Nỗi kinh hoàng nơi cơn bão đi qua
(Dân trí) - Cơn bão Lekima bất ngờ đổi hướng, quật vào xứ Quảng. Nhóm PV Dân trí lại vội vã rời TX Hà Tĩnh vượt những cơn mưa tầm tã kèm gió rít, ngược vào đất Kỳ Anh đón bão.
3h chiều 3/10, trời bắt đầu mưa xối xả. Gió giật liên hồi kèm sấm chớp kinh hoàng. Dọc tuyến đường từ TP Hà Tĩnh vào trung tâm huyện lỵ Kỳ Anh cây cối đổ ngổn ngang. Mưa lớn khiến những cánh đồng ngập tràn nước, đường sá bị ngập chìm. Hai tiếng đồng hồ chạy ô tô cho một quãng đường chỉ hơn 50 cây số.
5h30, bỏ vội túi đồ nghề chúng tôi có mặt tại UBND huyện Kỳ Anh - đầu mối thông tin của cơn bão. Những thông tin ban đầu cho biết bão cách đất liền 50km, gió đã mạnh lên, giật trên cấp 8. Hầu hết các xã ở Kỳ Anh đã hoàn thành việc di dân đến nơi an toàn nhưng vẻ lo âu vẫn không rời khuôn mặt của những người tham gia phòng chống bão.
“Tất cả anh em đã được điều động về địa phương để trực tiếp nắm bắt tình hình, chỉ đạo công tác phòng chống bão. Bất cứ thông tin nào liên quan đến tính mạng người dân đều phải được báo kịp thời. Huyện đã hoàn thành viêc di dân, kè đê, nhưng bão mạnh qúa nên chúng tôi không thể nói trước được điều gì” - ông Trần Bá Song - Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh lo lắng nói.
Bữa cơm tối tạm bợ do huyện Kỳ Anh bố trí cho các đoàn tham gia làm nhiệm vụ trong cơn bão Lekima tại một nhà hàng nằm bên quốc lộ 1A đã phải dừng giữa chừng. Gió bão đập liên tục khiến vài cánh cửa kính nhà hàng vỡ tung. Những mái tôn, áp phích quảng cáo của những hộ dân bên cạnh bị gió lật tung, cuốn bay hàng trăm mét, đập thẳng vào nhà dân.
Thương tích đầu tiên mà tôi chứng kiến không phải từ phía người dân mà lại chính là từ một đồng nghiệp của tôi. Gió mạnh đã đập thẳng tấm cửa vào mặt của anh khiến anh bị rách đầu…
Từ miền biển giọng một vị cán bộ cơ sở nói ồm ồm trong điện thoại: “Phải lâu lắm rồi tui mới thấy sóng nó đập vào bờ mạnh đến rứa, độ cao của nó phải mấy mét chẳng chơi. Nó cuốn đi những gì mà người dân bỏ lại trước khi di dời lánh nạn. Thật may, không còn người dân nào ở đây, không sóng biển sẽ cuốn họ trôi mất”.
Kỳ Anh mưa ngập trời trước khi bão đổ bộ vàoĐêm trắng ở vùng tâm bão
Tôi bước vội lên xe của một đoàn cán bộ huyện Kỳ Anh cùng đi thị sát trên đoạn đường 1 phần nội thị trấn. Gió, mưa đập thẳng vào kính xe. Dù bóng đêm tối mịt nhưng ánh đèn pha từ chiếc xe vẫn cho thấy khá rõ khung cảnh tan hoang của thị trấn nhỏ Kỳ Anh. Duy nhất trong bóng đêm cả thị trấn nhỏ bé này gần như chỉ có Khu khách sạn Ngoại thương là đỏ điện. Ánh điện được dùng từ một máy nổ do khách sạn đã huy động từ trước đấy.
Xe chúng tôi rẽ vào khách sạn. Bát chén, rượu bia đổ ngổn ngang, xoong nồi bị gió cuốn vứt tứ tung. Những tấm cửa kính cũng bị gió giật làm vỡ. Khu lễ tân ướt sũng buộc nhân viên khách sạn phải biến nhà bếp thành nơi tiếp khách. Phía tầng thượng của ngôi nhà cao 5 tầng toàn bộ mái nhà lợp tôn bị sụp đổ.
Một nhân viên khách sạn nói với chúng tôi, tại đây vừa có 2 người bị nạn do gió giật mạnh ngã vào cửa kính.
12h đêm, khi bão xuống dần cấp 8, chiếc xe dẫn chúng tôi ngược trở ra một số xã vùng ngoài của "túi bão" Kỳ Anh. Đường về Kỳ Thọ, Kỳ Bắc, Kỳ Xuân tắc nghẽn do cây đổ chắn ngang đường.
Cũng trong đêm thức trắng đón bão ở Kỳ Anh, tôi đã chứng kiến những người dân quân đầy trách nhiệm ở mảnh đất này. Trong đêm, gió vẫn còn giật mạnh, mưa vẫn xối xả nhưng người vác thang, người mang cưa thu dọn cây cối chắn ngang đường. Đến sáng, giọng của Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh Trần Bá Song vui hẳn, hơn 80% số xã đã thông đường. Quả là một kỳ tích của Kỳ Anh!
Khu khách sạn thương mại trung tâm Kỳ Anh bị hư hỏng nặng
“Tôi không hiểu sao mình vẫn còn sống!”
Sáng nay, sau hơn 1 tiếng chợp mắt nhóm PV Dân trí lại lên đường về các xã chịu thiệt hại nặng nề của Kỳ Anh. Gần 90% nhà cửa bị tốc mái, hơn 10% số nhà bị sập, đó là hậu quả của bão mà như người dân Kỳ Anh nói là hơn 37 năm nay họ chưa bao giờ thấy.
"Kinh hoàng" đó là những gì mà người dân Kỳ Anh nói về cơn bão này.
Anh Phạm Mạnh Hùng, xóm Xuân Thọ, xã Kỳ Tân mô tả lại những giây phút mà gia đình anh vừa trải qua: “Trước bão cả nhà đã mua phông bạt, dây, thép kè cố mái tôn, hy vọng nó sẽ đứng vững khi bão đến. Tuy nhiên, khi trời mới sẩm tối, tui bắt đầu có cảm giác căn nhà không an toàn một khi sức gió giật manh hơn. Tui đã cố lấy những gì còn lại trong nhà kè thêm phần thân mái, sắp xếp lại bàn ghế, giường tủ. Tui cũng để mẹ và các em sang nhà lớn bên cạnh tránh bão.
Khoảng 8h, khi gió bão giật mạnh, căn nhà rung chuyển, bỗng chốc một tiếng gầm thật mạnh, gió hất mái tôn bay khỏi nóc nhà. Không lâu sau đó, bức tường bên phải đổ sầm xuống, gạch bị đẩy rơi tung toé. Lúc đấy tui chỉ biết trốn dưới gầm bàn. Đang tìm đường chạy thoát thân thì bức tường bên trái và bức tường phía sau cùng sụp đổ. Cả ngôi nhà xây lúc ấy chỉ còn lại đúng một đống đổ nát.
Tui hoảng sợ không biết làm gì bởi lúc ấy ở lại cũng chết mà chạy thoát thân cũng khó. Tuy nhiên, may mắn sao tui vẫn kịp bò dậy, men theo bờ ao rồi thoát thân”.
Anh Hùng nhẩm tính cơn bão gây thiệt hại cho gia đình anh gần 100 triệu đồng, trong đó phần nhiều là vốn vay mua thiết bị máy móc. Anh Hùng chua xót: “Giờ thì cả nhà tui phải chạy ăn từng bữa rồi”.
Anh Hùng chỉ tay vào đống nhà xưởng đổ nát |
Nỗi mất mát, thiệt hại như ga đình anh Hùng ở Kỳ Anh sau cơn bão số 5 là không thể ghi hết.
Bão Lekima đã qua, nhưng tại Kỳ Anh vẫn đang có một cơn bão khác, đó là cơn bão đầy sức mạnh của người dân tiến hành sửa chữa lại nhà, đắp lại đường sá, nối lại dòng điện để chỉ ít ngày nữa thôi cuộc sống của họ trở lại với nhịp đập bình thường.
Hà Tĩnh: Bão số 5 gây thiệt hại hơn 250 tỷ đồng
Tuy không có thiệt hại về người nhưng cơn bão số 5 làm thiệt hại trên 250 tỷ đồng và hàng ngàn ngôi nhà dân hư hại. 41 người dân đã bị thương khi chống chọi với cơn bão có tên quốc tế là Lekima này.
Theo thông tin mới nhất của UBPCBL tỉnh Hà Tĩnh tính đến thời điểm này, cơn bão số 5 đã gây thiệt hại nặng nề về tài sản của nhà nước và nhân dân, huyện bị thiệt hại nặng nhất là vùng tâm bão Kỳ Anh trên 150 tỷ đồng, hàng ngàn ngôi nhà dân bị tốc mái. Huyện Cẩm Xuyên thiệt hại 60 tỷ đồng, Lộc Hà 30 tỷ... toàn tỉnh nhà dân bị sập hoàn toàn trên 120 nóc, bị tốc mái và ngập nước 57.580 hộ và 1.100 phòng học bị tốc mái, trong đó có 20 phòng bị sập.
Về lúa, có 2.900ha bị thiệt hại nặng trong đó có 784 ha bị mất trắng; 6.000ha rau màu các loại bị hư hại, 163 ha cây công nghiệp ngắn ngày tàn phá, 51.620 cây bị gãy và đổ.
Về cơ sở hạ tầng: 160.000m3 đê bị hư hỏng, trên 300.000m3 đường giao thông bị hư hỏng, gần 400 ha vùng nuôi trồng thuỷ hải sản bị mất trắng, 300 cột thông tin liên xã bị gãy đỗ…
Hiện nay, tỉnh Hà Tĩnh đang tập trung toàn lực để khắc phục hậu quả do cơ bão số 5 gây ra. Trước mắt, UBND tỉnh đã trích 1,9 tỷ đồng và 300 tấn gạo cho các huyện gặp khó khăn và huy động bộ đội, công an và các ban ngành đoàn thể khẩn trương phục vụ người dân khắc phục môi trường. |