1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Những triệu phú nông dân đáng nể ở Bình Định

(Dân trí) - Có những người vươn lên làm giàu trong hoàn cảnh ngặt nghèo. Có tấm gương một thời lầm lỡ nay làm lại cuộc đời. Có người vươn lên thoát nghèo từ “màn đêm” gian truân, cơ cực…

Họ đều là những người nông dân chất phác, một nắng hai sương, có ý chí, nghị lực vượt qua khó khăn, cám dỗ, cùng trở thành những nông dân thi đua sản xuất kinh doanh, làm kinh tế giỏi của tỉnh Bình Định.

 

1. Hồ Sỹ Nam - tay trắng làm nên

 

Đến với thôn Phú Kim, xã Cát Trinh (Phù Cát, Bình Định) hỏi ông Hồ Sỹ Nam với mô hình kinh tế “tam nông” có lẽ ai cũng biết. Bởi lẽ ông không những làm giàu cho bản thân mà còn giúp nhiều người nông dân địa phương cùng thoát nghèo bằng cách sẻ chia kinh nghiệm thâm canh các loại cây trồng, vật nuôi, hỗ trợ vốn, kỹ thuật và con giống không lấy lãi.
 
Những triệu phú nông dân đáng nể ở Bình Định - 1
Ông Hồ Sỹ Nam đứng bên phải Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng trong Đại hội thi đua Nông dân sản xuất giỏi toàn quốc 2010.

 

50 tuổi, cái tuổi đủ để ông hiểu về những khốn khó của cuộc đời. Chuẩn bị cho “công cuộc” làm giàu, ông cất công “tầm sư học đạo”. Từ một hộ nông dân nghèo, nhờ áp dụng thành công tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, ông Nam đã vươn lên làm giàu. Năm 2000, ông vinh dự được chọn tham dự Đại hội Nông dân thi đua sản xuất giỏi toàn quốc.

 

Trước đây gia đình ông Nam thuộc diện hộ nghèo của xã Cát Trinh. Năm 1994, ông được Hội đồng nhân dân xã hỗ trợ 5 triệu đồng từ nguồn vốn vay ưu đãi, cộng với số tiền chạy vạy vay mượn của người thân, bạn bè, ông quyết tâm đầu tư phát triển cho trồng trọt và chăn nuôi. Đầu tiên, ông áp dụng mô hình “tam nông”, cơ cấu lại mùa vụ, cây trồng theo hướng phù hợp với điều kiện đất đai địa phương: “Sản xuất đậu phụng Đông Xuân - gieo mè vụ Hè - trồng lúa vụ mùa”. Với mô hình “tam nông” này, trên diện tích 1,5ha, mỗi năm mang lại nguồn thu nhập cho gia đình trên 80 triệu đồng. Ngoài ra, ông còn tận dụng diện tích vườn thừa, đất chân cao chăn nuôi thêm gà thả vườn, nuôi heo siêu nạc và trồng một số loại hoa màu như dưa hấu, dưa ngang, mì (sắn), cà… hàng năm cho thu nhập thêm 70 triệu đồng nữa.

 

Tâm sự với chúng tôi về chuyện làm ăn của mình, ông Nam kể: “Hàng năm, từ mô hình kinh tế này tôi thu nhập trên 150 triệu, sau khi trừ chi phí tôi còn lãi hơn 80 triệu đồng/năm. Nhờ vậy, tôi có tiền nuôi con ăn học tới nơi tới chốn, đời sống gia đình từng bước được nâng lên”.

 

2. Lê Xuân Đạt - Triệu phú chăn nuôi

 

Ở thôn Phong Tấn, xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định, nói đến ông Lê Xuân Đạt là ai cũng cảm phục về khả năng dám nghĩ, dám làm và giỏi làm giàu. Ông Đạt là một trong những người  đầu tiên áp dụng  mô hình chăn nuôi “gà siêu trứng” theo mô hình khép kín. Mô hình này đã mang lại nguồn thu nhập cho gia đình ông lên tới hàng trăm triệu đồng/năm và ông trở thành triệu phú nông dân trên mảnh đất được cho là “khô cằn sỏi đá” của huyện Tuy Phước.

 

Ông Đạt chia sẻ: “Để cho đàn gà sinh trưởng, phát triển và cho trứng đạt chất lượng là phải sử dụng thức ăn tổng hợp bảo đảm chất dinh dưỡng, hằng ngày cho gà ăn đều đặn. Mỗi tuần vệ sinh khử trùng chuồng trại một lần, tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin. Chuồng trại phải luôn giữ thoáng mát vào mùa hè, dự trữ nước, lắp các vòi phun nước trên mái tôn có phủ rơm, rạ để hạ nhiệt. Vào mùa đông, trại gà cần được giữ ấm, tránh gió lùa”.

 

Ông nhẩm tính, trong năm 2011 này, nếu giá trứng và giá gà thịt ổn định, thu nhập từ chăn nuôi của ông sẽ đạt ở mức 500 đến 600 triệu đồng, sau khi trừ chi phí sẽ còn lãi từ 250 đến 300 triệu đồng.

 

Không chỉ lo làm giàu cho bản thân, ông Đạt còn tích cực vận động, tuyên truyền, giúp đỡ vốn, kỹ thuật chăn nuôi đàn gà siêu trứng cho bà con địa phương, giúp bà con trong vùng cùng thoát nghèo, vươn lên làm giàu.

 

3. Từ “gỗ tặc” trở thành nông dân sản xuất giỏi

 

Cái biệt hiệu “Trung gỗ tặc” đến bây giờ nhiều người dân ở xã Ân Đức (huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định) vẫn nhớ. Nó là dấu tích một thời lầm lạc của ông Ngô Đức Trung ở thôn Khoa Trường. Mấy năm trước, ông Trung hành nghề buôn gỗ “không rõ xuất xứ”. Dần nhận thấy nghề này không lương thiện, lại được chính quyền địa phương vận động chuyển nghề, ông đã “rửa tay gác kiếm”, chuyển sang nuôi vịt siêu trứng. Bây giờ, ông Trung, 50 tuổi, đã là một nông dân sản xuất giỏi, được nhiều người nể phục.

 

Hôm chúng tôi đến thăm trang trại chăn nuôi vịt siêu trứng của ông Trung, đúng lúc ông cùng vợ đang đi tiêm vắc-xin phòng chống dịch cúm cho đàn vịt hơn 600 con, trong thời kỳ đẻ trứng rộ. Ông Trung cho biết: Ban đầu do sự hiểu biết về kỹ thuật nuôi vịt siêu trứng còn hạn chế, vốn đầu tư hạn hẹp nên ông chỉ nuôi thử 100 con. Sau đó, qua một thời gian nuôi, học hỏi kinh nghiệm từ các hộ và theo học các lớp bồi dưỡng kỹ thuật chăn nuôi do UBND xã Ân Đức tổ chức thì ông đầu tư nhiều hơn và theo đó đàn vịt của ông ngày càng đông hơn và đẻ trứng rất đều. Ông mạnh dạn vay vốn, mở rộng quy mô trang trại và hôm chúng tôi đến thì đàn vịt siêu trứng của ông đã có 600 con.
 
 
Những triệu phú nông dân đáng nể ở Bình Định - 2
Ông Ngô Đức Trung bên đàn vịt siêu trứng của mình

 

Hiện nay, do giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, đã có nhiều chủ trại nuôi vịt trong tỉnh phải cắt giảm đàn. Thậm chí, nhiều chủ trang trại bị thu lỗ nặng. Nhưng đàn vịt siêu trứng của ông Trung vẫn ổn định.

 

Đi đôi với nuôi vịt, ông Trung đầu tư nuôi lợn nái và lợn thịt. Hiện nay, trong trại đang có 2 lợn nái và hơn 50 lợn thịt chuẩn bị xuất bán. Ông nhẩm tính, trong năm 2011 này, nếu giá trứng và thịt lợn ổn định, lợn và vịt sẽ cho ông thu lãi khoảng 150 triệu đồng.

 

Trao đổi với chúng tôi, ông Võ Cao Sơn, Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Ân Tường (Hoài Ân), vui vẻ cho biết: “Bây giờ ông Trung đã tu chí làm ăn, trở thành nông dân sản xuất giỏi được nhiều người dân trong vùng nể phục. Ông cũng luôn sẵn sàng chia sẻ những kinh nghiệm, phương pháp chăn nuôi cho bà con địa phương; vận động và giúp đỡ vốn cho nhiều đối tượng ở địa phương từ bỏ nghề khai thác gỗ trái phép”.

 

Đông Sơn