Trà Vinh:
Ở nơi mọi dự án đều phải “né” cây xanh
(Dân trí) - Hà Nội những ngày này đang nóng lên kế hoạch đốn hạ, thay thế hàng ngàn cây xanh. Ở một thành phố nhỏ như Trà Vinh, cây xanh lại được coi là báu vật, được chăm sóc và bảo vệ cẩn thận; mọi kế hoạch làm đường, xây dựng công trình đều phải né cây xanh.
Nhiều người đến thành phố Trà Vinh (tỉnh Trà Vinh) không khỏi ngỡ ngàng vì hai bên đường toàn cây cổ thụ. Hầu hết các con đường trong nội ô đều bé xíu nhưng mấy chục năm qua vẫn không mở rộng vì phải… né hàng cây cổ thụ. Du khách đến đây thường gọi là thành phố trong rừng cây vì đi đâu cũng thấy cây xanh bề thế, cao vút, tỏa bóng mát.
Theo thống kê, hiện tại thành phố Trà Vinh có khoảng 15.000 cây xanh các loại, trong đó có gần 1.000 cây cổ thụ trên 100 năm tuổi và 10 cây cổ thụ trên 200 năm tuổi ở các tuyến đường nội ô. Ngoài ra còn hàng ngàn cây cổ thụ ở các chùa, vùng ven, nhà dân...
Ông Lê Văn Thất, 81 tuổi (ngụ phường 7, TP Trà Vinh) cho biết: “Cây cổ thụ ở TP Trà Vinh có hàng trăm năm, từ thời Pháp thuộc. Năm 1954 có trận bão lớn làm cho số cây này bị ngã đổ, chết hơn phân nửa chứ không bây giờ cả TP này đều là rừng cây hết”.
Theo ông Thất, giữa cây và người như có “tình cảm” đặc biệt, nên người dân nơi đây rất quý, ra sức bảo vệ cây, chỉ trồng thêm cây mới chứ không bao giờ muốn đốn bỏ nên giờ đi đâu cũng thấy cây cổ thụ.
Hệ thống cây cổ thụ ở Trà Vinh chủ yếu là sao, dầu, phượng, me, xà cừ… mỗi con đường đường trồng một loại cây khác nhau nên dần dần các con đường có thêm tên như đường Hàng Me, Hàng Sao, Dầu Lớn, Dầu Dù… tất cả đều rợp bóng quanh năm. Thậm chí một số quán cà phê, quán ăn uống cũng đặt tên cây sao, cây dầu cho người dân dễ nhớ.
Ông Nguyễn Văn Hưởng, Phó phòng Tổng hợp phụ trách cây xanh (Công ty TNHH MTV công trình đô thị Trà Vinh) cho biết: “Cây xanh ở TP có chế độ cắt tỉa, chăm sóc, bón phân rất cẩn thận. Hầu hết các công trình xây dựng đều phải “né” cây, để bứng một cây còn sống phải có chỉ đạo trực tiếp của UBND tỉnh nên hệ thống cây cổ thụ được giữ hầu như còn nguyên vẹn. Ngay cả việc làm cống cũng phải tính toán dời ra giữa đường vì làm ở vỉa hè sẽ hư hại đến rễ cây cổ thụ. Đặc biệt trên mỗi cây cổ thụ đều gắn mã số riêng để dễ quản lý, chăm sóc”.
Ở TP Trà Vinh có 12 ngôi chùa của đồng bào dân tộc Khmer, mỗi ngôi chùa đều là 1 rừng cây thu nhỏ, cũng là “lá phổi xanh” giữa lòng thành phố. Theo quan niệm của người dân nơi đây, chùa càng trồng nhiều cây xanh thì càng được phước nên mỗi ngôi chùa đều rợp bóng cây xanh, đặc biệt là những cây cổ thụ.
Cây cổ thụ lâu năm nhất ở TP Trà Vinh là cây Dầu dù ở đường Sơn Thông, con đường này cũng được dân đặt thêm tên là đường Dầu Dù cho dễ nhớ. Theo những cao niên ở địa phương, cây Dầu dù này trên 300 năm tuổi, tán vươn ra như cây dù che mát khoảng không rộng nên buổi trưa có rất nhiều người đến đây tránh nắng, hóng mát.
Người dân Trà Vinh rất tự hào khi kể về cây cổ thụ vì đó là nét đặc trưng riêng mà ít nơi nào có được của thành phố này. Mùa hè oi bức, nhiều người ở địa phương khác phải tìm mọi nơi như công viên, hồ nước để tránh nắng thì người dân Trà Vinh chỉ cần ra vỉa hè trước nhà ngồi đã có cây cổ thụ che bóng mát rượi.
Ông Thạch Son, ở phường 7, TP Trà Vinh cho biết: “Ngày hè nắng nóng ở đây khỏi đi công viên làm gì vì ngoài đường toàn là cây cổ thụ. Giữa trưa trời nắng chang chang nhưng ở vỉa hè, lòng đường luôn rợp bóng cây xanh. Tôi đi nhiều nơi nhưng chưa thấy nơi nào cây cổ thụ nhiều như ở đây”. Theo ông Son, nếu muốn thư thả, mát mẻ hơn thì đến Ao Bà Om ngay tại TP Trà Vinh có hàng ngàn cây sao cổ thụ trên 100 năm tuổi là thắng cảnh nổi tiếng của địa phương. Đây là điểm đến không chỉ của người dân Trà Vinh mà còn của khách du lịch khắp nơi vì phong cảnh đẹp, cây cổ thụ mọc như rừng xung quanh ao che mát quanh năm.
Nhiều người lần đầu đến TP Trà Vinh không khỏi ngỡ ngàng vì đường phố nhỏ nhưng đầy bóng cây xanh, những cây cổ thụ như bao trùm cả thành phố. Cây xanh ở đây được bảo vệ, nâng niu như một báu vật thật sự.
Minh Giang