(Dân trí) - Ngày 23/10/1961, đánh dấu mốc lịch sử tuyến vận tải chiến lược chi viện chiến trường miền Nam - đường Hồ Chí Minh trên biển. Ít ai biết, 3 năm trước, con đường này được khởi nguồn từ dải đất Khu 4...
Ngày 23/10/1961, đánh dấu mốc lịch sử tuyến vận tải chiến lược chi viện cho chiến trường miền Nam mang tên đường Hồ Chí Minh trên biển. Ít ai biết rằng, 3 năm trước, con đường huyền thoại này đã được khởi nguồn từ dải đất Khu 4 anh hùng.
"Đêm 11/10/1962, từ cột mốc số 0, bến K15, Đồ Sơn, Hải Phòng, chuyến tàu vận tải quân sự đầu tiên từ hậu phương lớn miền Bắc chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam khởi hành, mở đầu cho tuyến hậu cần chiến lược trên biển Đông mang tên "Đường Hồ Chí Minh trên biển". Tuy nhiên ít người biết rằng, cách đó 3 năm, dải đất Khu 4 chính là nơi khởi nguồn nên những chuyến tàu đầu tiên của con đường huyết mạch này. Phiên hiệu Đoàn 759 - Đoàn vận tải thủy ra đời ngày 23/10/1961 - ngày truyền thống Đường Hồ Chí Minh trên biển chính là kế thừa Tiểu đoàn 603, mật danh "Tập đoàn đánh cá Sông Gianh" thành lập tháng 7/1959 - sau này là Lữ đoàn Hải quân 125", Thiếu tá Nguyễn Hữu Hoành - cán bộ Ban tuyên truyền, Bảo tàng Quân khu 4 nói khi dẫn tôi tham quan khu trưng bày về chi viện của hậu phương Khu 4 đối với chiến trường miền Nam trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Trong đó, đáng chú ý là bức ảnh cảng Gianh (Quảng Bình) - nơi tập kết hàng hóa, vũ khí để vận chuyển, chi viện cho chiến trường miền Nam, năm 1973. Vùng biển Quảng Bình cũng chính là nơi xuất phát chuyến tàu được xem là mở đường cho tuyến vận tải chiến lược trên biển - Đường Hồ Chí Minh, năm 1959.
Tháng 5/1959, Đoàn 559 được thành lập với nhiệm vụ mở tuyến đường vận tải trên bộ - Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh. Chỉ 2 tháng sau, Quân ủy Trung ương và Bộ tổng tham mưu quyết định thành lập Tiểu đoàn vận tải biển 603, mật danh TĐVTB 603, thuộc Đoàn 559. Đơn vị có nhiệm vụ vận chuyển vũ khí trên biển chi viện cho miền Nam, dưới vỏ bọc của tên gọi "Tập đoàn đánh cá sông Gianh".
"Tiểu đoàn vận tải biển 603 đóng quân tại thôn Thanh Khê, xã Thanh Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, gồm 107 người, là con em miền Nam tập kết ra Bắc, biên chế thành 2 đại đội. Trong thời gian huấn luyện, đơn vị ngụy trang là những ngư dân, tham gia đánh bắt hải sản, luyện tập trên biển. Cùng với đó, công tác chuẩn bị tàu thuyền cũng được triển khai tại làng đóng tàu Trung Kiên, xã Nghi Thiết, huyện Nghi Lộc, Nghệ An. Việc đóng tàu được giao cho những người thợ giàu kinh nghiệm nhất, họ chỉ biết đây là nhiệm vụ do quân đội giao, phải tuyệt đối bí mật. Tàu được đóng là tàu gỗ, theo mẫu tàu đánh cá của ngư dân miền Nam, có cột buồm, hai đáy. 4 chiếc tàu đặc biệt đã được những người thợ tài hoa của làng Trung Kiên đóng trước khi chuyển vào Quảng Bình để thực hiện nhiệm vụ", Thiếu tá Nguyễn Hữu Hoành thông tin.
Sau nửa năm chuẩn bị, tối 27/1/1960, đúng vào đêm giao thừa Canh Tý, một trong 4 chiếc tàu với 6 thuyền viên cùng 5 tấn vũ khí, thuốc men được bí mật ngụy trang dưới lớp đáy thứ 2 đã giương buồm, rẽ màn đêm ra khơi, xuôi thẳng về phương Nam. Tuy nhiên, khi đến vùng biển tỉnh Quảng Ngãi thì tàu gặp bão, hư hỏng nặng. Để tránh bị lộ, các thuyền viên quyết định đẩy vũ khí xuống biển trước khi bị địch phát hiện và bắt giữ.
Theo Thiếu tá Nguyễn Hữu Hoành, mặc dù không thành công nhưng chuyến tàu đầu tiên có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với việc hình thành tuyến vận tải chiến lược trên biển Đông về cách thức tổ chức cũng như loại hình phương tiện vận tải. "Đó là chuyến tàu không số đầu tiên - khởi nguồn cho tuyến đường vận tải chiến lược mang tên Đường Hồ Chí Minh trên biển sau này. Điều này cũng đã được khẳng định trong cuốn Lịch sử Lữ đoàn hải quân 125, Lịch sử Quân chủng Hải quân và Lịch sử đường Hồ Chí Minh", Thiếu tá Nguyễn Hữu Hoành cho biết.
Năm 1960, phong trào Đồng Khởi giành được nhiều thắng lợi quan trọng, đồng nghĩa với nhu cầu vũ khí, đạn dược ở chiến trường miền Nam tăng cao. Trong khi đó, tuyến vận tải bộ qua dãy Trường Sơn mới vươn được tới một số địa bàn phía Tây, các tỉnh duyên hải và khu vực đồng bằng Sông Cửu Long rất thiếu vũ khí phục vụ cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc đang dâng cao như vũ bão. Giữa năm 1961, các tỉnh Cà Mau, Bến Tre, Bà Rịa đã tổ chức các đội tàu, vượt biển "xoi đường" ra Bắc để liên hệ với Trung ương xin vũ khí, đạn dược.
"Trong đó phải kể đến đội tàu Bến Tre cập cảng Kỳ Anh, Hà Tĩnh; đội tàu Bà Rịa cập cảng biển ở Thanh Hóa. Riêng đội tàu của ông Bông Văn Dĩa xuất phát từ Cà Mau cập cảng Nhật Lệ, được nhân dân Quảng Bình cưu mang, giúp đỡ. Các thuyền viên sau đó ra miền Bắc, tham gia học tập, huấn luyện rồi trở về miền Nam bằng chính đường biển này. Nói thế để khẳng định rằng, Đường Hồ Chí Minh trên biển được ra đời, ngoài tầm nhìn chiến lược của Trung ương Đảng và Quân ủy Trung ương, còn là do yêu cầu thực tiễn chiến đấu của chiến trường miền Nam và có sự tham gia tích cực, mang tính quyết định của những người con miền Nam "xoi đường" ra Bắc xin vũ khí. Trong hành trình đó, không thể không kể đến vị trí chiến lược của các tỉnh ven biển Khu 4 - hậu phương lớn trực tiếp của chiến trường miền Nam", Thiếu tá Nguyễn Hữu Hoành phân tích.
Anh hùng lực lượng vũ trang Bông Văn Dĩa - người đầu tiên thành công trong việc "xoi" đường biển từ miền Nam ra Bắc cũng chính là người có mặt trên chuyến tàu chi viện đầu tiên từ hậu phương lớn cho tiền tuyến lớn qua tuyến đường vận tải chiến lược này. Đêm 11/10/1962, con tàu mang tên Phương Đông 1, do ông Lê Văn Một làm thuyền trưởng, ông Bông Văn Dĩa làm chính trị viên, rời cầu cảng K15 (Đồ Sơn, Hải Phòng), chở 30 tấn vũ khí hướng vào Nam. Sau 5 ngày vượt biển, ngày 16/10/1962, tàu Phương Đông 1 cập bến Vàm Lũng (Cà Mau) an toàn.
Tiếp đó, những con tàu không số chở đầy vũ khí với mật danh Phương Đông 2, Phương Đông 3, Phương Đông 4… lần lượt rời bến K15 tiến về phương Nam. Trên con đường huyền thoại ấy, nhiều người đã ngã xuống, nhiều con tàu không mang số hiệu đã bị đánh chìm bởi giông bão, bởi sự tấn công, đánh phá của địch nhưng tuyến hậu cần chiến lược trên biển Đông mang tên Đường Hồ Chí Minh vẫn được nối dài và hoàn thành sứ mệnh lịch sử trong cuộc chiến vệ quốc vĩ đại của dân tộc.
Khi địch mở rộng chiến tranh phá hoại miền Bắc và phong tỏa các vùng biển, cùng với sự giúp đỡ của các nước xã hội chủ nghĩa anh em, vũ khí, đạn dược từ miền Bắc, qua vùng biển quốc tế được trung chuyển qua các cầu cảng, cảng biển Khu 4. Từ các cảng biển thuộc tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình những chuyến hàng được vận chuyển qua Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh để vào chiến trường, cùng quân và dân miền Nam chiến đấu và chiến thắng.