Những quy định mới đáng chú ý có hiệu lực từ tháng 10
(Dân trí) - Từ tháng 10, nhiều quy định mới có hiệu lực liên quan đến triệu hồi ô tô nhập khẩu bị lỗi kỹ thuật; thăng hạng, xếp lương giáo viên dạy nghề; tăng lệ phí đăng ký, cấp biển số xe máy, ô tô lần đầu.
Quy định mới về triệu hồi ô tô nhập khẩu bị lỗi kỹ thuật
Nghị định 60/2023 của Chính phủ quy định về kiểm tra, chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường ô tô nhập khẩu và linh kiện nhập khẩu theo các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, quy định ô tô thuộc diện phải triệu hồi gồm: Ô tô triệu hồi theo công bố của nhà sản xuất; ô tô triệu hồi theo yêu cầu của cơ quan kiểm tra.
Việc yêu cầu triệu hồi của cơ quan kiểm tra được thực hiện trên cơ sở bằng chứng cụ thể, kết quả xác minh các thông tin phản ánh về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường ô tô nhập khẩu.
Người nhập khẩu phải gửi văn bản tới cơ quan kiểm tra các nội dung sau: nguyên nhân xảy ra lỗi kỹ thuật; biện pháp khắc phục; số lượng ô tô phải triệu hồi; kế hoạch triệu hồi phù hợp.
Đồng thời chủ động thực hiện và tuân thủ đúng kế hoạch triệu hồi; công bố thông tin về kế hoạch triệu hồi và danh sách ô tô phải triệu hồi trên trang thông tin điện tử, các đại lý bán hàng một cách kịp thời, đầy đủ.
Nghị định 60 có hiệu lực từ 1/10 và áp dụng đối với linh kiện từ ngày 1/10, với ô tô từ ngày 1/8/2025.
Bãi bỏ 10 thông tư về tuyển dụng
Thông tư số 12/2023 của Bộ trưởng Nội vụ (có hiệu lực 1/10) bãi bỏ 10 thông tư do Bộ trưởng Nội vụ ban hành quy định về tuyển dụng công chức, viên chức, nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức và thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập.
Cụ thể, Thông tư 12 bãi bỏ toàn bộ Thông tư 13/2010, Thông tư 05/2012, Thông tư 06/2013, Thông tư 03/2015, Thông tư 05/2017, Thông tư 12/2012, Thông tư 15/2012, Thông tư 04/2015, Thông tư 15/2001/TT-BTCCBCP và Thông tư 03/2019.
Người chấp hành xong án phạt tù có thể vay vốn tới 100 triệu đồng
Quyết định 22/2023 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù, cơ sở sản xuất kinh doanh có sử dụng người lao động là người chấp hành xong án phạt tù được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội để đào tạo nghề và sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, có hiệu lực từ 10/10.
Điểm mới đáng chú ý, người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương đến thời điểm được vay vốn tối đa là 5 năm, chấp hành tốt các quy định của pháp luật, không tham gia các tệ nạn xã hội và có nhu cầu vay vốn thì sẽ được Công an cấp xã lập danh sách, có xác nhận của UBND cùng cấp gửi Ngân hàng Chính sách xã hội làm thủ tục vay vốn với lãi suất ưu đãi như đối với hộ nghèo.
Nếu vay để đào tạo nghề tối đa là 4 triệu đồng/tháng/người; nếu vay để sản xuất kinh doanh tối đa là 100 triệu đồng/người.
Cơ sở sản xuất kinh doanh có sử dụng tối thiểu 10% tổng số lao động là người chấp hành xong án phạt tù, có nhu cầu và có phương án vay vốn được UBND cấp xã xác nhận có thể vay tối đa là 2 tỷ đồng/dự án và không quá 100 triệu đồng/người lao động tại cơ sở sản xuất.
Tiêu chuẩn, thăng hạng, xếp lương giáo viên dạy nghề
Thông tư số 07/2023 của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội quy định về mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp; xếp lương, thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành giáo dục nghề nghiệp có hiệu lực từ ngày 15/10.
Viên chức chuyên ngành giáo dục nghề nghiệp sẽ được xếp lương như sau: Giảng viên giáo dục nghề nghiệp cao cấp có hệ số lương 6,20 đến 8,00; giảng viên giáo dục nghề nghiệp chính có hệ số lương 4,40-6,78.
Giảng viên giáo dục nghề nghiệp lý thuyết có hệ số lương 2,34-4,98. Giảng viên giáo dục nghề nghiệp thực hành có hệ số lương 2,10-4,89.
Giáo viên giáo dục nghề nghiệp cao cấp có hệ số lương 5,75-7,55. Giáo viên giáo dục nghề nghiệp chính có hệ số lương 4,40-6,78.
Giáo viên giáo dục nghề nghiệp lý thuyết có hệ số lương 2,34-4,98. Giáo viên giáo dục nghề nghiệp thực hành có hệ số lương 2,10-4,89. Giáo viên giáo dục nghề nghiệp có hệ số lương 1,86-4,06.
Với mức lương cơ sở hiện hành là 1,8 triệu đồng/tháng, giảng viên giáo dục nghề nghiệp cao cấp có thể được hưởng lương tới 14,4 triệu đồng/tháng.
Tăng mức thu lệ phí đăng ký, cấp biển số ô tô, xe máy lần đầu
Bộ Tài chính mới đây đã ban hành Thông tư 60/2023 quy định mức thu, chế độ thu, nộp, miễn, quản lý lệ phí đăng ký, cấp biển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.
Thông tư điều chỉnh tăng mức thu lệ phí cấp lần đầu chứng nhận đăng ký kèm theo biển số phương tiện giao thông ở khu vực I (gồm Hà Nội và TPHCM).
Cụ thể, ô tô (trừ ô tô chở người từ 9 chỗ trở xuống; rơ moóc, sơ mi rơ moóc đăng ký rời) có mức thu lệ phí 500.000 đồng/lần/xe (mức cũ từ 150.000-500.000 đồng/lần/xe).
Ô tô chở người từ 9 chỗ trở xuống (bao gồm cả xe con pick-up) là 20 triệu đồng/lần/xe. Xe rơ moóc, sơ mi rơ moóc đăng ký rời là 200.000 đồng/lần/xe (mức cũ từ 100.000-200.000 đồng/lần/xe).
Đối với mô tô trị giá đến 15 triệu đồng có mức thu lệ phí 1 triệu đồng/lần/xe (mức cũ từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng/lần/xe). Mô tô trị giá trên 15-40 triệu đồng là 2 triệu đồng/lần/xe (mức cũ từ 1-2 triệu đồng/lần/xe). Mô tô trị giá trên 40 triệu đồng có mức thu lệ phí 4 triệu đồng/lần/xe (mức cũ từ 2-4 triệu đồng/lần/xe).
Thông tư 60/2023 có hiệu lực từ ngày 22/10 còn bổ sung mức thu lệ phí đăng ký xe tại nơi tạm trú để phù hợp với quy định cho phép người dân được đăng ký xe tại nơi tạm trú tại Thông tư 24/2023 của Bộ Công an.
Theo đó, người dân đăng ký xe tại khu vực nào thì nộp lệ phí cấp chứng nhận đăng ký, biển số phương tiện giao thông theo mức thu lệ phí quy định tương ứng với khu vực đó. Ví dụ, người dân thường trú tại tỉnh Phú Thọ, tạm trú tại Hà Nội, nếu mua xe và đăng ký xe tại Hà Nội thì đóng lệ phí đăng ký xe theo mức thu của Hà Nội.