Những người điều khiển “cánh chim trời”
(Dân trí) - Với người dân thôn Hạ Vỹ, xã Nhân Chính, Lý Nhân (Hà Nam) thả diều không chỉ là thú chơi mà nó còn là một nét văn hóa truyền thống được lưu giữ từ xưa. Thả diều còn giúp người dân xua tan đi bao mệt nhọc sau những ngày lao động vất vả.
Với người dân nơi đây, diều sáo đã có từ rất lâu, nhiều người cũng không còn nhớ nổi, chỉ biết rằng đây là một nét văn hóa truyền thống được lưu giữ từ hàng trăm năm nay. Diều được coi là biểu tượng thanh bình, là khát vọng bay xa, nó còn giúp người dân xua tan đi những mệt nhọc trong lao động và thể hiện mong ước về cuộc sống “thuận buồm xuôi gió”.
Ông Nguyễn Mạnh Cung, Chủ nhiệm Câu Lạc Bộ diều sáo cho biết: “Chúng tôi đã thành lập nhiều CLB, đặc biệt nhất là CLB diều sáo thu hút đông thành viên tham gia nhất. Nhắc đến diều sáo Hạ Vỹ thì người dân trong vùng ai cũng biết”.
Chiều nào cũng vậy, cứ có gió lên, mọi thành viên trong CLB lại có mặt đông đủ ở nhà văn hóa thôn. Hàng trăm con diều sáo lớn nhỏ được mọi người thả khắp cánh đồng, hòa cùng tiếng sáo vi vu, thánh thót khiến người dân cảm thấy thanh thản, quên đi những mệt mỏi trong lao động.
Chơi diều cũng đòi hỏi tâm huyết và lòng đam mê. Chơi diều không tốn kém, nhưng để làm được một cây diều đẹp, đạt tiêu chuẩn đòi hỏi sự công phu, tỉ mỉ cao. Thường thì mỗi con diều sáo có chiều dài tới hơn 3m, chiều ngang 90cm. Để hoàn thành một con diều, khó nhất vẫn là công đoạn làm sáo. Sáo phải được thiết kế phù hợp với diều, thường thì mỗi cây diều có một bộ sáo gồm 3 cây hoặc 5 cây.
Sáo to hay nhỏ phụ thuộc vào kích thước của diều. Sáo lớn tiếng kêu trầm vang, sáo nhỏ thanh âm vi vu. Thường thì công đoạn làm sáo do những nghệ nhân cao tuổi nhất trong CLB đảm nhận. Sau khi hoàn thành xong, diều được mang ra thả thử để các cụ cao niên trong CLB duyệt, nếu chưa đạt hoặc gặp lỗi ở điểm nào thì phải làm lại từ đầu.
Với người dân nơi đây, diều sáo không chỉ là thú chơi, mà nó còn là một nét văn hóa truyền thống được lưu giữ từ xưa. Đây còn là một hoạt động tạo ra sự giao lưu học hỏi giữa những người dân trong vùng.
Những nghệ nhân điều khiển “cánh chim trời”
Ông Nguyễn Văn Nhan, Chủ tịch hội người cao tuổi xã Nhân Chính chia sẻ: “CLB diều sáo thôn Hạ Vỹ nhận được rất nhiều sự quan tâm của các ban ngành địa phương. Hàng năm, mỗi khi trong tỉnh tổ chức các sự kiện văn hóa đều có sự tham gia của CLB diều sáo”.
Để thả một con diều cần phải có sự góp sức của ít nhất ba người, một người giữ cuộn dây, một người thả dây, một người to khỏe nhất cầm diều chạy xa và thả để cho diều có đà bay lên. Mặc dù mới thành lập hơn một năm, nhưng CLB diều sáo hoạt động rất hiệu quả.
Từ những cụ già cho đến những thanh niên và cả những đứa trẻ cũng rất đam mê và tạo nên một thú chơi dân giã mang đầy bản sắc dân tộc. Diều sáo luôn là niềm tự hào của người dân nơi đây.
Có những gia đình có đến ba thế hệ chơi diều sáo, với ý thức nhằm lưu giữ một nét đẹp văn hóa nên nhiều thế hệ những người đi trước đã truyền cho thế hệ trẻ niềm đam mê chơi diều sáo. Chơi diều sáo còn giúp cho những bạn trẻ tránh xa những được những tệ nạn xã hội.
Cứ mỗi khi chiều đến, những cánh diều với nhiều màu sắc lại bay lượn trên bầu trời cùng với đó là tiếng sáo du dương. Chơi diều sáo đã trở thành nét đẹp truyền thống của người dân nơi đây, những cánh diều sáo thật đơn sơ, mộc mạc nhưng nó như thể hiện tâm hồn lạc quan của người dân Hạ Vỹ.
Cao Tuân - Duy Tuyên