1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Hải Phòng:

Những nữ thanh niên xung phong lay lắt giữa đời thường

(Dân trí) - Sau những năm tháng chiến tranh, những nữ thanh niên xung phong tại Vĩnh Bảo - Hải Phòng lặng lẽ trở về quê hương. Không chồng con, tuổi già sức yếu, nhiều bệnh tật... là hoàn cảnh chung của nhiều nữ thanh niên xung phong ngày ấy.

Chúng tôi tới ào thôn Hà Phương 4 - Thắng thủy - Vĩnh Bảo - Hải Phòng, thăm bà Tống Thị Cam, người nữ thanh niên xung phong thời đất nước còn lửa đạn, nay sống trong ngôi nhà cấp 4 lụp xụp chừng hơn 10m2 của người em trai vừa mất. Bà Cam hiện sống một mình, không chồng con nương tựa. Một tay ôm ngực để ghìm lại những cơn ho sù sụ, bà bình thản kể lại những gian truân trong cuộc đời mình.


Những nữ thanh niên xung phong lay lắt giữa đời thường

Bà Tống Thị Cam kể về những năm tháng chiến tranh không thể nào quên.

Nhớ lại những năm tháng cùng đồng đội san rừng, bạt núi tại vùng “chảo lửa” Hà Tĩnh, Quảng Bình, mở đường, san lấp hố bom cho từng đoàn xe tiến vào chiến trường, đôi mắt bà ánh rạng lên như thể đôi mắt của cô nữ thanh niên xung phong giữa những ngày tháng hào hùng năm nào.


Nhà có 4 anh chị em, bố mẹ mất sớm, cô bé Cam phải lặn lội mò cua bắt ốc để nuôi 3 em còn nhỏ. Năm 1965, khi mới 18 tuổi, trong khí thế hừng hừng cả nước lên đường lập công giết giặc, sau nhiều đêm trằn trọc, cô thiếu nữ Cam quyết định viết đơn xin được nhập vào đoàn các nữ thanh niên xung phong vào chiến trường.


Những nữ thanh niên xung phong lay lắt giữa đời thường

Những nữ thanh niên xung phong lay lắt giữa đời thường

Những kỷ vật được người nữ thanh niên xung phong nâng niu trân trọng.

“Khi đó, tôi cùng hơn 10 chị em nữa tại huyện Vĩnh Bảo được tổ chức phân công vào Hà Tĩnh, Quảng Bình mở đường, thông xe cho các đoàn quân của ta, chống lại âm mưu ném bom san lấp của đế quốc Mỹ. Chúng tôi đi bộ hàng tháng ròng rã. Cứ ngày nghỉ đêm đi. Pháo sáng của địch lập lòe trên đỉnh đầu mà cũng chẳng ai thấy sợ. Vai tê buốt, đôi chân phồng rộp ăn cơm nắm, uống nước suối, các chị em vẫn động viên nhau kiên định ý chí. Tôi vẫn là người may mắn được trở về quê hương. Nhiều đêm nằm một mình, tôi lại nhớ về các đồng đội của mình. Những ánh mắt, tiếng cười, những nỗi lòng của các chị em giờ đã là người thiên cổ khiến tôi không thể cầm lòng”, bà Cam tâm sự.

Trở về quê hương năm 1971 do bị thương và đau ốm triền miên, bà Cam phải sống nương tựa vào các em. Không chồng, không con, chỉ có 1 sào ruộng khiến cuộc sống của của bà vô cùng cơ cực. Hơn nữa, căn bệnh tim nặng cùng với huyết áp cao ngày đêm hành hạ khiến cuộc sống của bà lay lắt như ngọn đèn trước gió. Chế độ khoảng 600 nghìn/tháng không đủ mua thuốc mỗi lần cơn đau tim hành hạ.


Những nữ thanh niên xung phong lay lắt giữa đời thường

Chị Hương (trái), con dâu bác Thảo tiếp tục thay cha giúp đỡ những nữ thanh niên xung phong có hoàn cảnh khó khăn.

Có nhiều khi cơn đau đến đột ngột khiến bà ngất lịm. Tỉnh dậy mới cố gắng lết được người ra ngoài ngõ nhờ người đưa đi viện. “Tôi còn may mắn là được nhiều những tấm lòng hảo tâm giúp đỡ. Ngày trước, lúc còn sống, bác Nguyễn Gia Thảo - Chủ một Công ty da giày Hải Phòng cứ hàng tháng, hàng năm lại chu cấp tiền giúp đỡ cho chị em thanh niên xung phong chúng tôi. Ai còn khỏe được bác cho bò, cho trâu để sản xuất. Tôi bệnh tật được bác cho tiền hàng tháng để chữa bệnh.


Bây giờ hàng tháng, tôi lại được chị Đặng Thị Mai Hương - con dâu bác Thảo, hỗ trợ cho tiền ăn, tiền thuốc thăm hỏi hàng tháng, cũng vì thế mà cuộc sống và việc chữa bệnh cũng đỡ khó khăn hơn nhiều. Chị em thanh niên xung phong chúng tôi vô cùng cảm kích những “tấm lòng vàng” ấy”, bà Cam xúc động

Cùng là nữ thanh niên xung phong trở về, cuộc sống của bà Nguyễn Thị Rụt (SN 1946) cùng thôn Hà Phương 4 cũng đang sống một cuộc sống nhiều khó khăn. Năm 1965, cô thiếu nữ Nguyễn Thị Rụt viết đơn tình nguyện được tham gia thanh niên xung phong. Sau một thời gian được điều động tại cảng Hải Phòng, bà trở về quê.


Những nữ thanh niên xung phong lay lắt giữa đời thường

Những nữ thanh niên xung phong lay lắt giữa đời thường

Bà Nguyễn Thị Rụt xúc động khi chia sẻ về những kỷ niệm năm xưa và cuộc sống khó khăn hiện tại.

Lấy chồng bị tật nguyền, bà sinh được 3 người con thì 2 người con trai bị thần kinh, chỉ có người con gái lành lặn đỡ đần mẹ. Rồi 2 con trai ngoài 20 tuổi có lớn mà không có khôn cũng lần lượt ra đi. Đau đớn hơn, đứa cháu ngoại duy nhất bị chết vì tai nạn giao thông, con gái bà quá đau đớn, phát bệnh tâm thần, bà phải đón về chăm sóc. Nhà chỉ có 2 sào ruộng, cùng với số tiền trợ cấp hộ nghèo, bà vẫn phải tần tảo nuôi con khi đã ngoài 60 tuổi. Nỗi đau, nỗi bất hạnh bà chỉ biết nuốt ngược vào trong. 

Nói về các hoàn cảnh lay lắt mà hiện các nguyên nữ thanh niên xung phong còn phải đối mặt trong cuộc sống đời thường, ông Nguyễn Văn Các - Phó chủ tịch Hội chữ thập đỏ huyện Vĩnh Bảo cho biết: “Địa bàn huyện hiện có trên 2.000 thanh niên xung phong. Trong đó có trên 30 trường hợp có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn như bà Cam, bà Rụt.


Từ nhiều năm trở lại đây, Hội chúng tôi luôn kết nối, qua lại với những tấm lòng hảo tâm như bác Thảo (đã quá cố) nay là chị Hương - con dâu bác Thảo - để tạo điều kiện trợ cấp, tặng quà cho các hoàn cảnh khó khăn ổn định cuộc sống.


Họ - những nữ thanh niên xung phong anh dũng trong thời chiến, nay gặp phải khó khăn bôn bề trong cuộc sống đời thường. Chúng tôi mong muốn những cá nhân, tổ chức quan tâm, chia sẻ với cuộc sống khó khăn của những nữ thanh niên xung phong giúp họ bớt đi phần nào cơ cực trong cuộc sống”.


Anh Thế - Quốc Đô