“Con ra đi răng được?!”
Trưa 14/12, men theo con đường đất phủ đầy bụi cát, vượt qua cánh đồng lúa vừa lớm chớm màu xanh sau trận lũ vừa đi qua, chúng tôi về xóm Phú Thượng, xã Kỳ Khang, huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh). Ngôi nhà xây cấp 4 thấp lè tè nằm sát cánh đồng ấy là của vợ chồng ông Nguyễn Tuấn và bà Đặng Thị Lân, bố mẹ của anh Nguyễn Tương, người đã tử nạn và hiện đã tìm thấy xác. Thấy người lạ, vợ chồng ông Tuấn bà Lân vẫn giữ được nét bình tĩnh, bởi vợ chồng bà vẫn tin đứa con trai duy nhất gặp nạn vẫn còn sống. Bà vẫn hỏi han chúng tôi những thông tin về đứa con trai qua báo đài.
Bà Đặng Thị Lân bình tĩnh đưa ảnh con trai cho mọi người xem….
Đang chia sẻ về cuộc sống của Tương trước khi đi xuất khẩu cùng chúng tôi, chiếc máy điện thoại cầm tay của gia đình ông Tuấn réo lên, đầu dây bên kia giọng một người thân thông báo với vợ chồng ông rằng, Tương đã tử nạn, xác đã được đoàn cứu hộ nước ngoài tìm thấy.
“Con ra đi răng được?! Trước khi lên tàu con còn điện về bảo bố mẹ gìn giữ sức khỏe, con sẽ dành dụm gửi tiền về cho mẹ cơ mà...”, bà Lân nghẹn lòng.
Nén nỗi đau, bà Lân kể lại, gia đình có hai người con và Tương là con trai đầu. Nhà chỉ sống bằng nghề nông nên cuộc sống của gia đình gian truân suốt hơn hai chục năm qua. Dẫu khó khăn nhưng Tương và em gái vẫn chăm học với niềm tin một ngày nào đó sẽ thi đậu vào một trường đại học để có cơ hội thoát khỏi ao làng nghèo khó. 4 năm trước Tương xuất sắc thi đậu vào một trường cao đẳng xây dựng tại Hà Nội, nhưng ngày nhận được tin vui cũng là lúc Tương nuốt nước mắt vì nhìn cảnh nhà nghèo không biết lấy tiền đâu ăn học.
...và nghẹn lòng khi nghe tin dữ về con
Cảnh nghèo Tương tạm gác ước mơ đi học để theo đuổi con đường kiếm tiền giúp đỡ bố mẹ nghèo và đứa em gái của mình. Cách đây 3 năm, Tương đã liên hệ được một đầu mối chuyên đưa lao động đi xuất khẩu lao động ra nước ngoài, đó là Công ty CP XNK Nam Hà Tĩnh. Vẫn biết nhiều thứ khó khăn phía trước nhưng Tương bàn với bố mẹ điền tên vào hồ sơ đăng ký đi xuất khẩu. Cả gia đình nhịn ăn, vay mượn tiền lo cho Tương lên đường sang Hàn Quốc làm thuê.
“Đây là chuyến đi thứ hai của cháu. Lần trước cháu đi được 23 tháng rồi về. Cháu nói đi tàu đánh cá mệt và nhớ nhà vô kể, nhưng tiền lương hơn lao động ở nhà nên gắng đi chuyến nữa. Vậy là cách đây chừng 5 tháng cháu nó đi xuất ngoại chuyến thứ hai. Không ngờ, cháu nó đi mà không trở về với gia đình nữa”, bà Lân nghẹn ngào nói về con.
|
Video: Ngã gục nghe tin dữ về con Văn Dũng - Tiến Hiệp thực hiện |
Biết chúng tôi có mặt tại nhà ông Tuấn bà Lân, bà Đậu Thị Luân (75 tuôi, sống cùng xóm Phú Thượng) mẹ của thuyền viên Nguyễn Song Hào - nạn nhân hiện đang bị mất tích vội vã bước tới. Lúc này bà Luân vẫn chưa hay biết tin đứa con trai út của bà gặp nạn. Nhưng, chỉ tích tắc khi biết được sự thật là con trai đang bị mất tích bà Luân ôm mặt gào khóc. “Nó vừa điện về cho tui đấy thôi. Nó mà có mệnh hệ gì thì cái thân già ni sống mần chi nữa”.
Mong đưa con em về với chúng tôi
Trong căn nhà ngập tràn nước mắt, ông Nguyễn Tuấn bố nạn nhân Tương vẫn giữ được bình tĩnh. Ông bảo, đây là ngày đau buồn nhất của ông và gia đình vì cùng lúc mất cả con trai và đứa cháu họ. “Ai mà không đứt ruột đứt gan khi mất đi đứa con trai duy nhất. Cháu nó chưa có gia đình và còn quá trẻ. Vợ chồng tui cũng chưa làm được cho nó điều gì. Giờ cháu nó mất đi vợ chồng tôi thật hối hận”.
Vợ chồng ông Tuấn, bà Lân cùng bà Luân mong mỏi thi hài các con được sớm đưa về quê
“Cháu nó mất đi rồi, có than khóc cũng không làm gì được vào lúc này nữa. Điều chúng tôi mong nhất vào lúc này là thông tin về cháu. Vợ chồng tôi cầu mong các cơ quan chức năng làm mọi cách sớm đưa được xác cháu về với gia đình”, ông Tuấn nén nỗi đau nói.
Còn bà Đậu Thị Luân nước mắt lưng tròng, “Mất tích có nghĩa là con tui vẫn còn cơ hội sống. Còn chút hi vọng nào xin hãy giúp tìm kiếm cháu...”.
Trong vụ chìm tàu đánh cá In Sung 01 của Hàn Quốc hôm 13/12 ngoài Nguyễn Tương (24 tuổi) Nguyễn Song Hào, 28 tuổi ở xã Kỳ Khang, huyện Kỳ Anh còn có hai nạn nhân mất tích khác là Nguyễn Văn Thành 21 tuổi và Nguyễn Văn Sơn 25 tuổi cùng ở xã Kỳ Ninh. 7 người được cứu sống là Trần Đình Khánh, Trần Ngọc Sơn, Lê Quang Rực, Nguyễn Văn Nam, Hoàng Văn Bắc, Nguyễn Mậu Hiền và Nguyễn Văn An, quê Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình. 11 lao động được 5 công ty Việt Nam đưa đi, trong đó Công ty cổ phần Phát triển nguồn nhân lực LOD (5 người); Công ty cổ phần TRAENCO (1 người); Tổng công ty xây dựng công trình giao thông 1 CIENCONo 1 (2 người); Tổng công ty đường sông miền Nam SOWATCO (1 người); Công ty cổ phần xuất khẩu lao động thương mại và du lịch TTLC (2 người). Cho đến chiều nay, xã Kỳ Ninh mới xác định được chính xác thuyền viên Nguyễn Văn Thành (SN 1989), con của anh Nguyễn Văn Khương và chị Nguyễn Thị Hường. Còn thuyền viên Nguyễn Văn Sơn chưa thể xác định chính xác vì cả hai xã Kỳ Ninh, Kỳ Phú cùng có người tên Nguyễn Văn Sơn, (SN 1985). |
Văn Dũng - Đặng Tài