1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Những thông tin chưa tiết lộ trong cuốn sổ “Lá thư Xuân”

(Dân trí) - Những trang từ điển Anh – Việt được kẹp cẩn thận ở giữa cuốn sổ, thông tin nhắc đến người con gái tên Hường và cô y tá Kim Dung cùng nhiều bài thơ “đậm chất Bắc” đã được tìm thấy trong cuốn sổ thơ có bài “Lá thư Xuân”.

Khi câu chuyện cảm động về cuộc trao trả kỷ vật là cuốn sổ ghi chép lý lịch và chiếc khăn quàng cổ mà ông cựu binh người Úc, Laurens Wildeboer đã giữ hơn 40 năm qua cho người thân của liệt sĩ Phan Văn Ban khép lại thì những người trong cuộc và dư luận tiếp tục tập trung vào việc xác minh và tìm ra tác giả của “Lá thư xuân”.

Những thông tin chưa tiết lộ trong cuốn sổ “Lá thư Xuân”
Cuốn sổ thơ "Lá thư xuân"

Những thông tin chưa tiết lộ trong cuốn sổ “Lá thư Xuân”
Trang đầu tiên của sổ 

Chia sẻ về việc đi tìm chủ nhân của “Lá thư xuân”, ông Wildeboer cho biết: “Tôi mong muốn những kỷ vật này đến được tận tay người thân của anh lính đó. Mong sớm tìm được họ để tôi được thanh thản. Tôi rất tiếc về những gì đã xảy ra từ 40 năm trước”.

Hiện tại cựu binh người Úc đã chuyển cuốn sổ thơ cho Thượng tá Nguyễn Thị Tiến - nguyên Phó giám đốc Viện bảo tàng Quân khu 4 cất giữ. Đồng thời, ông Wildeboer cũng mong muốn bà Tiến tiếp tục công việc tìm kiếm và trảo lại cuốn sổ cho người thân của người lính đã viết những vẫn thơ này.

Những thông tin chưa tiết lộ trong cuốn sổ “Lá thư Xuân”
Những thông tin chưa tiết lộ trong cuốn sổ “Lá thư Xuân”
Những bài thơ được viết trước "Lá thư Xuân"

Những thông tin thể hiện trong cuốn sổ cho thấy, mở đầu cuốn sổ là câu thơ “Ta không như con thuyền chờ đợi/ Gió xuôi rồi buồm mới căng lên", phía dưới là hai chữ in hoa “THANH PHONG” được đánh bóng khối. Theo kinh nghiệm nhiều năm đi tìm kỷ vật của liệt sĩ và trao lại cho người thân của họ, thượng tá Tiến cho biết: “THANH PHONG” ở đây có thể là tên chủ nhân cuốn sổ hoặc bí danh được dùng trong quân ngũ.

Điều đặc biệt được Thượng tá Tiến tiết lộ, trong cuốn sổ này ngoài thơ còn phát hiện thêm nhiều trang từ điển Anh – Việt (loại nhỏ) đã khá cũ. Điều này chứng tỏ chủ nhân của cuốn sổ là người có trình độ học vấn khá cao thời bấy giờ. Ngoài ra có nhiều chi tiết còn nhắc đến người con gái tên Hường và cô y tá tên Kim Dung.

Giải thích thêm về vấn đề này, Thượng tá Tiến cho biết, người con gái tên Hường có thể là một người em ở quê của chủ nhân cuốn sổ. Riêng về cô y tá Kim Dung, câu chuyện thể hiện, lần đánh trận, chủ nhân của cuốn sổ bị thương nhưng vẫn muốn được ở lại chiến đấu cùng đồng đội. Tuy nhiên, cô y tá Kim Dung đã cõng anh về nơi trú ẩn điều trị. Tất cả những điều này đã được ghi chép lại trong sổ thơ.

“Tôi nghĩ khi cho đăng tải thông tin, biết đâu hai người phụ nữ kia có thể sẽ biết thông tin và nhận ra điều gì đó, biết đâu, cô ý tá Kim Dung vẫn còn sống và đang là một cựu chiến binh ở tỉnh nào đó. Nếu tìm được những người này thì việc tìm chủ nhân cho “Lá thư xuân” không còn trở ngại” – Thượng tá Tiến phân tích.

Những thông tin chưa tiết lộ trong cuốn sổ “Lá thư Xuân”
Những thông tin chưa tiết lộ trong cuốn sổ “Lá thư Xuân”
Thượng tá Tiến tiếp nhận cuốn sổ thơ và món quà tặng "biểu tượng của nước Úc" do Wildeboer trao tặng.

Thêm nhiều chi tiết trong cuốn sổ thơ được Thượng tá Tiến khẳng định, đó chính là cuốn sổ thơ của một người lính Miền Bắc. Cụ thể, trong bài thơ “Nhớ” có câu: “Hôm nay nhớ mẹ nhớ cha/Nhớ từ Đồng Tháp nhớ ra Hà Thành”. Ngoài ra, còn hàng loạt chi tiết, ý nghĩa trong thơ thể hiện một tâm hồn thơ miền Bắc.

Sau khi tiếp nhận cuốn sổ từ tay cựu binh người Úc, Thượng tá Tiến khẳng định, sắp tới sẽ tiếp tục xác minh, cố gắng tìm ra chủ nhân thật sự của cuốn sổ này vì đây là tài sản vô giá cần trả về gia đình người lính, để không có lỗi với người đã hy sinh. Cuộc tìm kiếm này sẽ mở sang hướng khu vực các tỉnh phía Bắc.

Trong số kỷ vật mà ông Wildeboer mang sang Việt Nam trao trả còn một tấm ảnh chân dung của một người lính. “Khi chúng tôi chiếm được nơi lính Việt đóng quân, tôi đã lấy được những đồ vật trên và một tấm ảnh nhưng không biết người trong ảnh là ai” – cựu binh Úc giải thích.

Những thông tin chưa tiết lộ trong cuốn sổ “Lá thư Xuân”
Tấm ảnh mà ông Wildeboer gìn giữ hơn 40 năm qua cùng số kỷ vật trên.

Ngoài bài “Lá thư xuân” và những bài khác đã đăng, Dân trí xin đăng tải một số bài trong cuốn sổ thơ của người lính Việt được cựu binh người Úc gìn giữ hơn 40 năm qua. 

Xuân
                                         1967

Năm nay ăn Tết trong rừng

Sang năm ăn Tết tưng bừng thành đô

Miền Nam vui đón Bác Hồ

Bắc Nam thống nhất ấm no muôn đời.


Nhớ

Hôm nay nhớ mẹ nhớ cha

Nhớ từ Đồng Tháp nhớ ra Hà Thành

Xuân xanh hoa nở đầy cành

Cắm hoa đầu súng đứng canh đêm dài

 

Hành quân 

Sáng đi trăng treo đỉnh núi

Chiều về trăng soi lối ta đi

Trùng trùng rừng núi xanh rì

Suối rồi lại suối, khe rồi lại khe

 

Ăn cơm măng nứa măng tre

Võng đào một chiếc, suối khe bạn cùng

Vui lên ai cấm ta đừng

Đường xa mà lại thấy gần không xa

 

Đồng bào mỏi mắt chờ ta

Chiến trường quyết chí xông pha diệt thù. 

                                                     15/10/65

 

Gặp bạn 

Tôi gặp lại anh giữa chốn này

Chiến trường khói lửa mịt mù bay

Biết nói gì hơn tình đồng chí

Còn sướng chi bằng cái bắt tay

Dừng lại phút giây rồi tạm biệt

Hẹn ngày chiến thắng rợp cờ bay.

Trung Kiên - Vân Sơn