Ninh Thuận họp báo giới thiệu “những tài liệu vô giá”
(Dân trí) - Sáng nay 6/8, Bộ TT&TT phối hợp với UBND tỉnh Ninh Thuận tổ chức họp báo thông tin về triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam – Những bằng chứng lịch sử và pháp lý” lần đầu tiên được tổ chức tại tỉnh này.
Họp báo về triển lãm Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam ở Ninh Thuận
Bộ Atlas của nhà địa lý người Bỉ là “tài liệu vô giá” khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam
Theo Bộ TT&TT, triển lãm tại Ninh Thuận là tập hợp các nguồn tư liệu đã được công bố từ trước tới nay gồm văn bản, hiện vật, ấn phẩm và gần 100 bản đồ của các nhà nghiên cứu, học giả trong nước và quốc tế. Trong đó, đáng chú ý là 4 cuốn atlas do nhà Thanh và Chính phủ Trung Hoa Dân quốc xuất bản, gồm: Trung Quốc địa đồ (xuất bản năm 1908); Trung Quốc toàn đồ (xuất bản năm 1917), Trung Hoa bưu chính dư đồ (xuất bản năm 1919) và Trung Hoa bưu chính dư đồ (xuất bản năm 1933). Các atlas này là sản phẩm của chương trình thiết lập bản đồ bưu chính do nhà Thanh vạch ra vào năm 1906 và được Chính phủ Trung Hoa Dân quốc kế tục vào các năm sau đó. Các bản đồ được lập chi tiết ở từng tỉnh, thể hiện rõ các con đường vận chuyển thư từ, công văn trong các tỉnh, thành của Trung Quốc. Nơi nào không thuộc lãnh thổ Trung Quốc thì không được thể hiện trên các bản đồ trong atlas. Cương giới cực Nam của Trung Quốc trong các atlas này luôn chỉ giới hạn đến đảo Hải Nam, mà không hề nhắc đến Hoàng Sa và Trường Sa.
Thêm một tư liệu đáng quan tâm nữa là bộ Atlas Universel do Philippe Vandermaelen (1795-1869), nhà địa lý
Triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam – Những bằng chứng lịch sử và pháp lý” sẽ khai mạc vào sáng 7/8 và kéo dài đến ngày 11/8 tại Trung tâm Văn hóa tỉnh Ninh Thuận.
học người Bỉ, người sáng lập Viện địa lý Hoàng gia Bỉ biên soạn, gồm 6 tập: Châu Âu (tập 1), Châu Á (tập 2), Bắc Mỹ (tập 3), Nam Mỹ (tập 4), Châu Phi (tập 5) và Châu Úc (tập 6), xuất bản tại Bruxelles (Bỉ) vào năm 1827.
Theo đánh giá của Bộ TT&TT đây là “một tài liệu vô giá”, không chỉ về mặt học thuật, mà còn là một tài liệu có giá trị pháp lý góp thêm vào bộ hồ sơ chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Bên cạnh đó, triển lãm tại Ninh Thuận cũng giới thiệu những hình ảnh, hiện vật phản ánh quá trình đấu tranh, bảo vệ chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa là nhóm hiện vật của Lữ đoàn 146 Hải quân gồm: ống nhòm sử dụng quan sát chỉ huy bộ đội xây dựng và bảo vệ các đảo thuộc quần đảo Trường Sa năm 1988, cáng thương chuyển cán bộ chiến sĩ đã chiến đấu, hi sinh trong trận hải chiến Trường Sa năm 1988…
“Sẽ đưa bản đồ, tư liệu về chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa ra quốc tế”
Tại cuộc họp báo, GS.TS Nguyễn Quang Ngọc (Đại học Quốc gia Hà Nội), cho biết, cuộc triển lãm tại Ninh Thuận là cuộc triển lãm lần thứ 33 và là cuộc triển lãm lần đầu được tổ chức tại tỉnh này.
Trong thời gian qua, triển lãm bản đồ, tư liệu về chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa đã góp phần không nhỏ vào việc nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của nhân dân trong nước, cũng như kiều bào ta ở nước ngoài trong việc bảo vệ và khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam. Ngoài ra, GS.TS Nguyễn Quang Ngọc cũng cho biết triển lãm sẽ được triển khai ra toàn quốc và sắp tới sẽ đưa đi quốc tế triển lãm. “Các cuộc triển lãm trong nước là cơ hội để đúc rút kinh nghiệm để đưa ra triển lãm quốc tế trong thời gian tới”, GS.TS Nguyễn Quang Ngọc cho biết tại cuộc họp báo.
Về nét mới tại cuộc triển lãm ở Ninh Thuận so với các cuộc triển lãm trước đó, GS.TS Nguyễn Quang Ngọc - nói: “Nét mới trong cuộc triển lãm lần này là chúng tôi tinh lọc hơn, giải thích tư liệu rõ ràng, cặn kẽ hơn và tập trung vào các tư liệu và bản đồ nguyên gốc hoặc có địa chỉ, xuất xứ cụ thể để nhằm kiểm chứng. Cuộc triển lãm ở Ninh Thuận lần này cũng đã bổ sung thêm một ít tư liệu mới, kết hợp tổ chức tập huấn cho các cán bộ địa phương”.
Ông Nguyễn Văn Tạo, Vụ Phó Vụ Thông tin Cơ sở (Bộ TT&TT), cho biết, sau triển lãm toàn bộ tư liệu, bản đồ (trừ một số tư liệu, bản đồ gốc) sẽ được giao lại cho tỉnh Ninh Thuận lưu giữ. Ông Tạo mong muốn tỉnh Ninh Thuận sẽ đưa các bản đồ, tư liệu nói trên về các huyện, thị trong tỉnh tiếp tục triển lãm để nâng cao hơn nữa nhận thức của nhân dân địa phương. “Qua triển lãm cũng là kênh thu thập thêm tư liệu từ trong dân để hoàn thiện bộ hồ sơ pháp lý khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa”, ông Tạo nhấn mạnh.
Viết Hảo