1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Những sự cố hàng không nghiêm trọng tại Việt Nam

(Dân trí) - Cục Hàng không cho biết, đã có 4 sự cố hàng không nghiêm trọng xảy ra tại Việt Nam từ đầu năm đến nay, trong đó bao gồm cả lỗi điều hành bay, sự cố kỹ thuật và chở nhầm khách.

Sự cố gần đây nhất là cấp huấn lệnh bay sai tại Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng ngày 27/6 khiến máy bay của Vietnam Airlines suýt va chạm với máy bay của Jetstar Pacific tại sân bay quốc tế Đà Nẵng. Cục Hàng không Việt Nam cho biết, sự cố đã uy hiếp an toàn hoạt động bay nghiêm trọng, nếu không được phát hiện và xử lý kịp thời thì có thể dẫn đến tai nạn máy bay gây hậu quả thảm khốc.

Có ít nhất 4 sự cố hàng không nghiêm trọng xảy ra tại Việt Nam từ đầu năm đến nay

Có ít nhất 4 sự cố hàng không nghiêm trọng xảy ra tại Việt Nam từ đầu năm đến nay

Hy hữu nhất từ trước đến nay là sự cố VietJet Air chở gần 200 hành khách đi Đà Lạt “nhầm” tới Cam Ranh hôm 19/6. Chuyến bay VJ 8575 chặng bay Hà Nội-Cam Ranh cất cánh đúng theo lịch bay được phê duyệt ban đầu và dự báo bay đã được Trung tâm điều hành bay quốc gia chấp thuận và hiệp đồng bay hàng không-quân sự, theo đúng kế hoạch bay không lưu đã được Cơ sở thủ tục bay Nội Bài chấp thuận và triển khai theo quy định.

Nhưng điều đáng nói là trên chuyến bay này lại là toàn bộ hành khách, hành lý, hàng hoá của chuyến bay VJ8861 với hành trình Hà Nội-Đà Lạt. Nguyên nhân do tổ bay, tổ tiếp viên, nhân viên điều phái bay của VietJet Air và cơ sở thủ tục bay thuộc Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài không thực hiện đúng quy trình khai thác bay; Trung tâm điều hành khai thác bay của VietJet Air không thực hiện đúng quy định về triển khai kế hoạch khai thác.

Hôm 6/5, chiếc Airbus 330 mang số đăng ký quốc tịch VN-A371 của Vietnam Airlines thực hiện chuyến bay VN780 từ Melbourne (Úc) về TPHCM đã phải đình chỉ cất cánh sau khi phát hiện cháy động cơ số 2 khi đang chạy đà. Vụ việc đang được cơ quan điều tra sự cố tai nạn tàu bay Úc (ATSB) tiến hành điều tra theo Công ước Chicago.

Sự cố rơi tấm ốp bảo vệ quạt làm mát phanh do không siết ốc đủ lực xảy ra với tàu bay A321, mang dấu hiệu đăng ký quốc tịch tàu bay VN-A397, thực hiện chuyến bay Đà Lạt - TPHCM ngày 26/3. Nguyên nhân gây ra sự cố do nhân viên kỹ thuật thực hiện bảo dưỡng không tuân thủ quy trình bảo dưỡng.

Ngoài những sự cố nghiêm trọng nói trên, theo số liệu thống kê của Cục Hàng không Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm 2014, tổng số sự cố được báo cáo tăng so với cùng kỳ năm 2013 (tăng 28,5%); số lượng sự cố có nguy cơ uy hiếp an toàn mức E và D tăng hơn 33,3%; tuy nhiên số lượng sự cố có nguy cơ uy hiếp an toàn cao, nghiêm trọng mức C và B giảm 2 vụ, tương đương 20%;

Ngoài những nguyên nhân khách quan, nguyên nhân sự cố chủ yếu vẫn do các hãng hàng không liên quan đến công tác bảo đảm kỹ thuật (66 vụ, chiếm tỷ trọng 46% tổng số vụ); yếu tố con người-nhân viên hàng không giảm mạnh (14 vụ, chiếm tỷ trọng 9,7%);

Số lượng sự cố liên quan đến thành viên tổ bay và nhân viên phục vụ mặt đất đã giảm sâu (5 vụ so với 18 vụ trong cùng kỳ năm 2013), thể hiện sự tiến bộ về việc tuân thủ quy trình khai thác và quy trình bảo dưỡng tàu bay so với cùng kỳ năm 2013. Tuy nhiên do lỗi của tổ bay, nhân viên kỹ thuật, kiểm soát viên không lưu, nhân viên điều độ, nhân viên thủ tục bay đã gây ra 3/4 sự cố nghiêm trọng.

Châu Như Quỳnh