1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

Nỗi ân hận của nữ phạm nhân mang án giết hàng xóm, đốt nhà rồi trốn trại

Trong lúc xô xát với hàng xóm là anh Nguyễn Văn Hùng, Nguyễn Thị Luyến, SN 1971 (trú tại huyện Bảo Thắng, Lào Cai) đã dùng gậy tre vụt anh Hùng đến chết. Sau đó đối tượng này còn bình tĩnh châm lửa thiêu rụi ngôi nhà của anh Hùng nhằm phi tang xác chết.

Với tội ác mà mình gây ra, Luyến phải nhận mức án 18 năm tù. Người đàn bà này sau đó đã trốn trại và dạt sang Trung Quốc lấy chồng rồi sinh liền 3 con. Sau hơn 20 năm lẩn trốn nơi xứ người, Luyến bị bắt lại trong một lần trở về Việt Nam thăm gia đình.

Giết người, đốt nhà phi tang

Vào một buổi tối cuối tháng 7-1989, Nguyễn Thị Luyến đã cùng một người nữa đến nhà anh Hùng - người cùng bản để đòi nợ nhưng không được. Trong lúc cãi vã, anh Hùng có cầm con dao phay dọa Luyến để đuổi Luyến về. Tức giận vì đi đòi tiền không được lại còn bị dọa giết, Luyến đã lấy cây gậy tre đánh liên tiếp vào đầu anh Hùng. Hậu quả, anh Hùng tử vong tại chỗ.

Nỗi ân hận của nữ phạm nhân mang án giết hàng xóm, đốt nhà rồi trốn trại - 1

Nguyễn Thị Luyến trải lòng trong trại giam.

"Lúc đó em hoảng lắm, nghĩ rằng nếu có người phát hiện ra xác chết của anh Hùng thì kiểu gì mình cũng bị bắt nên em mới nảy ra ý định đốt nhà anh Hùng để phi tang xác anh ấy. Nhà bị cháy người ta sẽ nghĩ là do không may thôi nên sẽ không ai nghi ngờ gì hết" - Luyến kể.

Sau khi gây án, Luyến bỏ trốn sang Trung Quốc nhưng cuối năm 1990, trong một lần trốn về thăm gia đình, Luyến đã bị Công an tỉnh Hoàng Liên Sơn (cũ) bắt giữ. Sau đó, Tòa án nhân dân tỉnh Hoàng Liên Sơn đã kết án Luyến 18 năm tù với 2 tội danh "Giết người" và "Hủy hoại tài sản".

Thụ án được 2 năm, Luyến bắt đầu nuôi ý định bỏ trốn. Luyến bảo, do lúc đó nhiều người trong buồng giam đã khuyên chị ta là tuổi đời còn trẻ, nếu chấp nhận ở đây trả xong án thì khi về cũng hết cơ hội lấy chồng và sinh con. Họ xui Luyến trốn trại và giúp sức để Luyến làm được điều đó.

Theo lời kể của Luyến thì sau khi trốn khỏi nơi giam giữ, chị ta về Hà Nội tìm đến các nhà hàng, quán ăn, xin làm thuê để có chốn dung thân. Trong khoảng thời gian 1 năm ở Hà Nội, Luyến được một phụ nữ có người thân lấy chồng bên Trung Quốc dẫn mối sang Trung Quốc.

Người phụ nữ này bảo Luyến chỉ có sang Trung Quốc mới có cơ hội lấy chồng chứ sống trong nước thì lúc nào cũng có nguy cơ bị bắt lại. Thấy người đàn bà này nói có lý nên Luyến đã chấp nhận làm theo. Hơn nữa Luyến cũng lo sợ người này đã biết hết bí mật của mình nên có thể báo công an bắt chị ta bất kể lúc nào.

Nỗi ân hận của nữ phạm nhân mang án giết hàng xóm, đốt nhà rồi trốn trại - 2

Luyến lúc mới bị bắt (năm 2012).

Sau này, khi đã đặt chân sang bên kia biên giới, Luyến mới bàng hoàng phát hiện người phụ nữ mà bấy lâu nay mình tưởng là tử tế lại chính là một mẹ mìn chính hiệu. Người này đã bán Luyến cho một nhà thổ. Bản thân Luyến cũng không nhớ nổi mình đã phải mua vui cho bao nhiêu gã đàn ông cuồng dục. Lúc đầu thì khóc lóc, ủ ê nhưng sau rồi Luyến chấp nhận.

Luyến nhớ lại: "Nhiều lần em cũng có ý định bỏ trốn khỏi nhà thổ đó, nhưng cứ nhìn thấy cảnh những chị em khác bỏ trốn bị họ bắt lại rồi đánh cho bò lê bò càng thì lại sợ. Cũng có người trong lúc bỏ trốn đã phải bỏ mạng dọc đường".

Cuộc sống không bằng chết của Luyến may mắn chấm dứt khi chị ta được một người đàn ông làm nghề thợ điện chuộc ra. Người đàn ông đó Luyến gặp trong một lần đi "tiếp khách". Gặp Luyến, người đàn ông thấy có cảm tình nên đồng ý chuộc Luyến ra với điều kiện Luyến sẽ phải làm vợ ông ta.

Không một phút suy nghĩ, Luyến gật đầu đồng ý ngay. Bởi theo lời Luyến kể thì: "Làm gì cũng được, miễn có thể ra khỏi cái hang ổ đáng sợ ấy. Với lại làm vợ một người cũng sướng hơn chán vạn việc phải phục vụ cả trăm, ngàn người".

Về ở nhà chồng, Luyến bị gia đình nhà chồng đối xử rất cay nghiệt. Sau khi biết con trai mình phải bỏ ra một số tiền không nhỏ để chuộc Luyến, những người trong gia đình chồng Luyến đã quản thúc con dâu vô cùng chặt chẽ. Luyến đi đâu họ cũng cử người đi theo, phòng trường hợp Luyến bỏ trốn.

Sau này, khi sinh liên tiếp 3 đứa con họ cũng không cho Luyến gần gũi con nhiều vì họ sợ Luyến sẽ ôm con bỏ đi. Luyến kể: "Em sinh cho gia đình nhà chồng 2 con trai, một con gái nhưng cũng chỉ được chơi với chúng dưới sự giám sát của họ. Ở trong cùng một nhà mà nhiều lúc em có cảm giác "thèm" con đến phát điên".

Dù đã lấy chồng và sinh con nhưng nỗi nhớ nhà của Luyến chưa bao giờ nguôi ngoai. Năm 2012, Luyến lén lút quay về nước để thăm người thân nhưng vừa đặt chân về đến Yên Bái thì Luyến bị công an bắt giữ.

Trả giá đắt cho lỗi lầm tuổi trẻ

Sau lần bị bắt này Luyến được đưa về thụ án tại Trại giam Quyết Tiến. Kể từ khi về đây, Luyến chưa một lần được gặp lại người thân. Người đàn bà này chia sẻ: "Vào những ngày cuối tuần, những dịp lễ Tết, nhìn các phạm nhân khác háo hức đón người thân đến thăm khiến em cảm thấy chạnh lòng lắm.

Nhiều lúc em nghĩ sao cuộc đời mình lại bất hạnh đến thế. Em đâu phải kẻ mồ côi. Em cũng giống bao người khác, có bố mẹ, họ hàng anh em và có cả một gia đình của riêng mình. Vậy mà trong mắt họ em như không tồn tại. Không một ai có ý định đến thăm để động viên em cải tạo tốt".

Luyến vừa khóc vừa kể rằng, 3 năm trước, chị ta đến kỳ được xét giảm án nhưng rồi lại đành bỏ lỡ cơ hội. Lý do là bởi theo phán quyết của tòa, Luyến phải nộp một khoản tiền bồi thường cho gia đình bị hại, nếu chưa có điều kiện thì phải có đơn xin hoãn, được chính quyền chứng nhận là hoàn cảnh khó khăn thì mới được xếp loại khá, được xem xét giảm án.

Theo lời Luyến chia sẻ thì gia đình Luyến biết điều đó nhưng mọi người nhất định không chịu làm đơn để xin giảm án cho chị ta. Một vài người bạn cùng buồng thương Luyến nên khi ra tù đã tới gặp bố Luyến, năn nỉ xin ông làm đơn cho Luyến nhưng đều bị ông kiên quyết chối từ.

Lần khác, một cán bộ xã biết hoàn cảnh của Luyến cũng tới nhà vận động nhưng bố mẹ Luyến chỉ ậm ừ rồi lại tìm cách lảng sang chuyện khác. Thậm chí, khi có nhiều người đến động viên và thuyết phục ký đơn tạo điều kiện cho con giảm án, bố Luyến đã cáu, nói: "Tôi chỉ nuôi con ăn học chứ không nuôi con đi tù. Tội nó gây ra thì nó phải chịu, gia đình tôi coi như nó đã chết từ lâu rồi".

Chuyện sau đó đến tai Luyến, chị ta bảo chỉ buồn chứ không dám giận bố mẹ. Bởi vì hơn ai hết Luyến cũng nhận thức được rằng tội lỗi mà mình gây ra là một nỗi nhục không sao gột rửa được. Hơn nữa, hơn 20 năm trước khi Luyến quyết định trốn trại thì chính chị ta cũng không quan tâm đến cảm giác của gia đình.

Trong trại cải tạo, Luyến đã nhiều lần viết thư xin lỗi và hỏi thăm sức khỏe của bố mẹ nhưng chưa một lần nhận được thư hồi âm. Luyến ngậm ngùi chia sẻ: "Trong này có một người ở gần nhà em, đang cải tạo ở đội khác nhưng thi thoảng bọn em có gặp nhau.

Người nhà của chị ấy biết gia đình em nên qua họ em cũng biết là bố mẹ mình vẫn còn khỏe, các anh chị đều có gia đình, kinh tế khá giả. Thực sự em không dám mong bố mẹ, anh chị em vào đây thăm mình nhưng em chỉ mong mọi người tạo điều kiện viết giúp em cái giấy khất nợ để em có cơ hội được giảm án. Chỉ có như vậy, em mới sớm được trở về và hòa nhập với cộng đồng".

Nhắc đến gia đình riêng, Luyến bảo theo nhẩm tính của chị ta thì hai đứa con lớn cũng sắp học xong và cậu con trai út cũng bắt đầu học cấp hai. Thế nhưng, từ ngày Luyến bị bắt, chồng và con Luyến chưa một lần sang thăm hỏi. Luyến bảo chẳng hy vọng có cơ hội gặp lại vì "thời gian trả án còn dài, sợ rằng đến lúc ra trại, các con em cũng quên mất đã từng có một người mẹ như em rồi".

Theo Lê Vân - Quang Ngọc
Công an nhân dân

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm