1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Niềm vui lúc nhậu không đáng với nỗi buồn phải tiễn người thân vì Covid-19

Quang Huy

(Dân trí) - "Gặp nhau uống rượu cũng vui, nhưng niềm vui đó không đáng với nỗi buồn khi phải tiễn đưa người thân, hay bản thân mình phải ra đi vì dịch Covid-19", bà Phạm Khánh Phong Lan nhìn nhận.

Tối 29/10, chương trình livestream "Dân hỏi - Thành phố trả lời" của TPHCM tiếp tục lên sóng với chủ đề "Kiểm soát dịch và kinh doanh ăn uống tại chỗ - Những điều cần biết". Chương trình có sự tham dự của các khách mời là bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý An toàn thực phẩm, ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM.

Ngay khi vừa lên sóng, chương trình đã nhận được hàng nghìn bình luận từ người dân liên quan đến vấn đề cho phép các hàng quán phục vụ tại chỗ và thí điểm bán rượu bia tại một số địa bàn ở TPHCM. Nhiều người bày tỏ đồng tình với quyết định trên của thành phố bởi sinh kế, đời sống tinh thần của người dân được giải tỏa sau những ngày giãn cách, nhưng cũng có những ý kiến lo lắng về nguy cơ dịch Covid-19 tái bùng phát trở lại.

Niềm vui lúc nhậu không đáng với nỗi buồn phải tiễn người thân vì Covid-19 - 1

TPHCM đã cho phép hàng quán phục vụ tại chỗ, thí điểm bán bia, rượu tại một số nơi (Ảnh: Hải Long).

"Nếu đóng cửa hoài thì chúng ta không thể chịu nổi, nhưng nếu mở cửa một cách tự do, thoải mái, người dân chủ quan sẽ đồng nghĩa với bác bỏ những thành quả phòng, chống dịch của thành phố. Gặp nhau uống rượu cũng vui, nhưng niềm vui đó không đáng với nỗi buồn khi phải tiễn đưa người thân, hay bản thân mình phải ra đi vì dịch Covid-19", bà Phạm Khánh Phong Lan nêu quan điểm.

Nếu số ca tăng vọt, TPHCM sẽ ngừng việc phục vụ rượu, bia

Trưởng ban Quản lý An toàn thực phẩm TPHCM chia sẻ, trong giai đoạn dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các hàng quán không được phục vụ tại chỗ lẫn đem về. Không phải ngẫu nhiên, việc phục vụ tại chỗ cần ngừng hoạt động trong giai đoạn giãn cách xã hội.

Niềm vui lúc nhậu không đáng với nỗi buồn phải tiễn người thân vì Covid-19 - 2

Bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý An toàn thực phẩm TPHCM (Ảnh: Quang Huy).

"Bộ Y tế đã có quy tắc 5K, nếu thực hiện triệt để, quy tắc này sẽ làm giảm nguy cơ lây nhiễm dịch Covid-19. Trong thực tế, quy tắc này khó tuân thủ tại môi trường quán ăn bởi khi ăn cần tháo khẩu trang, có những sự giao tiếp gần gũi", bà Phạm Khánh Phong Lan phân tích.

Hiện tại, thành phố đã từng bước mở lại dịch vụ ăn uống tại chỗ tuy nhiên, các hoạt động cần được thực hiện từng bước, đảm bảo an toàn bởi nguy cơ dịch Covid-19 vẫn luôn hiện hữu. Trong đó, thành phố cần thí điểm trước để đánh giá kết quả việc phục vụ đồ uống có cồn tại chỗ ở quận 7 và thành phố Thủ Đức.

Trưởng ban Quản lý An toàn thực phẩm nhìn nhận, việc phục vụ rượu bia tại chỗ sẽ có nguy cơ lây nhiễm cao. Cụ thể, người uống rượu, bia thường đi theo nhóm, có những giao lưu, hành động gần gũi. 

"Việc phục vụ rượu, bia nhằm đáp ứng mong mỏi của một bộ phận công chúng. Tuy nhiên, nếu sau vài ngày tới, số ca mắc Covid-19 tăng vọt, thành phố có thể sẽ ngừng việc bán rượu, bia tại chỗ trên toàn địa bàn", bà Phạm Khánh Phong Lan nhấn mạnh.

Niềm vui lúc nhậu không đáng với nỗi buồn phải tiễn người thân vì Covid-19 - 3

Nếu số ca mắc Covid-19 tăng vọt trở lại, TPHCM sẽ ngừng phục vụ đồ uống tại chỗ trên toàn địa bàn (Ảnh: Hải Long).

Sau 2 ngày đầu tiên thành phố mở lại hoạt động ăn uống tại chỗ, thí điểm bán rượu bia tại 2 địa bàn, tình trạng người từ những nơi khác đổ dồn về quận 7 và thành phố Thủ Đức để nhậu đã diễn ra. Bà Phạm Khánh Phong Lan đánh giá, việc này đã khiến chính quyền, người dân quận 7, thành phố Thủ Đức gặp áp lực rất lớn.

"Ngay cả hiện tượng, các quán nhậu tại quận 7, thành phố Thủ Đức ồ ạt hoạt động lại cũng không đúng tinh thần chỉ đạo của UBND TPHCM. Chính quyền thành phố đã giao quận 7, thành phố Thủ Đức xác định cấp độ dịch từng địa bàn và chỉ bán rượu, bia tại chỗ ở địa bàn phù hợp", Trưởng ban Quản lý An toàn thực phẩm nêu.

Nguy cơ mất an toàn thực phẩm khi mở cửa

Bà Phạm Khánh Phong Lan cũng bày tỏ, vấn đề an toàn thực phẩm là điều thành phố băn khoăn trong thời gian qua. Khi các chợ truyền thống, cửa hàng thực phẩm ngừng hoạt động, các điểm bán tự phát, mua bán thực phẩm qua mạng đã phát triển, dẫn đến nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm.

"Thời gian tới, thành phố sẽ siết lại vấn đề an toàn thực phẩm. Việc mở cửa lại cơ sở kinh doanh ăn uống tại chỗ sẽ đi kèm với tăng cường thanh tra, kiểm tra", Trưởng ban Quản lý An toàn thực phẩm TPHCM khẳng định.

Niềm vui lúc nhậu không đáng với nỗi buồn phải tiễn người thân vì Covid-19 - 4

TPHCM sẽ tăng cường giám sát công tác an toàn vệ sinh thực phẩm thời gian tới (Ảnh: Hải Long).

Cụ thể, việc kiểm tra, giám sát các hàng quán được thực hiện ở 2 lĩnh vực gồm đảm bảo quy định phòng, chống dịch và đảm bảo an toàn thực phẩm. Trong đó, các lực lượng thuộc địa phương sẽ chịu trách nhiệm kiểm tra việc tuân thủ các tiêu chí, yêu cầu về phòng, chống dịch tại cơ sở kinh doanh.

Đối với công tác an toàn thực phẩm, thành phố sẽ khởi động lại đội ngũ thanh tra của thành phố và quận, huyện. Trong một số trường hợp, công tác thanh tra, kiểm tra sẽ kết hợp 2 lĩnh vực trên để tạo điều kiện cho các cơ sở hoạt động thuận tiện.

Riêng đối với việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, các cơ sở kinh doanh ăn uống tại chỗ phải được thẩm định và cung cấp đủ giấy tờ, nguồn gốc thực phẩm; kiến thức hành nghề; quy trình sản xuất đảm bảo sạch sẽ. Những cơ sở không đảm bảo sẽ buộc phải đóng cửa hoặc bị phạt tùy theo mức độ vi phạm.

Trưởng ban Quản lý An toàn thực phẩm TPHCM lấy ví dụ, trong giai đoạn vừa qua, địa bàn đã ghi nhận vụ ngộ độc rượu dẫn đến chết người. Sau khi điều tra, vụ việc xuất phát từ lý do lạm dụng cồn công nghiệp không rõ xuất xứ, nguồn gốc để pha chế rượu.

"Với đặc điểm hàng triệu dân và hàng chục nghìn cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, các đoàn kiểm tra, cơ quan chức năng không thể theo dõi 24/24h. Sự an toàn của người dân phụ thuộc chính vào ý thức của người dân, chủ cơ sở trong thời điểm này", bà Phạm Khánh Phong Lan nhận định.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm