Nữ cán bộ y tế chi viện TPHCM: Con ở nhà ngoan, mẹ đi "bắt Covid"!
(Dân trí) - Trước lúc lên đường chi viện TP Hồ Chí Minh chống dịch Covid-19, chị Lê Thị Thủy tranh thủ gọi điện cho cậu con trai. "Coca ở nhà ngoan, mẹ đi bắt con Covid nha", đôi mắt người mẹ trẻ ngấn nước...
Chiều 12/7, 60 nhân viên y tế tỉnh Nghệ An lên đường chi viện TP Hồ Chí Minh chống dịch Covid-19. Ông Bùi Đình Long - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An thay mặt lãnh đạo tỉnh đã tặng quà và tiễn đội ngũ ngành y tế Nghệ An lên đường làm nhiệm vụ.
"Đây là lần thứ 3 tỉnh Nghệ An chi viện cho các địa phương chống dịch Covid-19, trước đó là TP Đà Nẵng và Hà Tĩnh. Chuyến đi này, ngoài trách nhiệm của ngành y tế, còn là tình cảm của quê hương Bác Hồ đối với thành phố mang tên Bác.
Trong số này có 20 bác sĩ, 40 kỹ thuật viên và điều dưỡng, tất cả đã được tập huấn và có chuyên môn rất vững vàng, tự tin là có thể đáp ứng được mọi vị trí công tác theo sự phân công về chuyên môn của TP Hồ Chí Minh để cùng thành phố sớm dập dịch Covid-19", ông Bùi Đình Long cho hay.
Tỉnh Nghệ An hiện đã ghi nhận 131 ca mắc Covid-19. Với sự vào cuộc quyết liệt, sự phối hợp có hiệu quả giữa ngành y tế và các địa phương, dịch Covid-19 đã cơ bản được khống chế, nhiều ngày liền Nghệ An không ghi nhận trường hợp nhiễm Covid-19 trong cộng đồng.
Trong khi đó, TP Hồ Chí Minh hiện đang là điểm nóng của dịch với hàng nghìn ca mắc mới mỗi ngày. Việc điều trị, truy vết trên diện rộng khiến nhu cầu nhân lực ngành y tế đang rất cao. Đáp lại lời đề nghị của TP Hồ Chí Minh và lời kêu gọi của Bộ trưởng Bộ Y tế, 200 cán bộ, nhân viên ngành y tế Nghệ An đã xung phong lên đường. Trong đợt này, theo yêu cầu của TP Hồ Chí Minh, có 60 bác sĩ, nhân viên y tế sẽ vào thực hiện nhiệm vụ tại Bệnh viện Trưng Vương.
Tại lễ xuất quân, ông Bùi Đình Long ghi nhận, biểu dương tinh thần tự nguyện, xung phong vì sức khỏe cộng đồng của 60 y, bác sĩ vào thành phố mang tên Bác thực hiện nhiệm vụ chống dịch Covid-19; mong đoàn công tác sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Lãnh đạo tỉnh Nghệ An cũng yêu cầu các y, bác sĩ Nghệ An khắc phục mọi khó khăn của bản thân, phát huy tốt kiến thức, kỹ năng chuyên môn; chấp hành tốt sự phân công, giao nhiệm vụ của lãnh đạo nơi công tác; tích cực học hỏi kỹ thuật mới, phong cách phục vụ trong khám, điều trị; làm tốt công tác phòng dịch, tuyệt đối không lơ là chủ quan, để dịch lây lan sang cán bộ y tế.
Tranh thủ thời gian trước lúc lên đường, chị Lê Thị Thủy - kỹ thuật viên Bệnh viện đa khoa Nghệ An gọi điện cho cậu con trai 4 tuổi. Từ khi có tên trong danh sách lên đường chi viện cho TP Hồ Chí Minh chống dịch, chị Thủy đã phải làm "công tác tư tưởng" cho bé Coca (tên gọi ở nhà) nhưng lần đầu tiên phải đi xa nhà, xa con, chị không tránh khỏi lo lắng.
"Coca ở nhà ngoan nhé, mẹ đi bắt "con Covid", xong việc mẹ về nhé. Thôi mẹ tắt máy đây, mẹ phải đi rồi", chị vội vàng tắt máy, đưa tay gạt nước mắt đang ứa ra.
"Tôi may mắn được bố mẹ hai bên và chồng hết sức ủng hộ và động viên. Lên đường cũng có một chút lo lắng, hồi hộp nhưng anh chị em đều ý thức được nhiệm vụ công việc của mình và quyết tâm hết sức để cùng nhân dân TP Hồ Chí Minh sớm khống chế được dịch Covid-19. Tôi cũng rất tự hào khi được góp mặt trong đoàn cán bộ y tế Nghệ An tham gia chống dịch ở thành phố mang tên Bác", chị Thủy tâm sự.
Từ huyện Thanh Chương, anh Lê Trung Hiếu (Bệnh viện đa khoa huyện Thanh Chương) cùng các đồng nghiệp có mặt sớm ở địa điểm tập kết, sẵn sàng lên đường vào TP Hồ Chí Minh.
"Tất nhiên sẽ có nhiều khó khăn, vất vả nhưng chúng tôi sẽ làm hết sức mình để cùng TP Hồ Chí Minh khống chế dịch, đưa cuộc sống sớm trở lại bình thường. Chỉ biết rằng thành phố cần là chúng tôi có mặt, không biết là lâu hay mau nhưng bao giờ tình hình ổn định chúng tôi mới trở về", bác sĩ Hiếu chia sẻ.