DNews

Nỗi khổ của người dân "thôn không bản đồ địa chính" trên đất rừng Sóc Sơn

Nguyễn Hải

(Dân trí) - Lập vùng kinh tế mới cách đây gần 40 năm nhưng đến nay chưa có hộ nào ở thôn Minh Tân, Sóc Sơn được cấp sổ đỏ. Cả thôn nằm trong quy hoạch rừng phòng hộ khiến cuộc sống người dân đã khó lại thêm khổ.

Nỗi khổ của người dân "thôn không bản đồ địa chính" trên đất rừng Sóc Sơn

Từ giữa những năm 80, khoảng 130 hộ dân thuộc các xã ven sông của huyện Sóc Sơn (TP Hà Nội) như Xuân Thu, Kim Lũ, Tân Hưng, Bắc Phú và Minh Trí đến xây dựng khu kinh tế mới Đồng Đò (nay là thôn Minh Tân, xã Minh Trí, huyện Sóc Sơn).

Trong thời gian này, hệ thống chính trị của thôn Minh Tân được thành lập. Cụ thể, Chi bộ Đảng thành lập tháng 3 năm 1987, hợp tác xã thành lập tháng 6/1987 và các đoàn thể khác cũng được ra mắt trong thời gian này.

Tuy nhiên, vào năm 1993, thôn Minh Tân lại không được đo vẽ bản đồ địa chính.

Tiếp đó, năm 2008 theo quyết định phê duyệt quy hoạch rừng phòng hộ bảo vệ môi trường Sóc Sơn, toàn bộ thôn Minh Tân nằm trong quy hoạch rừng phòng hộ.

Dân đến trước, rừng có sau

Cùng với hàng trăm hộ dân khác, những ngày cuối tháng 12/1985, ông Ngô Văn Tương (66 tuổi, trú xóm 1, thôn Minh Tân, xã Minh Trí) đi theo tiếng gọi của Đảng và Nhà nước đến vùng kinh tế mới Đồng Đò khai hoang, phát triển kinh tế.

Những ngày đầu đặt chân đến vùng đất mới vợ chồng ông được Nhà nước hỗ trợ gạo, đất, tiền làm nhà nhưng cuộc sống của gia đình 4 thành viên gặp vô vàn, khó khăn, khổ cực. 

Trong trí nhớ của ông, ngày đấy khu vực Đồng Đò, chỉ là đồi trọc mọc đủ loại cây dại, tốt ngang đầu người. Con đường chính dẫn vào trung tâm thôn Minh Tân đường đất trơn trượt, rộng vẻn vẹn 3 gang tay. 

Nỗi khổ của người dân thôn không bản đồ địa chính trên đất rừng Sóc Sơn - 1

Thôn Minh Tân, xã Minh Trí (huyện Sóc Sơn) được thành lập năm 1985 với đầy đủ các ban ngành... nhưng thôn này chưa có bản đồ địa chính (Ảnh: Thành Đông).

"Đến đây được 28 ngày vợ tôi mất vì sốt rét. Lúc đó, tôi chỉ muốn bỏ về nhưng nghĩ lại mình là người lính bộ đội Cụ Hồ không thể bỏ cuộc dễ dàng nên cố nén đau thương, tìm cách làm ăn", ông Tương nhớ lại. 

Vượt qua nỗi đau mất vợ, ông Tương lao vào làm kinh tế, đi trồng rừng để đổi lấy gạo nuôi 3 miệng ăn. Đến năm 1992, Nhà nước có kế hoạch trồng rừng, phủ xanh đồi núi trọc ở thôn Minh Tân, ông hăng hái tham gia và nhận bảo vệ rừng để có thêm thu nhập. 

Sau đó, ông nên duyên vợ chồng với bà Nguyễn Thị Bốn. Khi kinh tế gia đình ổn định, vợ chồng ông nghĩ đến việc làm sổ đỏ cho thửa đất mà mình sinh sống thì hay tin thôn Minh Tân chưa có bản đồ địa chính nên không được cấp.

Đến năm 2008, toàn bộ thôn Minh Tân nằm trong quy hoạch rừng phòng hộ thì việc xin cấp sổ đỏ đối với gia đình ông lại càng xa vời, khó khăn gấp bội. 

Nỗi khổ của người dân thôn không bản đồ địa chính trên đất rừng Sóc Sơn - 2

Năm 2008, toàn bộ thôn Minh Tân được quy hoạch là rừng phòng hộ, kể cả nhà văn hóa, trạm điện, nhà dân, lớp học... (Ảnh: Thành Đông).

Mặc dù đã ở tuổi "gần đất, xa trời" nhưng thửa đất mà mình bỏ cả đời gầy dựng, khai hoang chưa được xác nhận giá trị pháp lý khiến vợ chồng ông ngày đêm suy nghĩ, lo lắng. 

Thời gian qua, bà Nguyễn Thị Bốn (68 tuổi vợ ông Tương) đã gửi đơn đi các cấp chính quyền với mong muốn có thể cấp sổ đỏ cho thửa đất của gia đình nhưng mọi thứ chỉ chìm trong "im lặng".

"Dân chúng tôi quá khổ, ở đây mấy chục năm mà chưa được cấp sổ đỏ. Tôi cũng như nhiều người dân thôn Minh Tân có một nguyện vọng là các cơ quan chức năng tách đất rừng phòng hộ riêng, đất khai hoang riêng và đất Nhà nước cấp cho người dân khi đi xây dựng vùng kinh tế riêng để chúng tôi có thể làm sổ đỏ", bà Bốn bày tỏ mong muốn.

Bà chia sẻ việc không có sổ đỏ khiến cuộc sống gia đình bà đã khổ lại càng khó khi không có tài sản thế chấp để vay vốn ngân hàng phát triển kinh tế cũng như tách khẩu, nhập khẩu, chia đất cho các con khi đến tuổi trưởng thành.

Nỗi khổ của người dân thôn không bản đồ địa chính trên đất rừng Sóc Sơn - 3

Ngày mới đến Đồng Đò khai hoang, lập thôn Minh Tân cuộc sống của gia đình bà Nhạ cùng hàng trăm hộ dân khác gặp muôn vàn khó khăn, vất vả (Ảnh: Thành Đông).

Bà Nguyễn Thị Nhạ (75 tuổi, trú thôn Minh Tân) vẫn nhớ như in buổi sáng ngày 6/12/1985 rời xa mảnh đất quê hương, đến khu Đồng Đò (xã Minh Trí) khai hoang, xây dựng vùng kinh tế mới. 

Ngày mới đến, bà Nhạ giữ chức Phó chủ nhiệm của vùng kinh tế mới, có trách nhiệm đi khảo sát, trồng rừng. 

Đến năm 1991, bà Nhạ cùng cán bộ huyện Sóc Sơn đi khảo sát, nghiên cứu, lên kế hoạch trồng rừng bài bản, có thiết kế. 

Khi cuộc sống dần ổn định bà Nhạ và người dân trong thôn vô cùng bất ngờ, bức xúc khi diện tích mình đang ở được quy hoạch vào rừng phòng hộ, không có bản đồ địa chính, không được cấp sổ đỏ. 

"Dân đến trước, rừng có sau bởi chúng tôi lên đây mới trồng rừng, bây giờ lại bảo dân ở trên đất rừng là không đúng", bà Nhạ bày tỏ và mong các cấp chính quyền cần phân tách rõ ràng giữa đất rừng và đất khai hoang của dân.

Người dân đã ở lâu năm trên những thửa đất được khai hoang từ năm 1985 thì sớm được cấp sổ đỏ để họ ổn định cuộc sống.

Nỗi khổ của người dân thôn không bản đồ địa chính trên đất rừng Sóc Sơn - 4

Bà Nguyễn Thị Loan (75 tuổi, cựu cán bộ Y tế Minh Tân) mong muốn các cấp chính quyền sớm tách riêng biệt đất rừng, đất ở, thôn được lập bản đồ địa chính để các hộ có thể làm sổ đỏ (Ảnh: Nguyễn Hải).

Đứng cạnh bà Nhạ, bà Nguyễn Thị Loan (75 tuổi, cựu cán bộ Y tế Minh Tân) ví những ngày đầu đến Đồng Đò khai hoang khổ như đi kháng chiến chống Mỹ cứu nước bởi bệnh sốt rét. 

May mắn, ngày đấy vi rút gây sốt rét là lành tính nên mọi người mới có thể ở được đến giờ. Song cũng có một số người mất vì căn bệnh quái ác này. 

Khi người dân đi tìm cây về trồng rừng phủ xanh đồi núi trọc, nhiều đoàn phải đi bộ hơn 10km từ sáng sớm đến tối mịt mới về tới nhà.

Trong trí nhớ của bà Loan, ngày mới đến là khai hoang vùng kinh tế mới nên gia đình nào có sức khai khẩn được đến đâu thì đất nhà mình rộng đến đấy.

Khi tuổi đã cao, sức yếu nhưng mảnh đất gia đình sinh sống vẫn chưa được cấp sổ đỏ khiến bà Loan vô cùng lo lắng. 

Bà sợ chẳng may "nhắm mắt xuôi tay" thì con cháu ở lại sẽ không biết rõ gốc tích đất nhà mình từ đâu đến đâu để có thể làm các thủ tục hành chính. 

Nỗi khổ của người dân thôn không bản đồ địa chính trên đất rừng Sóc Sơn - 5

Ông Ngô Văn Tương nhớ như in ngày đến vùng kinh tế mới Đồng Đò được 28 ngày vợ ông mất vì bệnh sốt rét. Cố kìm nén nỗi đau, ông lao vào công việc để kiếm cái ăn nuôi 2 con thơ (Ảnh: Thành Đông).

Thôn 200 hộ dân đang "trên mây" vì chưa có bản đồ địa chính

Anh Nguyễn Văn Tuấn, Chi hội trưởng Hội nông dân thôn Minh Tân khẳng định thời cha, ông ngày trước đi theo tiếng gọi của Đảng, Nhà nước đến khu vực hồ Đồng Đò để khai hoang, lập ấp, phát triển kinh tế. 

Song đến nay trong thôn chưa một gia đình nào được cấp sổ đỏ trên mảnh đất mà mình sinh sống. "Có người chết đi rồi nhưng vẫn chưa thể nhìn thấy tấm sổ đỏ mảnh đất của mình như thế nào", anh Tuấn bộc bạch.

Ông Nguyễn Văn Hòa, Trưởng thôn Minh Tân cho biết, thôn Minh Tân được thành lập năm 1985 theo quyết định của UBND TP Hà Nội về việc di dân đến vùng kinh tế mới Đồng Đò. 

Bản chất người dân thôn Minh Tân là đi xây dựng vùng kinh tế mới, được Nhà nước công nhận và họ đều có quyết định đi di dân, có quyết định giao đất để sinh sống. 

Trong quá trình người dân sinh sống đường xá đi lại khó khăn, chỉ có lối mòn vào trong thôn, ô tô không thể tiếp cận. 

Có thể do người dân ở vùng sâu, đường đi nhỏ, hẹp, xấu dẫn đến việc cán bộ quy hoạch, đo đạc quyền sử dụng đất năm 1993 đã "bỏ quên" Minh Tân, không đo đạc nên thôn không có bản đồ địa chính. 

"Thôn Minh Tân có đầy đủ Bí thư chi bộ và các ban, ngành đoàn thể, nhưng thôn này đang "trên mây" vì chưa có bản đồ địa chính.

Trên bản đồ địa chính của huyện Sóc Sơn hiện nay thì Minh Tân chỉ có một thửa duy nhất bao trùm cả thôn", ông Hòa nói và cho biết hiện điểm trường, nhà văn hóa, nghĩa trang, chùa... đều nằm trong diện tích điều chỉnh quy hoạch rừng phòng hộ năm 2008.

Người dân sinh sống ổn định 38 năm trên những ngôi nhà, mảnh đất tại thôn Minh Tân nhưng đến nay chưa một hộ nào có sổ đỏ.

Ông Hòa chia sẻ, việc các thửa đất không có sổ đỏ ngoài khó khăn trong mua bán, chuyển nhượng cũng như thế chấp tài sản thì nhiều năm trở lại đây các hộ không thể tách, nhập khẩu dù đã ở 4-5 thế hệ.

Ngày đầu thành lập thôn Minh Tân có hơn 100 hộ nhưng đã gần 40 năm trôi qua mới chỉ có gần 200 hộ với hơn 500 nhân khẩu.

Ông Hòa khẳng định, khi người dân đi xây dựng vùng kinh tế mới Đồng Đò khu vực này chỉ là đất trống, đồi núi trọc. 

Nỗi khổ của người dân thôn không bản đồ địa chính trên đất rừng Sóc Sơn - 6

Trưởng thôn Minh Tân, Nguyễn Văn Hòa khẳng định, khi người dân đi xây dựng vùng kinh tế mới Đồng Đò khu vực này chỉ là đất trống, đồi núi trọc (Ảnh: Thành Đông).

"Người dân lên đây ở trước và nhiều năm sau mới trồng rừng keo, rừng thông. Khi rừng mọc lên thì chính quyền giao cho dân bằng sổ lâm bạ", ông Hòa nói và bộc bạch người dân tại thôn nhiều năm qua rất khổ vì sống trong đất quy hoạch rừng phòng hộ. 

Người dân mong muốn chính quyền bóc tách được đất ở và đất rừng để họ sinh sống ổn định. "Cái nào của rừng thì trả cho rừng còn của dân thì trả cho dân", ông Hòa bày tỏ.

Ông Đinh Văn Bảo, Chủ tịch UBND xã Minh Trí cho biết, từ cuối năm 2022 đến nay trên địa bàn có 6 trường hợp mới vi phạm xây dựng trên đất lâm nghiệp, vi phạm trong lĩnh vực đất đai ven hồ Đồng Đò.

Tại thôn Minh Tân có khoảng 200 hộ dân nhưng đến nay vẫn chưa có bản đồ địa chính, gần như không có hộ dân nào được cấp giấy tờ sổ đỏ theo quyền sử dụng đất trước ngày 15/10/1993 nên việc quản lý rất phức tạp.

Theo tìm hiểu của phóng viên, nhiều năm nay thôn Minh Tân (xã Minh Trí, huyện Sóc Sơn) được coi là điểm nóng về "xẻ thịt" đất rừng.

Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Phạm Quang Ngọc, Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn cho biết, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo huyện Sóc Sơn rà soát hiện trạng rừng, nhà dân và từ đó thấy bất cập sẽ đề xuất để đưa vào quy hoạch chung Thủ đô, quy hoạch vùng của huyện Sóc Sơn. 

Nỗi khổ của người dân thôn không bản đồ địa chính trên đất rừng Sóc Sơn - 7
Nỗi khổ của người dân thôn không bản đồ địa chính trên đất rừng Sóc Sơn - 8

Theo quy hoạch rừng năm 2008 thì điểm trường, nghĩa trang thôn Minh Tân cũng nằm trong diện tích quy hoạch rừng phòng hộ (Ảnh: Thành Đông)

Đối với những nơi giữ nguyên quy hoạch thì chính quyền phải đền bù, giải phóng mặt bằng và di dời người dân. Đối với thôn Minh Tân năm 1993 không được đo vẽ bản đồ địa chính dẫn đến khó khăn, bất cập trong việc quản lý, xử lý vi phạm về đất rừng.

Trước đó, vào ngày 20/8/2020, Thanh tra Chính phủ ban hành văn bản 1434 trả lời khiếu nại, tố cáo của người dân thôn Minh Tân, xã Minh Trí, huyện Sóc Sơn, Hà Nội.

Trong đó khẳng định quy hoạch đất rừng phòng hộ năm 2008 của UBND TP Hà Nội vẫn còn nhiều diện tích đất của tổ chức, an ninh quốc phòng, đất do hộ dân sử dụng vào mục đích ở, đất sản xuất nông nghiệp trước ngày 15/10/1993 trùng lấn với quy hoạch rừng...

Nguồn gốc đất của 27 hộ dân khu vực hồ Đồng Đò, thôn Minh Tân, xã Minh Trí có công trình xây dựng đang sử dụng là đất khai hoang vùng kinh tế mới từ năm 1985 theo kế hoạch của UBND TP Hà Nội; đã sử dụng ổn định, không có tranh chấp; việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa các hộ gia đình không vi phạm pháp luật, có xác nhận của chính quyền địa phương; không nằm trong diện tích giao khoán bảo vệ rừng hàng năm...

Ảnh: Thành Đông