1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

Nỗi lo văn hóa giao thông

(Dân trí) - Thời gian gần đây, tại TPHCM liên tiếp xảy ra những “cuộc chiến đẫm máu” gây hậu quả nghiêm trọng chỉ vì những vụ va chạm giao thông rất nhỏ trên đường. Điều đó khiến chúng ta không thể không nhìn lại văn hóa giao thông của người Việt.

Va quệt nhỏ, hậu quả lớn

Gần đây nhất là vụ va quẹt nhỏ giữa hai xe máy trên đường Cống Quỳnh (quận 1) vào đêm 6/8. Chỉ vì va chạm nhỏ mà hai bên đã xảy ra ẩu đả, hậu quả là 2 người chết, 1 bị thương nặng. 

Lúc bị bắt, hung thủ giết người là Nguyễn Quốc Tân kể: sau khi va quẹt xe, nạn nhân đã cùng bạn của mình đuổi theo đánh Tân. Vì quá nóng nên Tân đánh trả bằng dao và đâm chết 2 người. Một điều cũng cần nói thêm là nhóm nạn nhân chỉ vì va quẹt nhỏ nhưng đã kéo nhau hành hung Tân bằng mũ bảo hiểm và dây nịt dù bên phía nhóm của Tân đã có lời xin lỗi . 
 
Nỗi lo văn hóa giao thông - 1
Hiện trường vụ án gây chết người ở đường Cống Quỳnh đêm 6/8 (ảnh Trung Kiên)

Trước đó, ngày 1/6, một chiếc container đã va quẹt nhẹ vào một chiếc xe tải tại khu vực Suối Tiên (quận 9). Sau vài câu chửi bới, lái xe tải điều khiển xe đi tiếp. Ai ngờ lái xe container tăng tốc đuổi theo dù đường rất đông người. Đến gần cầu Đồng Nai thì tài xế container đuổi kịp xe tải và lao xuống dùng mã tấu truy sát tài xế xe tải.

Ngày 30/1, một đôi nam nữ chạy xe attila trên đường Kha Vạn Cân (quận Thủ Đức) có va quẹt nhỏ với xe máy do hai người đàn ông điều khiển. Sự việc chỉ có vậy nhưng hai bên đứng lại mạt sát nhau. Sau khi được cô gái ngồi trên xe attila điều đình, hai bên bỏ đi.

Không ngờ đi được chừng 100m thì người thanh niên điều khiển xe attila bất ngờ rút dao đâm sau lưng người ngồi sau xe wave. Người đàn ông bị đâm nhảy xuống xe đuổi theo thì bị người thanh niên đâm tiếp một nhát vào ngực tử vong.

 Hậu quả của tâm lý ích kỷ

Chỉ vài vụ như trên cũng có thể cho chúng ta thấy thực trạng văn hóa giao thông của chúng ta đang xuống cấp trầm trọng, đặc biệt là tại các đô thị lớn như TPHCM. Bởi cốt lõi của vụ việc chỉ là những va chạm giao thông nhỏ, nhiều tình huống va chạm còn là do các bên không tuân thủ luật giao thông.

Ông Thân Ngọc Dũng, một nhà giáo hưu trí nhận định: “Văn minh đô thị, đạo đức con người đang bị xuống cấp nghiêm trọn, không còn trật tự kỷ cương, trên kính dưới nhường… Thay vì chửi nhau, tại sao người ta không nói một lời xin lỗi, hỏi han, đôi khi chỉ một lời như vậy có thể hóa giải sự ẩu đả”.

Tại một hội thảo bàn về giải pháp xây dựng văn hóa giao thông diễn ra tại TPHCM vào cuối năm 2009, các chuyên gia tâm lý tham dự hội thảo đều nhận định, nguyên nhân chính của các vụ va chạm, ùn tắc là do ý thức của người tham gia giao thông, mà chủ yếu là do tâm lý tranh giành, không ai nhường nhịn ai.

Thạc sĩ Nguyễn Hải Nguyên (ĐH KHXH&NV TPHCM) cho rằng: “Một bộ phận người tham gia giao thông có suy nghĩ phải vượt qua điểm ùn tắc bằng mọi cách, bất chấp các quy định cua luật lệ giao thông, thậm chí coi thường sự an toàn của người khác. Đây chính là hậu quả của tâm lý ích kỷ ở mỗi cá nhân”.

Nỗi lo văn hóa giao thông - 2
Một bộ phận người tham gia giao thông có tâm lý chen qua khỏi đám đông bằng mọi giá

Chính vì ở những đô thị lớn như TPHCM ùn tắc diễn ra quá thường xuyên, khiến nảy sinh tâm lý tranh giành, chi phối hành vi ứng xử của nhiều người khi đi đường. Ngoài ra, cũng vì thường xuyên chịu ùn tắc, khó chịu vì bụi khói… khiến họ mang nặng tâm lý bực bội, ức chế nên dễ mất bình tĩnh khi tham gia giao thông.

Tuy nhiên, điều cốt lõi mà ai cũng phải công nhận là: văn hóa giao thông chỉ là 1 phần nhỏ của văn hóa con người, mà cụ thể là văn hóa ứng xử, giao tiếp. Do đó, chúng ta không chỉ cần nhìn lại văn hóa giao thông mà còn cần nhìn lại văn hóa ứng xử của chính mình và người thân xung quanh để điều chỉnh tốt đẹp hơn. 

Ban An toàn giao thông TPHCM và Thành đoàn TPHCM đang liên kết tổ chức cuộc thi ảnh với chủ đề “Văn hóa giao thông  - Con người và con đường”. Các bức ảnh dự thi phải có nội dung tuyên truyền, vận động mọi người ứng xử đúng pháp luật, theo các chuẩn mực của xã hội về lẽ phải, cái đẹp, cái thiện của người tham gia giao thông và thực hiện tốt Luật Giao thông đường bộ. 
Ban tổ chức mong muốn thông qua cuộc thi có thể tạo nên thói quen cư xử có văn hóa, đúng pháp luật và ý thức tự giác tuân thủ pháp luật về đảm bảo trật tự an toàn giao thông và xem những yếu tố trên như một chuẩn mực đạo đức truyền thống, biểu hiện văn minh, hiện đại của người tham gia giao thông.
 
Hạ Nguyên

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm