1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Nỗi đau bay về từ Nam Cực

Ngày 13/12, chiếc tàu Hàn Quốc In Sung Sunk 1 chở 42 thủy thủ người nước ngoài đang đánh cá tại vùng biển Nam Cực thì bất ngờ bị đắm. Tin dữ bay về xã Kỳ Ninh, huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh), nơi có tới 2 người bị mất tích khó có khả năng sống sót.

Hoàn cảnh gia đình hai nạn nhân thật đáng thương tâm, khi chúng tôi về Kỳ Ninh chứng kiến cảnh này và thêm bao nỗi buồn chuyện đánh cá của những con tàu khác.

"Gia đình chúng tôi nghèo nên nó phải đi làm ăn xa"

Hai người mất tích trong chiếc tàu In Sung Sunk 1 thuộc Tập đoàn In Sung Tyan Kim của Hàn Quốc bất ngờ bị chìm trong một chiều giá lạnh tại vùng biển Nam Cực chỉ sau 1 ngày đã nhanh chóng lan tới xã Kỳ Ninh (huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh).

Khi ông Chánh Văn phòng UBND xã Kỳ Ninh dẫn chúng tôi tới thăm gia đình anh Nguyễn Văn Sơn (đội 2, xóm Xuân Hải) thì bà con láng giềng đã đến chật nhà. Từ gian nhà trên đến gian nhà dưới vọng ra những tiếng kêu khóc thảm thiết. Người bố của anh Sơn thấy khách lạ vào nhà bỗng dưng ôm chầm lấy anh bạn của tôi mếu máo: "Con tôi chết thật rồi, nhưng bên nớ có cách chi mang được xác về đây không chú". Mẹ anh Sơn nằm lịm đi trong bộ quần áo nhàu nhĩ và hai gò má teo tóp, một người chú ruột vẫn cố ghìm nén xúc động rót nước mời tôi và tâm sự: "Tội quá chú ơi! Sơn sinh năm 1985, nó là một thanh niên hiền như đất, thật như đếm. Thương cha mẹ và thương vợ con hết mực. Hồi mới cưới vợ xong, nó nói với vợ thôi em chịu khó ở nhà làm ruộng và phụng dưỡng cha mẹ giúp anh. Anh đi xuất khẩu mới có tiền làm nhà được...".
 
Nỗi đau bay về từ Nam Cực  - 1
Xót thương khi nghe tin anh Sơn mất tích

Thế nhưng chuyện làm ăn của những người "dong thuyền trên biển lớn" như Sơn số phận cũng không kém phần hẩm hiu. Đầu năm 2009, Sơn bay sang Hàn Quốc và theo một chủ tàu đánh cá, 6 tháng sau quay về nhà. Anh nhẫn nhịn hết mực để có một khoản tiền rất nhỏ vừa trả nợ dần cho ngân hàng, vừa làm một cái móng nhà nhỏ. Lần thứ hai anh về thăm nhà trong trạng thái buồn vì làm ăn quá khó khăn, buồn vì anh bị cụt mất một ngón tay khi kéo dây tời trên chiếc tàu đánh cá. Nhưng anh vẫn quyết ra đi và hy vọng có thời cơ. Ai ngờ...

Tôi nhìn cháu Nguyễn Văn Nhật - đứa con trai mới 10 tháng tuổi của anh Sơn - mà mủi lòng. Thằng bé kháu khỉnh vẫn hồn nhiên cười khi cầm chiếc kẹo ngọt, nó chưa biết thăm thẳm góc chân trời Nam Cực giá lạnh dưới 2 độ kia hồn bố nó giờ phiêu dạt nơi đâu? Chị Nguyễn Thị Dung - vợ anh Sơn - buồn bã: “Ba sào ruộng ở đất cát ni làm sao mẹ con em và ông bà nội sống nổi anh”.

Rời nhà anh Sơn, chúng tôi tới thăm gia đình anh Nguyễn Văn Thành (xóm Xuân Hải). Ông Nguyễn Tiến Khương - bố của Thành - cho biết: Thành mới 21 tuổi, chưa vợ, là con trai thứ hai của gia đình, sau Thành còn 2 em nhỏ. Ông nội Thành là một cán bộ công an nghỉ hưu đã 79 tuổi, nói: Thành đã học xong lớp 12, tuy học khá nhưng thi đại học không đỗ, nên cháu có phần bị “sốc”. Cháu bảo với tôi rằng sang đánh cá bên Hàn ít năm có tiền rồi tìm cơ hội học sau, bây giờ phải lo “xóa đói giảm nghèo” cho bố mẹ đã...

Trước khi đi, gia đình cũng chạy đôn, chạy đáo để vay ngân hàng cho Thành 180 triệu đồng với mức lãi suất cao. Bây giờ nghe tin trên thông báo Thành bị mất tích, cả nhà bụng nóng như lửa đốt. Bà Hường - mẹ Thành - gào khàn cả giọng: ‘’Con ơi! Thành ơi !... Chỉ vì thương bố mẹ quá nghèo khổ mà con phải đi làm mồi cho cá ăn. Biết thế ở nhà với mẹ ăn khoai còn hơn...”.

Hé lộ thêm nỗi đau người trở về từ chuyến đi khác

Người đàn ông có dáng người thư sinh và khá điển trai ấy tên là Nguyễn Sĩ Thăng, năm nay 34 tuổi (xóm Bàn Hải, Kỳ Ninh) kể câu chuyện khá bi thương trong cuộc hành trình của anh khi sang đánh cá cho một chủ tàu thuộc Cty Sen Kô1 (Đài Loan) tại vùng biển cảng Cape Town (Nam Phi). Thăng bảo: “Cháu nhiều lúc nghĩ lại số mình khắc tinh với nghề cá, nên chưa làm đã bị nạn”. Bà Luận - mẹ Thăng - từ trong bếp chạy ra nói toáng lên: “Nó rụng hết cả hai hàm răng rồi các con ơi, chưa được đồng mô mang về cả mà phải chịu tật suốt đời”.

Để minh chứng cho lời mẹ, Thăng há miệng và cầm cả mảng răng giả vừa hàm trên vừa hàm dưới đặt xuống giữa bàn cho tôi xem. Tôi rùng mình khi miệng Thăng trống hơ trống hoác hơn cả ông lão ngoài tuổi 90. Thăng nói: “Em lắp cho nó đẹp thôi. Ăn chẳng có cảm giác gì ngon cả. Nhưng, mất răng em chưa sợ bằng bàn chân phải vỡ bánh chè này, dù đã được phẫu thuật rồi, nhưng bây giờ vẫn chưa thể đi lại được”. Thăng đã nằm ê ẩm trên giường suốt mấy tháng nay.

Thăng kể: “Hôm đó ông chủ tàu giao nhiệm vụ cho em leo lên chiếc tàu đánh cá trọng tải 750 tấn để làm nhiệm vụ sơn ghe tàu. Khi em vừa bước lên giàn tàu, không hiểu sao hai tai bị ù hẳn, mắt hoa, đầu choáng váng, miệng kêu không thành tiếng, rồi em bổ nhào xuống đất ở độ cao 25m. Em bất tỉnh nhân sự và khi mở mắt ra thì đã thấy mình nằm trong bệnh viện, mấy đứa bạn đồng hương đến thăm bảo: “Không chết là còn phúc nhà đấy”. Những ngày ở bệnh viện nước ngoài, em vẫn được ông chủ Đài Loan chăm sóc chu đáo. Nhưng rồi ông chủ cũng đành mua vé máy bay cho em trở về với gia đình. Điều bất hạnh nhất của em lúc này là em phải ôm một khoản nợ lớn ngân hàng nhưng chẳng được một đồng bảo hiểm nào từ phía ông chủ để chăm lo cho sức khỏe của mình. Bức xúc quá, em đã viết nhiều đơn gửi nhưng vẫn chưa thấy hồi âm.

“Không ít những trường hợp tại xã Kỳ Ninh làm việc ở Đài Loan hoặc Hàn Quốc tuy không gặp tai nạn, nhưng vẫn bị di chứng thương tật suốt đời”. Một cán bộ xã Kỳ Ninh tiết lộ cho chúng tôi biết: “Trường hợp anh Trần Văn Lành (xóm Tam Hải) lúc được tuyển đi lao động đánh cá nước ngoài thì Lành rất phấn khởi và tự tin, nhưng chẳng hiểu vì sao khi trở về lại trở thành một cái xác vô hồn. Vài ba tháng đầu Lành còn nói cười tự nhiên và kể những chuyện bị ông chủ tàu ngược đãi và hắt hủi anh em thuyền viên Việt Nam.

Trong đó, Lành là người bị đòn hiểm nhất, với những lần bị ông chủ quất roi rớm máu để lại những vết thâm tím lưng. Anh Dương Đình Nam (xóm Tân Giang) cũng bị một ông chủ tàu cá khác tra tấn theo kiểu cai ngục. Lý do các trường hợp bị đánh đập thường do bất đồng ngôn ngữ, nên thuyền viên làm không đúng theo hướng dẫn của chủ tàu. Mặt khác, cường độ lao động quá cao, các thuyền viên không chịu được áp lực nên xảy ra mâu thuẫn rồi cãi vã to tiếng, dẫn tới cơn thịnh nộ sôi lên. Cũng có một số người muốn đào tẩu tìm kiếm công việc nơi khác bị chủ phát hiện được.
Nỗi đau bay về từ Nam Cực  - 2
Đứa con anh Sơn còn quá ngây thơ

Vui buồn từ làng biển

Ông Lê Xuân Hòe - Bí thư Đảng ủy xã Kỳ Ninh - cho chúng tôi biết: “Xã Kỳ Ninh hiện là xã có số người đi lao động xuất khẩu đứng thứ hai của tỉnh Hà Tĩnh (sau xã Cương Gián, huyện Nghi Xuân). Kỳ Ninh có 1.800 gia đình và 6.700 nhân khẩu. Nghề biển chủ yếu là đi lộng với phương tiện tàu thuyền thô sơ nên ngư dân làm biển vẫn khổ. Làm nông nghiệp lại càng cơ cực hơn, bởi xã chỉ có hơn 250ha đất trồng lúa, thành thử địa phương vẫn chú trọng xuất khẩu lao động như là một trong những mũi chiến lược. Mỗi năm xã có từ 100 - 120 lao động sang Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Saudi Arabia, Malaysia, Angola... Hiện tại xã có 760 người đang lao động tại nước ngoài”.

Về Kỳ Ninh lần này, tôi đã thấy bộ mặt nông thôn làng biển nổi hẳn lên khi những ngôi nhà xây khang trang thoáng mát. Năm 2009, con em xã Kỳ Ninh gửi về cho các gia đình hơn 25 tỉ đồng trong tổng thu nhập toàn địa phương 43 tỉ đồng. Năm 2010, số tiền con em gửi về cho gia đình 31 tỉ đồng trong doanh thu địa phương 59 tỉ đồng. Trung bình mỗi người đi xuất khẩu ở nước ngoài có tay nghề cao được ông chủ tín phục, mỗi tháng gửi về cho gia đình 15 - 20 triệu đồng, chính vì lẽ đó mà phong trào lao động xuất khẩu ở đây trở thành một động lực lớn cho nam thanh nữ tú. Hầu hết con em Kỳ Ninh đều cần cù làm ăn và tiết kiệm. Không ít những người sau khi hết hợp đồng lại được các chủ tàu tiếp tục gia hạn.

Bên cạnh những niềm vui được nhân lên từ sự phát triển về kinh tế, Kỳ Ninh cũng có những nỗi buồn riêng. Tuy không nhiều, nhưng năm nào cũng có một vài người chết hoặc bị thương. Tính đến nay cả xã đã có 10 người chết và 6 người bị thương ở nước ngoài. Hầu hết những người bị tử nạn các đối tác nước ngoài đều gửi điện chia buồn và tiền bảo hiểm. Gia đình được nhận mức bảo hiểm cao nhất là 300 triệu đồng, gia đình thấp nhất là 150 triệu đồng. Tuy mất mát lớn, nhưng dẫu sao sự an ủi này cũng làm cho các gia đình nạn nhân vơi đi những xót xa, mặc cảm.

Trao đổi với chúng tôi về sự kiện hai người địa phương mất tích ở tàu cá Hàn Quốc In Sung Sunk 1, ông Lê Xuân Hòe - Bí thư Đảng ủy xã - nói: “Chúng tôi chưa rõ nguyên nhân tàu bị nạn. Tuy nhiên, chúng tôi cũng tha thiết kêu gọi chủ tàu và những người trách nhiệm liên đới giúp đỡ và giải quyết chính sách bồi thường chu đáo cho người bị nạn”. Một lần nữa xã Kỳ Ninh cũng mong muốn con em mình tìm đúng địa chỉ, các đơn vị Cty làm dịch vụ XKLĐ, tránh tình trạng cả tin để diễn ra cảnh”tiền mất tật mang”và”đưa con bỏ chợ”.

Theo Phan Thế Cải
Lao Động