Nỗi lo động đất, thấm nước ở Sông Tranh 2 không được “bảo hành”
(Dân trí) - Sau khi tổ chức phiên điều trần về động đất, độ an toàn tại thủy điện Sông Tranh 2, UB Khoa học - Công nghệ & Môi trường vừa gửi báo cáo kết quả giám sát đến UB Thường vụ QH, đề nghị chưa tích nước hồ thủy điện, làm rõ thêm 5 vấn đề.
Đập an toàn cả khi động đất hơn 5,5 độ richter?
Về nguyên nhân xảy ra động đất ở thủy điện Sông Tranh 2, UB Khoa học - Công nghệ & Môi trường cho biết còn có ý kiến khác nhau.
Viện Vật lý địa cầu thống kê, trước khi có thủy điện Sông Tranh 2, tại khu vực này có 8 trận động đất. Trong thời gian từ 3/11/2011 đến 22/10/2012, tại khu vực thủy điện Sông Tranh 2 đã xảy ra 66 trận động đất ở các cấp độ lớn nhỏ khác nhau trong đó có 2 trận mạnh 4,2 và 4 độ richter. Vào ngày 22/10/2012 , ghi nhận từ các trạm của Viện Vật lý địa cầu tại khu vực Sông Tranh 2 đã có trận động đất lớn với cường độ 4,6 độ richter. |
Tuy nhiên, cũng có một số ý kiến cho rằng nguyên nhân có thể là do hoạt động của các đứt gãy, kiến tạo địa chất. Cường độ động đất có thể lớn hơn 5,5 độ richter.
Về độ an toàn đập, Bộ Công thương và EVN khẳng định, kết quả khảo sát và quan trắc thực tế của cho thấy đập của công trình thủy điện Sông Tranh 2 là an toàn, làm việc ổn định.
Theo phân công của Chính phủ, Bộ Xây dựng cũng đã thuê một đơn vị tư vấn độc lập có kinh nghiệm quốc tế của Thụy Sỹ đánh giá. Đơn vị này sau đó thống nhất nhận định về tiêu chuẩn thiết kế đập đúng với tiêu chuẩn áp dụng cho dự án. Trong tất cả các tổ hợp tải trọng, đập làm việc an toàn, ổn định.
“Dù đập thủy điện Sông Tranh 2 được thiết kế với trị số gia tốc 150cm/s2 - tương đương với động đất 5,5 độ richter nhưng đập còn an toàn trong trường hợp có động đất lớn hơn nhiều so với động đất được giả định trong thiết kế và khẳng định hồ chứa có thể được tích nước lại trong mùa lũ sắp tới” – báo cáo của tư vấn quốc tế nhấn mạnh.
Tuy nhiên, báo cáo này cũng nêu rõ việc tích nước hồ chứa có khả năng gây động đất kích thích.
Chưa khẳng định an toàn khi lũ đột biến
Về hiện tượng thấm nước ở thân đập thủy điện, EVN cho biết, công tác xử lý thấm tại 10 khe nhiệt có độ thấm lớn do Viện Thiết kế Hoa Đông - Trung Quốc thực hiện đã khống chế được 99,9% (yêu cầu đặt ra là 80%).
Tại 20 khe nhiệt có độ thấm nhỏ hơn và phần bê tông bị rỗ mặt, thấm phía thượng lưu (từ cao trình 140m tới 170m) do Trung tâm tư vấn chống ăn mòn và xây dựng, Viện Khoa học và Công nghệ xây dựng - Bộ Xây dựng thực hiện. Kết quả xử lý, lưu lượng thấm nước qua nền đập giảm được 24%. Tổng lưu lượng thấm qua thân đập ở mực nước chết (140m) chỉ còn 3,23 l/s, giảm 89,4% so với trước khi xử lý (30,415 l/s).
Chưa đưa ra kết luận cuối cùng, cơ quan giám sát nêu ra 5 vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu, thảo luận làm rõ.
Cụ thể, kết quả chống thấm được xử lý khi cao trình hồ chứa ở mực nước chết (141m) nhưng cao trình ngưỡng tràn của đập là 161m. Do đập không có cửa xả đáy, khi nước thượng lưu đổ về, mực nước hồ chứa có thể đạt độ cao 161m; khi tích nước đạt mực nước dâng bình thường theo thiết kế là 175m.
Vì vậy, UB Khoa học, Công nghệ & Môi trường cho rằng, chưa rõ khả năng chống thấm của đập trong những tình huống này. Hơn nữa, việc cam kết, bảo hành cũng như tuổi thọ phương án chống thấm này chưa thấy báo cáo đề cập đến.
Thủy điện Sông Tranh 2 được xây dựng tại khu vực địa hình có hoạt động kiến tạo, các đứt gãy phức tạp đang hoạt động. Thiết bị quan trắc và số liệu thu thập được còn hạn chế. Như vậy, ngoài nguyên nhân được cho là do tích nước hồ chứa gây hiệu ứng kích thích, hiện tượng động đất ở khu vực công trình này còn có thể có mối liên hệ với các đứt gãy đang hoạt động, làm khuếch tán nước và tăng cường các trận động đất kích thích. Nếu các trận động đất liên tục xảy ra, có cường độ lớn, tâm chấn nông, trong lòng hồ hoặc sát chân đập thì có thể ảnh hưởng rất lớn đến an toàn đập.
Báo cáo đánh giá tác động môi trường (được lập vào tháng 12/2006) của công trình tuân thủ đúng quy định. Tuy nhiên, cơ quan giám sát nhận xét, một số trích dẫn thể hiện chưa rõ ràng có thể gây hiểu lầm và dẫn đến những hạn chế trong thiết kế và thi công công trình. Ngoài ra, một số nội dung cơ bản của kết quả khảo sát địa chất công trình cũng chưa được thể hiện trong báo cáo
Một vấn đề khác, Hội đồng nghiệm thu cấp nhà nước các công trình xây dựng, tư vấn độc lập nước ngoài và các cơ quan chức năng đã đưa ra đánh giá kết luận là công trình đập thủy điện Sông Tranh 2 đảm bảo an toàn có thể tích nước để phát điện. Tuy nhiên, cần giải thích rõ nguyên nhân chưa cho tích nước đến mực nước dâng bình thường theo thiết kế.
Cuối cùng, các cơ quan quản lý nhà nước chưa khẳng định được mức độ an toàn của đập khi có động đất cấp cao hơn và lũ đột biến tác động tới công trình.
Kết lại bản báo cáo giám sát, để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người dân khu vực hạ du đập thủy điện, Chủ nhiệm UB Khoa học, Công nghệ & Môi trường Phan Xuân Dũng yêu cầu, chưa tích nước hồ chứa thủy điện Sông Tranh 2 và tiếp tục nghiên cứu, đánh giá thận trọng, toàn diện tác động của lũ, động đất đến công trình.
Đập dâng thủy điện Sông Tranh 2 là loại đập bê tông trọng lực công nghệ đầm lăn, có chiều cao 96m, chiều dài 640m được chia thành các khối (Blok), các blok rộng 20m được ngăn cách nhau bằng các khe nhiệt (toàn bộ đập có 30 khe) xuyên suốt từ phía thượng lưu về hạ lưu. Dự án được Chính phủ cho phép EVN làm chủ đầu tư năm 2005, khởi công tháng 3/2006 vừa vận hành đầy đủ cả 2 tổ máy từ tháng 2/2011. Vùng ảnh hưởng của dự án gồm 8 xã thuộc huyện Bắc Trà My và Nam Trà My, làm ngập 2.856ha đất các loại, di dời 1.046 hộ dân, làm ngập khoảng 16km đường tỉnh lộ ĐT616 và một số cơ sở hạ tầng, công trình công cộng khác. |
P.Thảo