1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Gian nan đời thuyền viên xa xứ

Những ngày qua, dư luận quan tâm đặc biệt đến vụ 11 thuyền viên Việt Nam bị nạn ở Nam Cực. Hiện nay, hàng ngàn thuyền viên Việt Nam làm thuê cho các chủ tàu nước ngoài dưới hình thức hợp tác lao động đang phải đối mặt với vô vàn khó khăn và rủi ro.

Gian nan đời thuyền viên xa xứ - 1

Bà Nguyễn Thị Hương (mẹ anh Nguyễn Văn Thành - nạn nhân vụ chìm tàu ở Nam Cực) đau đớn khi không còn hy vọng về sự sống sót của con mình. Ảnh: Khánh Trình

 

Nghề nguy hiểm

 

Một vụ tai nạn từng gây xôn xao dư luận trong nước xảy ra ngày 29/11/2007. Vào thời điểm trên, tàu cá CTHEXUEN STAI88 đăng ký tại cảng Tangrang (Đài Loan) xuất phát từ Thái Lan mang theo 20 thuyền viên, trong đó có 5 thuyền viên Việt Nam ra khơi đánh cá đã bị đắm gần biển Malacca. May mắn, 5 thuyền viên Việt Nam có mặt trên tàu gồm các anh: Trần Minh Ngọc (SN 1979), Lê Trung Trương (SN 1976), Nguyễn Thanh Thế (SN 1984), Nguyễn Văn Vinh (SN 1981) và Nguyễn Đức Thắng (SN 1981) được cứu sống và về nước an toàn.

 

Báo cáo của Cục Quản lý Lao động ngoài nước cho biết ở Hàn Quốc có đến 206 thuyền viên người Việt Nam bỏ trốn, chiếm tỉ lệ 19,4%.

Ngày 9/11/2008, tàu đánh cá “Phúc Tích Tường - 767” của Đài Loan do biển động mạnh đã bị chìm khi đang đánh cá ở vùng biển phía Nam TP Cao Hùng. Trong số 28 thuyền viên bị nạn có 8 thuyền viên Việt Nam. Ngày 2/6, tàu đánh cá của Hàn Quốc bị một tàu lớn đụng chìm ở vùng biển nước này làm thuyền viên Trần Văn Thắng tử vong; 2 thuyền viên bị mất tích là Lê Văn Dũng và Trương Văn Định, cùng ngụ xã Cương Gián, huyện Nghi Xuân - Hà Tĩnh. Cả 3 người cùng đi xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc năm 2009.

 

Mặc dù không có số liệu thống kê chính xác nhưng theo tổng giám đốc một doanh nghiệp chuyên về xuất khẩu lao động, trong 40 ngành nghề xuất khẩu lao động của Việt Nam hiện nay, thuyền viên là ngành nghề có tính chất công việc nặng nhọc, vất vả và nguy hiểm nhất. Đây cũng là lý do mà cuối năm 2008, Hiệp hội Xuất khẩu lao động Việt Nam thành lập Ban Cung ứng thuyền viên tàu cá với thành viên là các doanh nghiệp xuất khẩu lao động có phái cử thuyền viên nhằm liên kết hỗ trợ giải quyết các rủi ro, bảo vệ lợi ích hợp pháp cho thuyền viên.

 

Thu nhập thấp

 

Xuất khẩu thuyền viên của Việt Nam chủ yếu tập trung ở thị trường Hàn Quốc. Theo số liệu của Ban Quản lý lao động Việt Nam (Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc), tổng số thuyền viên Việt Nam được cung ứng cho các tàu đánh cá của Hàn Quốc tính đến tháng 6/2010 là trên 1.000 người. Ngoài Hàn Quốc, trước đây Đài Loan là thị trường xuất khẩu thuyền viên đánh bắt cá lớn nhất của Việt Nam. Những năm 2003 trở về trước, số lượng thuyền viên Việt Nam ở Đài Loan có thời điểm lên đến gần 10.000 người, hiện còn khoảng dưới 1.000 người.

 

Bên cạnh công việc nặng nhọc, vất vả, nguy hiểm, thuyền viên đánh bắt cá có thu nhập thấp hơn nhiều so với lao động làm việc ở các lĩnh vực khác. Theo hợp đồng đăng ký cung ứng thuyền viên đánh bắt cá của SOWATCO, LOD, TTLC... vừa được Cục Quản lý Lao động ngoài nước cho phép thực hiện, lương cơ bản theo hợp đồng của một thuyền viên chỉ đạt 180 USD/tháng đối với người chưa có kinh nghiệm và 210 USD/tháng đối với người có kinh nghiệm.

 

Nếu so với lao động nhà máy, mức thu nhập của thuyền viên thấp gấp 4 - 5 lần. Cùng với thu nhập thấp, thuyền viên còn bị xếp vào nhóm đối tượng có nguy cơ bị ngược đãi và bóc lột sức lao động cao.

 

Hỗ trợ gia đình các nạn nhân

 

Liên quan đến vụ chìm tàu tại Nam Cực, chiều 15/12, đại diện Công ty CP XNK Thủy sản Nam Hà Tĩnh đã mang di ảnh anh Nguyễn Song Hào (SN 1982) về cho gia đình tại xóm Phú Thượng, xã Kỳ Khang, huyện Kỳ Anh – Hà Tĩnh.

 

Theo người nhà anh Hào, công ty vẫn chưa hỗ trợ gì cho gia đình. Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Lan, Chủ tịch HĐQT Công ty CP XNK Thủy sản Nam Hà Tĩnh, cho biết ngay khi nhận được thông tin đội cứu hộ chấm dứt tìm kiếm người mất tích, công ty đã có thông báo bằng văn bản về gia đình và địa phương anh Hào. Theo ông Lan, nếu tìm được thi thể anh Hào, công ty sẽ đưa về nước và phối hợp với gia đình tổ chức mai táng. “Mọi quyền lợi của nạn nhân sẽ được thanh toán đầy đủ” - ông Lan khẳng định. 

 

Tối cùng ngày, đại diện Công ty CP Phát triển nguồn nhân lực LOD đã đến gia đình của hai nạn nhân là anh Nguyễn Văn Sơn (SN 1985, ngụ xã Kỳ Ninh, huyện Kỳ Anh) và anh Nguyễn Tương (SN 1986, ngụ xã Kỳ Khang, huyện Kỳ Anh). Công ty hỗ trợ trước mắt cho gia đình mỗi nạn nhân 5 triệu đồng và hứa sẽ thực hiện đầy đủ mọi quyền lợi của hai nạn nhân theo hợp đồng đã ký. Đại diện công ty cho biết sẽ đưa thi thể của anh Tương về quê trong thời gian sớm nhất và tiếp tục theo dõi thông tin của anh Sơn.

 

Đại diện Công ty CP Xuất khẩu Lao động Thương mại và Du lịch cũng đã có mặt tại gia đình nạn nhân Nguyễn Văn Thành (SN 1989, ngụ xã Kỳ Ninh) để trao 5 triệu đồng hỗ trợ gia đình. (K.Trình)

 

Theo Duy Quốc

 Người lao động