Những sáng kiến về cải cách hành chính được Thủ tướng biểu dương
(Dân trí) - Mô hình "tinh giản biên chế, tinh đổi cán bộ" ở Hậu Giang; "Ngày thứ bảy lắng nghe dân nói" của Bà Rịa - Vũng Tàu và hiển thị bằng lái xe trên VneID… là những sáng kiến được Thủ tướng đánh giá cao.
Nhiều sáng kiến mới, cách làm hay trong cải cách hành chính đã được Thủ tướng Phạm Minh Chính biểu dương tại phiên họp thứ 8 của Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính, sáng 15/7.
Hậu Giang được đánh giá là địa phương có nhiều sáng kiến mới, điển hình là mô hình "tinh giản biên chế, tinh đổi cán bộ".
Tỉnh đặt mục tiêu tinh giản 5% công chức, 10% viên chức theo lộ trình 2020-2026 mà Trung ương giao, đồng thời tinh đổi 5% công chức, 5% viên chức để tuyển dụng cán bộ trẻ có trình độ, năng lực đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới.
Để "cán đích" mục tiêu, Hậu Giang đã ban hành thêm chính sách đặc thù khuyến khích cán bộ không đáp ứng yêu cầu tự nguyện tinh giản biên chế, để tinh đổi, tuyển dụng cán bộ trẻ đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, phù hợp với vị trí việc làm.
Tỉnh ủy cũng triển khai thêm Đề án 09 năm 2024 quy định về vị trí việc làm các cơ quan, đơn vị sự nghiệp của Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh Hậu Giang.
Theo đó, cán bộ, công chức, viên chức sẽ thực hiện nhiệm vụ theo vị trí việc làm được phê duyệt, viết nhật ký làm việc hàng ngày theo mẫu điện tử để định lượng, đo lường và đánh giá hiệu quả công việc gắn với chức trách nhiệm vụ được giao.
Đề án được triển khai từ tháng 1, bước đầu đã cho thấy khá nhiều cán bộ không kê hết mốc thời gian làm việc 8 giờ/ngày, 40 giờ/tuần. Điều này, chứng tỏ cái thiếu hiện nay là "thiếu người biết làm việc" và có 4 cán bộ đã dự định xin thôi việc.
Trong khi đó, Bà Rịa - Vũng Tàu đã triển khai mô hình "Ngày thứ bảy lắng nghe dân nói" tại tất cả xã, phường, thị trấn trên địa bàn. Lãnh đạo tỉnh, các cơ quan, đơn vị dành 30 phút đầu giờ mỗi ngày làm việc để tiếp người dân, doanh nghiệp.
Tỉnh cũng thí điểm tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả không phụ thuộc địa giới hành chính lĩnh vực giao thông vận tải và lĩnh vực y tế; đưa vào vận hành Mini app Zalo "App BRVT Smart" để thúc đẩy chuyển đổi số gắn với cải cách hành chính.
Thủ tướng cũng đánh giá cao việc TP Đà Nẵng sử dụng kết quả thủ tục hành chính số, kết hợp với gắn mã QR cho phép cung cấp "dịch vụ công trực tuyến nâng cao". Theo đó, Đà Nẵng là địa phương duy nhất toàn quốc đến nay triển khai cấp kết quả thủ tục hành chính số gắn với mã QR.
Điều này giúp người dân thuận lợi trong lưu trữ, xuất trình kết quả thủ tục hành chính số, đặc biệt là loại thủ tục cấp phép, các cơ quan Nhà nước cũng thuận lợi hơn trong quản lý sau cấp phép.
Đáng chú ý, trong số các cơ quan Trung ương, Bộ GTVT được Thủ tướng đánh giá là một trong 2 bộ xếp hạng A về cung cấp Cổng Dịch vụ công trực tuyến trong khối các bộ, ngành.
Bộ đã hoàn thành kết nối cơ sở dữ liệu giấy phép lái xe với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Đây là một trong 25 dịch vụ công thiết yếu, ưu tiên kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Theo đó, cơ quan này đã hoàn thành đối soát để làm sạch dữ liệu giấy phép lái xe, kết quả đã có 33,5/34,7 triệu giấy phép lái xe (tỷ lệ 96,5%) có kết quả trùng khớp với dữ liệu dân cư và 10,2/34,7 triệu giấy phép lái xe (tỷ lệ 29,4%) hiển thị trên ứng dụng VNeID.
Ngoài ra, Bộ GTVTR đã triển khai việc sử dụng tài khoản định danh điện tử mức độ 2 với khách bay nội địa tại tất cả cảng hàng không và thí điểm xác thực sinh trắc học với các sân bay Nội Bài, Phú Bài, Cát Bi.