Những giọt nước mắt trên chuyến xe 0 đồng từ TPHCM về Đắk Lắk
(Dân trí) - Bị kẹt lại tại TPHCM vì nhiều lý do, những người lao động nghèo, phụ nữ mang thai, người già yếu… được tỉnh Đắk Lắk đón về quê hương cùng chia sẻ xúc động trên chuyến hồi hương đặc biệt.
Vỡ òa nhận tin được đón về quê
Ngày 10/8, hàng trăm người dân Đắk Lắk đang kẹt tại TPHCM đã được hỗ trợ đưa đến Bến xe Miền Đông. Sau khi được trang bị đồ bảo hộ, làm test nhanh SARS-CoV-2 có kết quả âm tính, 345 người đã rời TPHCM về quê trên chiếc xe khách tỉnh nhà cử tới.
Xúc động khi được tỉnh nhà bố trí phương tiện đón về quê, chị Lương Thị Thúy (37 tuổi, ngụ xã Xuân Phú, huyện Ea Kar) công nhân một công ty sản xuất gỗ tại TPHCM, vui đến trào nước mắt.
Hơn 3 tháng trước, do gia đình khó khăn, thuộc diện cận nghèo của xã, đang phải nuôi 2 con ăn học, chị Thúy chấp nhận một mình xuống TPHCM làm công nhân với mong muốn kiếm đủ tiền gửi về quê nuôi con.
Làm việc được gần 2 tháng thì dịch Covid-19 ập đến bất ngờ, chị Thúy không kịp trở tay. Công việc buộc phải tạm ngưng, chị lủi thủi trong căn phòng trọ hơn một tháng, cho đến khi tiền bạc cũng cạn kiệt.
Nhớ chồng, nhớ con nhưng chị Thúy bế tắc, không biết cách nào để về được quê nhà khi các phương tiện giao thông công cộng dừng hoạt động từ ngày Sài Gòn giãn cách xã hội.
"Những ngày tháng ấy thật cơ cực. Bản thân tôi dường như bị trầm cảm vì lo lắng, vì tù túng, vì nhớ nhà. Tiền bạc túng thiếu, may mắn tôi vẫn nhận được sự hỗ trợ về lương thực, thực phẩm từ các tổ chức thiện nguyện. Biết tin tỉnh Đắk Lắk sẽ tổ chức đón công dân về địa phương, tôi lập tức đăng ký và vui mừng vì được có mặt trên chuyến xe hôm nay. Thực sự tôi quá đỗi xúc động, không nói nên lời", chị Thúy nghẹn ngào.
Chị H'Trang Niê (20 tuổi, ngụ thị trấn Ea Pốk, huyện Cư M'gar) và chồng đã nghỉ việc không lương hơn một tháng qua vì dịch. Đang mang thai tháng thứ 6, chị Trang không dám di chuyển cả trăm cây số bằng xe máy từ TPHCM về Đắk Lắk nên bị kẹt lại.
"Nay được tỉnh đón về quê tôi vừa mừng vừa lo, mừng khi bản thân sắp được về Đắk Lắk chuẩn bị cho việc sinh nở, lo khi chồng còn đang ở lại TPHCM chờ đợt đón công dân tiếp theo của tỉnh. Về tới quê tôi sẽ chấp hành nghiêm việc cách ly y tế tập trung theo quy định để sớm được về nhà", chị H'Trang cam kết.
Có mặt trên chuyến xe, cô giáo Nguyễn Thị Mai (54 tuổi, ngụ TP Buôn Ma Thuột) chia sẻ, tháng 6 vừa qua, chị đi TPHCM để khám, chữa bệnh và mắc kẹt, không thể về lại quê vì dịch diễn biến phức tạp. Lo lắng cho gia đình ở nhà, lo các công tác ở trường đang dở dang… chị rất sốt ruột, mong ngóng từng ngày được về quê.
"Hôm nay là một ngày đặc biệt, khó quên đối với tôi, khi được hỗ trợ, đưa đón về quê. Tôi cùng bà con hân hoan, vui mừng lắm. Đây là việc làm hết sức nhân văn, ý nghĩa của tỉnh đối với người dân phải xa quê như chúng tôi", cô Mai xúc động.
Sẽ tiếp tục đón công dân về quê
Theo một lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH Đắk Lắk, trong đợt 1, các đối tượng như: người già, trẻ em, phụ nữ mang thai, phụ nữ đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi, người đi khám, chữa bệnh, lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, lao động là thân nhân của người có công với cách mạng… được ưu tiên đón về quê trước.
Các công dân sau khi được đón về sẽ được làm test nhanh và được các huyện bố trí đón về khu cách ly tập trung theo quy định.
"Đắk Lắk xác định, nguyện vọng về lại quê hương của người dân khi bị kẹt ở nơi đất khách rất chính đáng. Tuy nhiên, việc đưa về phải vừa đáp ứng nguyện vọng người dân vừa đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch của địa phương cũng như tỉnh bạn. Do đó, kế hoạch phối hợp hỗ trợ đưa công dân về phải hết sức chặt chẽ, chu đáo", vị lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH thông tin.
Dự kiến, từ 15/8-25/8, tỉnh Đắk Lắk sẽ tiếp tục tổ chức những chuyến xe đón công dân tại Bình Dương, Đồng Nai và Tây Ninh về quê.