Việt Nam cử người sang Hàn Quốc xác minh về thuyền viên gặp nạn
(Dân trí) - Cục Quản lý lao động ngoài nước vừa yêu cầu các đơn vị liên quan cử người sang Hàn Quốc phối hợp với chủ tầu kiểm tra, xác minh danh tính 11 thuyền viên bị tử nạn, mất tích và người được cứu sống.
Ngày 14/12, Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB-XH) đã có thông báo về việc giải quyết vụ việc thuyền viên Việt Nam trên tàu In Sung 1 (Hàn Quốc) bị đắm ngày 13/12 tại vùng biển Nam Cực-New Zealand. Trên tàu có 42 thủy thủ, bao gồm 8 người Hàn Quốc, 8 người Trung Quốc, 11 người Indonesia, 11 người Việt Nam, 3 người Philippin và 1 người Nga đã bị đắm ở vùng biển Nam Cực cách New Zealand khoảng 2.250 km, làm 5 người chết và 17 người mất tích; các tàu cứu hộ của Newzealand và Hàn Quốc đang nỗ lực tìm kiếm người mất tích. Vụ việc đắm tàu trên hiện đang được các cơ quan liên quan điều tra làm rõ nguyên nhân.
Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, 11 lao động Việt Nam do 5 Công ty đưa sang Hàn Quốc đó là Công ty Cổ phần Phát triển nguồn nhân lực LOD (5 người); Công ty Cổ phần TRAENCO (1 người); Tổng Công ty XD Công trình giao thông 1 CIENCONo 1 (2 người); Tổng Công ty đường sông miền Nam SOWATCO (1 người); Công ty CP XKLĐ Thương mại và Du lịch TTLC (2 người). Những nạn nhân xấu số này đều ở Hà Tĩnh.
Cục Quản lý lao động ngoài nước đã có Công văn yêu cầu các công ty trên cử cán bộ có thẩm quyền sang Hàn Quốc phối hợp với các bên liên quan (Chủ tàu, Công ty đại lý Hàn Quốc) để kiểm tra, xác minh danh tính thuyền viên bị tử nạn, mất tích và danh tính những thuyền viên được cứu sống.
Đồng thời 5 công ty này liên hệ với Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao và Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc (Ban Quản lý lao động), Đại sứ quán Việt Nam tại Newzealand để báo cáo, tìm hiểu thêm thông tin và cung cấp những giấy tờ cần thiết để Đại sứ quán cấp giấy tờ đi lại cho người lao động (nếu đã bị mất) và đề nghị Đại sứ quán hỗ trợ trong quá trình giải quyết vụ việc. Thông báo tình hình vụ việc cho gia đình người lao động và địa phương người lao động cư trú, đồng thời có chính sách hỗ trợ, giúp đỡ động viên gia đình người lao động vượt qua những mất mát khó khăn hiện tại.
Đối với trường hợp lao động bị nạn được cứu sống, Cục yêu cầu các công ty xuất khẩu lao động phối hợp và yêu cầu chủ tàu đưa người lao động vào bờ để điều trị, phục hồi sức khỏe. Nếu người lao động có nguyện vọng về nước sau khi ra viện, yêu cầu Công ty mua vé máy bay và làm thủ tục đưa người lao động về nước an toàn; thanh lý hợp đồng với người lao động sau khi về nước theo quy định của pháp luật.
Đối với lao động bị tử nạn hoặc mất tích công ty thông báo vụ việc và chia buồn với gia đình người lao động bị tử nạn và mất tích, đề nghị gia đình có giấy uỷ quyền cho Công ty hoặc Chủ tàu để phối hợp với các bên liên quan thay mặt gia đình người lao động làm các thủ tục hậu sự cho người lao động và làm các thủ tục liên quan để các cơ quan có thẩm quyền ra tuyên bố mất tích đối với thuyền viên bị mất tích (Giấy uỷ quyền phải được dịch ra tiếng Anh và có đóng dấu chứng thực của Chính quyền địa phương nơi cư trú của người lao động, xác nhận của Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao Việt Nam ...).
Các công ty này phải thường xuyên nắm sát tình hình, báo cáo kịp thời những diễn biến phát sinh với Cục Quản lý lao động ngoài nước, Cục Lãnh sự- Bộ Ngoại giao và Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc và Newzealand để được phối hợp giải quyết.
Danh sách 11 người Việt Nam ở Hà Tĩnh trên tàu bao gồm: Nguyễn Tương (thiệt Mạng); Nguyễn Văn Thành, Nguyễn Văn Sơn, Nguyễn Song Hào (mất tích); Trần Đình Khánh, Nguyễn Mậu Hiền, Trần Ngọc Sơn, Nguyễn Văn Nam, Hoàng Văn Bắc, Nguyễn Văn An, Lê Quang Rực (được cứu sống). |