1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Những điều chưa biết về thiên thạch

(Dân trí) - Cùng với Philippine, Indonesia, Australia, Việt Nam là một trong những nước có nhiều thiên thạch nhất thế giới. Thiên thạch có khi bị coi thường, vứt lăn lóc lẫn các loại đá sỏi khác; cũng có lúc được rao bán với giá bạc tỉ....

Những điều chưa biết về thiên thạch - 1

Một số hình dạng thiên thạch.

 
Trong vài năm gần đây, phong trào chơi đá cảnh, đá phong thủy, đá quý rộ lên mạnh mẽ ở nhiều tỉnh thành trên cả nước và thiên thạch (tektite) là một trong số các loại đá được giới chơi đá quý tích cực săn lùng, kèm theo đó là nhiều vụ lừa đảo tiền tỷ được công an phát hiện có liên quan đến loại thiên thạch này.

 

Cái tên tektite xuất phát từ tiếng Hi Lạp cổ “tektos” nghĩa là nóng chảy, ngụ ý nói về vai trò của nhiệt lượng từ thiên thạch trong nguồn gốc phát sinh tektite. Tại Việt Nam có nhiều cách gọi loại đá này như: thiên thạch, tektite, cứt sao, ngọc thiên thạch…

 

Nguồn gốc của thiên thạch được Darwin nghiên cứu lần đầu tiên vào năm 1844, nhưng cho đến nay nó vẫn còn là một bí ẩn. Trong một lần vào thăm gia đình cố Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Mai Chí Thọ, tôi được người con trai thứ của ông, một người vô cùng say mê sưu tầm đá và chế tác các loại đá, tặng cho hai cuốn sách về đá của Jasper Stone: “Tất cả về khoáng vật chữa bệnh mầu nhiệm” và cuốn “Tất cả về Đá quý”. Tôi mang hai cuốn sách quý ra Hà Nội, photo tặng lại cho bạn bè chơi đá.

 

Theo 2 cuốn này thì thiên thạch được hình thành do sự va đập của mảnh vỡ các tiểu hành tinh lên bề mặt trái đất. Sự va đập này tạo nên một vụ nổ lớn, những mảnh vỡ của tiểu hành tinh và những mảnh vật chất của trái đất bị nóng chảy, bị bắn lên không trung, lại bị nóng chảy một lần nữa do ma sát với tầng khí quyển khi rơi xuống, xoay tròn trong không khí tạo nên vô vàn hình thù đặc biệt.

 

Còn theo Tiến sỹ Trịnh Sơn, một chuyên gia của Bộ Tài Nguyên và Môi Trường, người có nhiều công trình nghiên cứu về thiên thạch và đã bảo vệ luận văn tiến sỹ về đề tài này tại nước ngoài thì thiên thạch thường có nguồn gốc từ trái đất hơn là từ các mảnh vỡ của các tiểu hành tinh.

 

Theo cuốn Meteors and Meteorites của David C. Knight (Mỹ) thì có nhiều loại thiên thạch, có thể là mảnh vụn của sao băng khi rơi qua tầng khí quyển vào trái đất hoặc hình thành do sự va chạm của thiên thạch lên trái đất, hấp thu năng lượng từ vụ va chạm này tạo nên thiên thạch. 

 

Cũng có nhiều tác giả lại cho rằng nó chỉ là tro của núi lửa bắn lên, đông cứng lại mà thành. Tuy nhiên giả thuyết này ít thuyết phục hơn bởi nếu hình thành qua con đường này thì thiên thạch không thể bị đến hai lần “thủy tinh hóa” được.
 
Những điều chưa biết về thiên thạch - 2

Thiên thạch hình đầu người.

 

Qua nghiên cứu địa tầng và phân tích đồng vị phóng xạ thì thiên thạch có tuổi khoảng 10 triệu năm và thành phần chủ yếu là silic dioxit (68 - 82%); kích thước trung bình hiếm khi vượt quá 5cm, nặng chừng 500g. Loại thiên thạch phân lớp có thể có trọng lượng lớn hơn.

 

Nhiều năm trước đây, Liên doanh Đá quý Việt Nhật (Thanh Xuân - Hà Nội) đã cho nhân viên đi khắp các vùng miền đất nước mua gom một lượng thiên thạch khổng lồ về để chế tác và xuất khẩu. Việc này khiến cho số lượng thiên thạch tại Việt Nam trở nên khan hiếm. Ngày nay chủ yếu chỉ còn xuất hiện thiên thạch loại nhỏ, được chế tác thành đồ trang sức hoặc để thô bán cho người sưu tầm.

 

Theo một “đại gia” trong giới đá quý, người đã dám bỏ ra hàng trăm triệu đồng để mua toàn bộ số thiên thạch còn sót lại của Liên doanh Đá quý Việt Nhật (khoảng 3 tấn), thì số viên thiên thạch có trọng lượng xấp xỉ 400g hầu như không còn.

 
Những điều chưa biết về thiên thạch - 3
Những viên sỏi thông thường có bề ngoài giống thiên thạch.
 

Nhiều người trong giới sưu tầm đá quý, kể cả những tay trùm buôn bán đá quý trong và ngoài nước, đôi khi cũng mua nhầm phải những loại đá có hình dạng bề ngoài gần giống với thiên thạch. Những loại đó có thể là thủy tinh núi lửa (obsiđian), bom núi lửa, tro của hỏa thạch và một loại sỏi màu đen có nhiều ở vùng Yên Bái và Lâm Đồng.

 

Về bề ngoài thiên thạch thường có màu đen gần giống với thủy tinh núi lửa nhưng khi đập vỡ thì thiên thạch có tính chất trong của đá quý và có thêm sắc màu nâu sáng ở viền. Trên bề mặt thiên thạch có những nốt lỗ chỗ li ti do vết tích của bọt khí vỡ và có những đường lằn xoắn ốc chứng tỏ bị làm nguội, đông đặc khi rơi trong khí quyển.

 

Gần đây trên thị trường xuất hiện nhiều viên thiên thạch có trọng lượng lên đến vài chục kg không rõ xuất xứ được bán với giá “trên trời”. Người mua cần thận trọng với những loại này, có thể nó được làm giả với mục đích lừa đảo. Do thiên thạch bị nóng chảy 2 lần trong vụ va chạm giữa thiên thạch và trái đất nên nó không dễ gì bị đốt cháy. Hãy lấy một mảnh thiên thạch nhỏ đốt dưới ngọn lửa bếp ga, nếu nó cháy và có mùi khét nghĩa là thiên thạch giả.

 
Những điều chưa biết về thiên thạch - 4

Thiên thạch hình đầu chó.
 

Về giá cả trên thị trường: Không có một tỷ giá thiên thạch nhất định như tỷ giá vàng hay tỷ giá đô la. Cũng giống như các loại đá quý khác, giá trị của thiên thạch phụ thuộc vào kích thước, trọng lượng, hình dạng đặc biệt và mức độ say mê của người mua.

 

Một ví dụ đơn giản, rubi (hồng ngọc, đá đỏ…) là một loại đá quý có nhiều ở Việt Nam. Có những khối rubi được coi là quốc bảo của Việt Nam như: ngôi sao Việt nam 1, ngôi sao Việt nam 2. Cũng có những viên hồng ngọc khi đem chế tác thành đồ trang sức có giá trị ngang với một chiếc ôtô đắt tiền và cũng có những viên rubi được giới chơi đá chơi ngông đem rải đầy vào bể cá cảnh cho đẹp hoặc trải trong vườn thay… sỏi để mỗi sáng đi bộ giúp cho việc massage chân, tăng cường sức khỏe. Thiên thạch cũng vậy. Có những loại có giá chưa đến một trăm nghìn một cân, cũng có loại mà người sưu tập sẵn sàng bỏ ra vài nghìn USD chỉ để sở hữu một viên vẻn vẹn vài ba lạng.

 

Giống như đồ cổ, giá trị về tinh thần của thiên thạch nhiều khi gấp hàng trăm lần giá trị về vật chất. Tuy nhiên, đừng vì quá đam mê mà để bị lừa hàng tỷ đồng như nhiều vụ báo chí đã nêu gần đây. Thiên thạch là loại đá mang năng lượng ở mức độ thấp, thường là lợi nhiều hại ít. Nếu giả sử có loại thiên thạch khác có năng lượng mạnh làm gương vỡ... thì cũng không nên mang về nhà vì năng lượng phóng xạ của nó có thể gây ra những tác hại đến sức khỏe như biến loạn nhiễm sắc thể, ung thư…, gây hại cho chính bạn và gia đình bạn.
 
Những điều chưa biết về thiên thạch - 5

Một sản phẩm từ núi lửa.

 

Tùy thuộc vào tuổi, cung mạng, mục đích, thiên thạch hay được các y trạch gia sử dụng trong việc chấn trạch, cầu bình an, tài lộc cho gia chủ. Những giá trị thực sự của loại thiên thạch này cho đến nay còn nhiều tranh cãi và dù đúng hay sai thì nó cũng là một loại khoáng vật cần được quan tâm và lưu giữ trong các bộ sưu tập đá quý.

 

Cũng theo cuốn“Tất cả về khoáng vật chữa bệnh màu nhiệm” của Jasper Stone, các thầy lang địa phương Thái Lan thường dùng thiên thạch để chữa bệnh. Họ cho rằng những viên đá của trời giúp loại trừ mọi hậu quả những tổn thương về tình cảm. Chúng tăng cường năng lượng học và các quá trình trao đổi chất trong cơ thể người.

 

Giá trị màu nhiệm đặc biệt của thiên thạch chính là nguồn gốc ngoài trái đất hay chí ít là nguồn gốc hấp thu năng lượng ngoài trái đất của nó. Thổ dân châu Úc gọi nó là hộ phù của trời, giúp tạo lập mối liên hệ với quá khứ, có ích lợi cho cuộc hành trình bằng ý nghĩ theo thời gian vào vũ trụ.

 

Ths-BS Trần Hoàng Tùng

Hội Đá quý Hà Nội