua. Tôi luôn nghĩ về người thân của mình nhưng không biết tìm họ bắt đầu từ đâu…”, bà Hợp trút nỗi lòng.

Bà Hợp kể lại câu chuyện đau thương của mình nhưng bà không biết chuyện đó xảy ra vào tháng năm nào. Theo bà Hợp thì lúc đó bà còn rất bé, chưa đến tuổi đi học và là con út trong gia đình có anh hai (anh cả) tên Sơn cùng 2 người chị gái tên Lệ và Linh; mẹ bà tên Mai, còn ba tên Hoàng.

“Ba tôi đi làm lâu lâu mới về và thường mua quà bánh cho tôi cùng các anh chị. Ba tôi mặc đồ rằn ri, đội mũ cối, đi trên xe jeep. Trước nhà tôi nhìn qua khoảng vài mét là đồn lính. Trong đồn có nhiều xe nhà binh không có nóc. Tôi nhớ ba chở tôi trên xe jeep về thăm nội, đường đi cũng không xa lắm”, bà Hợp lục tìm trong ký ức.

“Một ngày nọ, ba tôi về nhà mua cho các con ổ bánh mì ngọt khá to. Trong cuộc nói chuyện với mẹ, tôi nghe ba dặn bằng giá nào cũng phải lo cho các con, nhất là bé Hợp. Sau đó ba đi…”, bà Hợp kể tiếp.

Theo bà Hợp thì sáng ngày hôm sau, mẹ bà lấy theo ít vật dụng rồi gom cả 4 đứa con cùng lên chiếc xe (loại xe nhà binh) đang có rất đông người đi di tản…

Mất cánh tay, mất cả gia đình

Trên đường đi, bất ngờ chiếc xe phát ra tiếng nổ lớn rồi lật nhào… Khi tỉnh dậy, bé Hợp thấy mình nằm trong khu lều bằng dù trắng (giống như bệnh viện dã chiến - lời kể của bà Hợp); toàn thân đau đớn và cánh tay phải đã bị mất.

Nửa thế kỷ lạc gia đình vì chiến tranh, người phụ nữ đau đáu mong tìm lại - 3

Cứ nhắc đến ba mẹ và các anh chị là bà Hợp lại khóc nức nở.

“Thời điểm đó tôi khoảng chừng 6 tuổi. Suốt thời gian dài điều trị rồi không biết sao tôi trôi dạt về vùng cầu Giồng Ông Tố, rồi đến chợ Thủ Thiêm (nay là quận 2, TPHCM). Kể từ đó tôi trở thành đứa trẻ tật nguyền, sống bụi đời ở gầm cầu, xó chợ bằng tình thương của các dì, các chị tiểu thương, họ cho cái ăn, cho quần áo mặc. Có những đêm bị sốt cao… tôi chỉ biết nằm co ro dưới mái hiên nhà người ta nhưng rồi tôi vẫn sống, vẫn lớn lên giữa dòng đời đầy nghiệt ngã…”, bà Hợp nghẹn ngào kể.

Rồi có một hôm, “bé cụt tay” (tên mà các tiểu thương ở chợ Thủ Thiêm gọi bà Hợp) leo lên chiếc phà nối vùng Thủ Thiêm với đất Sài Gòn hoa lệ (quận 1 ngày nay). “Phà cặp bến, tôi háo hức lên bờ khi thấy cảnh người xe quá nhộn nhịp. Hình ảnh pho tượng của một ông to lớn, tay chỉ về phía sông có lẽ đó là ký ức không bao giờ quên đối với tôi”, bà Hợp kể lại thời khắc lần đầu tiên đặt chân lên bến Bạch Đằng, nhìn thấy Tượng đài Đại tướng quân Trần Hưng Đạo.

Thời gian cứ thế trôi đi, hành trình hơn 50 năm trên đất Sài Gòn của cô bé bụi đời mất cánh tay, mất hết người thân vì chiến tranh, loạn lạc năm xưa viết tiếp đến bây giờ...

“Kể sao hết những năm tháng khổ cực với bao nhục nhã ê chề với đủ nghề, giáp mặt đủ thành phần trong xã hội của con bé tật nguyền mồ côi, bụi đời để sống và tồn tại. Rồi Sài Gòn được giải phóng, từ đó cuộc đời tôi cũng dần thay đổi và có được như ngày nay…”, bà Hợp kể tiếp.

Cũng như bao người con gái khác luôn khát khao được yêu, có mái ấm gia đình và được làm mẹ, bà Hợp đem lòng yêu và mang thai với người đàn ông cũng có hoàn cảnh không may. Thế nhưng, người này chỉ xem tình yêu là chuyện qua đường nên bỏ bà và núm ruột của mình. Người mẹ một tay ấy lại làm đủ thứ nghề để nuôi con. Bà chấp nhận ăn đồ dư thừa người ta bỏ lại; mặc quần áo rách vá nhưng con bà luôn có cái ăn cái mặc đủ đầy. Người con đó là anh Tài, nay đã bước sang tuổi 34. Sau đó, bà Hợp trải qua thêm một mối tình nữa và có đứa con trai thứ hai.

“Giờ đây, khi các con đã lớn, cuộc sống đã ổn cũng là lúc lòng mong muốn tìm về nguồn cội, tìm lại cha mẹ, anh chị của tôi trỗi dậy mãnh liệt. Tôi chỉ nhớ những chi tiết ít ỏi đó thì không biết cơ hội tìm lại người thân của mình có được hay không? Tôi mong cộng đồng hãy giúp tôi, nếu biết gì về câu chuyện tôi vừa kể, hãy làm cầu nối để tôi gặp lại người thân của mình, thì có chết tôi cũng mãn nguyện”, bà Hợp bày tỏ.

Qua báo Dân trí, gia đình bà Hợp mong mỏi ai biết hay có thông tin gì về người thân của bà Hợp hãy gọi về số điện thoại 0989167408 (anh Tài) hoặc 0372909874 (bà Hợp).

Đăng Lê