1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Quảng Ngãi:

Nỗi lo “lên thành phố”!

(Dân trí) - Theo Nghị quyết 123 của Thủ tướng Chính phủ, 13 xã, thị trấn thuộc huyện Sơn Tịnh và Tư Nghĩa sẽ sáp nhập về TP Quảng Ngãi (tỉnh Quảng Ngãi) từ ngày 1/4/2014. Bên cạnh niềm vui “lên thành phố”, người dân vùng được thụ hưởng chính sách cũng lắm nỗi lo.

Sau khi sáp nhập, TP Quảng Ngãi tiếp nhận gần 12.300 ha và gần 145.900 nhân khẩu; Thành lập mới phường Trương Quang Trọng trên cơ sở địa giới của thị trấn Sơn Tịnh (huyện Sơn Tịnh). Các địa phương không sáp nhập vẫn giữ nguyên địa giới hành chính như trước đây thuộc tỉnh Quảng Ngãi.

 

Về số cán bộ, công chức, viên chức và lao động thuộc 13 đơn vị hành chính là 272 người, trong đó huyện Sơn Tịnh có 207 CBCC và huyện Tư Nghĩa là 65 CBCC. Đối với nhân lực thuộc 45 trường học sáp nhập  là hơn 1.400 người, trong đó huyện Sơn Tịnh có hơn 1.000 người và Tư Nghĩa là gần 400 người.
 
Nỗi lo “lên thành phố”!

Giáo viên và cán bộ vẫn được hưởng chế độ ưu tiên như trước đây trong năm 2014 sau khi sáp nhập vào TP Quảng Ngãi.
 

Trước khi sáp nhập, cán bộ và giáo viên ở các xã ven biển như Tịnh Hòa, Tịnh Kỳ, Tịnh Khê (huyện Sơn Tịnh) và Nghĩa An, Nghĩa Phú và Nghĩa Hà (huyện Tư Nghĩa) đều được hưởng chế độ 116 thuộc vùng bãi ngang ven biển. Đối với học sinh THPT được hưởng chế độ cộng điểm ưu tiên thuộc Khu vực 2 - nông thôn với 1 điểm và chính sách hộ nghèo.

 

Giáo viên T.V.G. ở xã Tịnh Hòa bày tỏ: “Dạy học ở vùng quê, chúng tôi chỉ được nhận lương thôi, ngoài ra còn có khoảng hỗ trợ 116 nên cũng đỡ phần nào khó khăn. Chúng tôi lo lắng khi lên thành phố, nếu không có được hỗ trợ 116 thì khó khăn trăm bề”.

 

Ông Nguyễn Ngọc Thái - Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Tịnh - tâm sự: “Qua nắm bắt tâm tư của người dân, tất nhiên người dân đều vui vì được lên thành phố. Song bên cạnh niềm vui cũng có nỗi buồn và lo lắng, đặc biệt là các chính sách ưu tiên như trước đây”.

 
Nỗi lo “lên thành phố”!
Sau khi sáp nhập về TP Quảng Ngãi, cán bộ và người dân vùng biển thuộc xã Tịnh Kỳ canh cánh nỗi lo mất chế độ ưu tiên.
 

Giải đáp nỗi lo trên, ông Lê Minh Huấn - Chánh Văn phòng UBND tỉnh Quảng Ngãi - cho biết: “Theo quy định của Bộ GD&ĐT, học sinh THPT có số năm học ở khu vực ưu tiên cao hơn thì được hưởng chế độ chính sách. Như vậy, học sinh THPT ở các địa phương sáp nhập vẫn được hưởng điểm ưu tiên là 1 điểm theo khu vực 2 - nông thôn trong năm 2014. Ngoài ra, cán bộ và giáo viên vẫn hưởng chế độ 116 đến hết năm 2014, sau đó tỉnh tiếp tục rà soát, bổ sung cho phù hợp”.

 

Cũng theo ông Huấn, các hộ nghèo khi sáp nhập vào TP Quảng Ngãi đều được hưởng chế độ hộ nghèo của thành phố, áp dụng từ tháng 4/2014 trở về sau.

 

Hiện nay, công tác bàn giao 13 đơn vị hành chính cho TP Quảng Ngãi cơ bản hoàn thành. Dự kiến vào ngày 25/3, tại Quảng trường tỉnh Quảng Ngãi sẽ diễn ra lễ công bố Nghị quyết 123 của Chính phủ. Đến ngày 1/4, 13 đơn vị hành chính và 45 trường học đều hoạt động với tư cách pháp nhân thuộc TP Quảng Ngãi.

 

Hồng Long