PhotoStory

Nơi an nghỉ của Đoàn viên Thanh niên Cộng sản đầu tiên Lý Tự Trọng

Thực hiện: Dương Nguyên

(Dân trí) - Năm 2011, hài cốt của anh hùng Lý Tự Trọng được tìm thấy tại TPHCM rồi chuyển về quê nhà Hà Tĩnh. Nơi vị anh hùng an nghỉ nay được xây dựng thành khu tưởng niệm uy nghi, trang nghiêm.

Nơi an nghỉ của Đoàn viên Thanh niên Cộng sản đầu tiên Lý Tự Trọng - 1

Khu tưởng niệm anh hùng liệt sĩ Lý Tự Trọng có tổng diện tích gần 5ha, tọa lạc ngay cạnh sông Cầu Sông, thuộc địa phận thôn Tân Long, xã Việt Tiến, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Công trình này có hai khu vực. Khu "Động" nằm ở phía tây - tây nam, bao gồm nhà điều hành, nhà văn hóa và nhà dịch vụ.

Nơi an nghỉ của Đoàn viên Thanh niên Cộng sản đầu tiên Lý Tự Trọng - 2

Khu "Tĩnh" (trong hình) nằm ở phía đông - đông nam, gồm các hạng mục mộ Lý Tự Trọng và nhà tưởng niệm.

Nơi an nghỉ của Đoàn viên Thanh niên Cộng sản đầu tiên Lý Tự Trọng - 3
Nơi an nghỉ của Đoàn viên Thanh niên Cộng sản đầu tiên Lý Tự Trọng - 4

Phần mộ được khởi công năm 2011 và hoàn thành năm 2012. Công trình có ý tưởng lấy hình ảnh lá cờ vươn cao, tung bay như ý chí cách mạng mạnh mẽ. Các lá cờ lớp lớp thể hiện sự tiếp nối con đường cách mạng của các thế hệ thanh niên. Dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh Lý Tự Trọng (20/10/1914-20/10/2014), công trình phần mộ đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận Di tích lịch sử cấp Quốc gia.

Nơi an nghỉ của Đoàn viên Thanh niên Cộng sản đầu tiên Lý Tự Trọng - 5

Nhà tưởng niệm được xây dựng vào tháng 11/2013, thiết kế hình chữ Đinh. Công trình có kiến trúc theo truyền thống Việt Nam với những chi tiết kiến trúc cổ, cao 1 tầng, 2 mái.

Nơi an nghỉ của Đoàn viên Thanh niên Cộng sản đầu tiên Lý Tự Trọng - 6

Bên trong nhà tưởng niệm có hệ thống câu đối, võng lọng làm bằng gỗ dát vàng.

Nơi an nghỉ của Đoàn viên Thanh niên Cộng sản đầu tiên Lý Tự Trọng - 7

Bức tượng bán thân anh hùng liệt sĩ Lý Tự Trọng, làm bằng đồng nguyên khối.

Nơi an nghỉ của Đoàn viên Thanh niên Cộng sản đầu tiên Lý Tự Trọng - 8

Góc bên phải nhà tưởng niệm trưng bày một số hình ảnh địa danh nơi Lý Tự Trọng sinh ra, lớn lên, hoạt động cách mạng và nơi ông bị giam giữ.

Nơi an nghỉ của Đoàn viên Thanh niên Cộng sản đầu tiên Lý Tự Trọng - 9

Các hiện vật được phát hiện trong quá trình cất bốc hài cốt anh hùng liệt sĩ Lý Tự Trọng ngày 26/4/2011 tại Công viên văn hóa Lê Thị Riêng, quận 10, TPHCM.

Nơi an nghỉ của Đoàn viên Thanh niên Cộng sản đầu tiên Lý Tự Trọng - 10
Nơi an nghỉ của Đoàn viên Thanh niên Cộng sản đầu tiên Lý Tự Trọng - 11

Trong số các hiện vật có cùm chân, còng tay và một miếng inox sơn số - theo suy đoán là số tù.

Nơi an nghỉ của Đoàn viên Thanh niên Cộng sản đầu tiên Lý Tự Trọng - 12

Theo đại diện Ban quản lý, hàng năm, Khu tưởng niệm anh hùng Lý Tự Trọng đón hàng vạn lượt khách trong và ngoài tỉnh về tham quan, dâng hương.

Lý Tự Trọng tên thật là Lê Hữu Trọng, sinh ngày 20/10/1914 ở bản Mạy, tỉnh Nakhon Phanom, Thái Lan, nguyên quán xã Việt Xuyên, nay là xã Việt Tiến, huyện Can Lộc. Bố mẹ ông đều là những Việt kiều yêu nước và sớm giác ngộ cách mạng.

Năm 1926, Lê Hữu Trọng là một trong 8 thiếu nhi Việt Kiều được chọn sang Quảng Châu (Trung Quốc) học tập. Đến nơi, Lê Hữu Trọng được đổi tên thành Lý Tự Trọng. Sau đó, chàng thiếu niên được giới thiệu vào học tại trường Trung học Trung Sơn và được cử làm liên lạc cho Tổng bộ Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội.

Năm 1929, Lý Tự Trọng về Sài Gòn - Gia Định với nhiệm vụ làm liên lạc bí mật trong và ngoài nước cho Xứ ủy Nam Kỳ và Trung ương Đảng, đồng thời được giao nhiệm vụ vận động tập hợp thanh niên trong các nhà máy, trường học để thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản. Ngày 8/2/1931, các chiến sĩ cách mạng Việt Nam tổ chức một cuộc mít tinh chớp nhoáng nhưng bị mật thám của thực dân Pháp bắt gặp.

Lý Tự Trọng bị bắt giam, tra tấn dã man nhưng không khai một lời. Ngày 21/11/1931, Lý Tự Trọng bị kẻ thù xử chém, lúc bấy giờ mới 17 tuổi. Trước tòa án của đế quốc thực dân, Lý Tự Trọng từng hiên ngang tuyên bố "Con đường của thanh niên chỉ là con đường cách mạng chứ không thể có con đường nào khác...". Câu nói đó sau này trở thành kim chỉ nam cho cả suy nghĩ và hành động của các thế hệ thanh niên cách mạng Việt Nam.