Những dịch vụ nào ở TPHCM đang bị ngừng hoạt động vì Covid-19?

Vân Sơn

(Dân trí) - Quyết tâm "chống dịch như chống giặc", TPHCM đang siết chặt tầm soát, tạm ngừng hoạt động nhiều dịch vụ. Các dịch vụ được phép hoạt động phải đảm bảo an toàn trong phòng chống dịch.

Những dịch vụ nào ở TPHCM đang bị ngừng hoạt động vì Covid-19? - 1

Thành phố đang siết chặt các phương án chống dịch sau Tết Nguyên đán để ngăn chặn nguy cơ Covid-19 xâm nhập (ảnh: Phạm Nguyễn)

Ngày 18/2, UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã thông tin chi tiết các hoạt động phòng chống dịch Covid-19 và chăm lo Tết cho người dân trên địa bàn. Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, thành phố yêu cầu tất cả các đơn vị liên quan tiếp tục thực hiện phương châm "chống dịch như chống giặc". Thành phố là nơi có nguy cơ lây lan cao đối với nguồn xâm nhập từ bên ngoài vào, cả hệ thống chính trị và cộng đồng tuyệt đối không được lơ là, chủ quan nhất là trong thời điểm virus gây bệnh biến chủng mới có khả năng lây lan nhanh.

Với sự hỗ trợ từ Tổ thường trực đặt biệt chống dịch Covid-19 của Bộ Y tế do Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn làm tổ trưởng, đến nay thành phố đã kiểm soát được ổ dịch trong sân bay Tân Sơn Nhất và ngăn chặn nguy cơ dịch lây lan trong cộng đồng. Từ ngày 4/2 đến nay thành phố đã khẩn trương điều tra, truy vết theo mốc tiếp xúc của các ca bệnh đối với 1.570 trường hợp F1 và 1.376 F2. Sau khi cách ly, lấy mẫu xét nghiệm, tất cả các trường hợp trên đều âm tính với SARS-CoV-2. Bên cạnh đó gần 10.000 mẫu rà soát trong cộng đồng ở những điểm có yếu tố dịch tễ liên quan đến ca bệnh cũng cho kết quả xét nghiệm âm tính.

Những dịch vụ nào ở TPHCM đang bị ngừng hoạt động vì Covid-19? - 2

Các hoạt động của những đơn vị bị tạm ngừng hoặc được cung cấp dịch vụ sẽ phải tuân thủ nghiêm quy định phòng chống dịch (ảnh: Phạm Nguyễn)

Sau Tết Nguyên đán, người dân từ các tỉnh thành sẽ trở lại TPHCM làm việc, học tập do đó nguy cơ dịch bệnh xâm nhập vẫn ở mức rất cao. Thành phố yêu cầu tất cả các quận huyện và Thành phố Thủ Đức tiếp tục duy trì toàn bộ hệ thống dự phòng, điều trị của ngành y tế ở mức cao nhất; yêu cầu người dân hạn chế tối đa đi lại trong trường hợp không cần thiết, mang khẩu trang khi ra khỏi nhà.

Trong đợt cao điểm phòng chống dịch vừa qua, thành phố đã thực hiện phong tỏa, áp dụng biện pháp giãn cách xã hội đối với 35 địa điểm có ca bệnh. Đến ngày 18/2 còn 10 khu vực tiếp tục phải giãn cách xã hội, căn cứ trên tình hình thực tế nguy cơ lây nhiễm của từng địa điểm, thành phố sẽ có phương án chi tiết cho việc nới lỏng hay siết chặt đối với các điểm nguy cơ này.

Những dịch vụ nào ở TPHCM đang bị ngừng hoạt động vì Covid-19? - 3

Nhà hàng bị ngừng hoạt động, cơ sở cung cấp dịch vụ ăn uống không được phục vụ cùng lúc trên 30 người (ảnh: Phạm Nguyễn)

Bên cạnh việc kéo dài thời gian nghỉ sau Tết của học sinh, sinh viên, học viên các cơ sở giáo dục và giáo dục nghề nghiệp đến hết tháng 2, thành phố cũng đã chủ động giảm quy mô các hoạt động lễ hội, sự kiện đã được phê duyệt. Để đảm bảo tuyệt đối an toàn trong phòng chống dịch, nhiều hoạt động không thiết yếu đang bị tạm ngừng hoạt động.

Sau Tết Nguyên đán, những dịch vụ đang bị tạm ngừng hoạt động gồm: dịch vụ văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí, cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ, vật lý trị liệu,  massage, xông hơi, các tụ điểm vui chơi, giải trí, sân khấu ca nhạc - kịch, rạp chiếu phim, nhà hàng, trung tâm tiệc cưới, vũ trường, quán bar, karaoke, pub, beer club, hát với nhau, các điểm kinh doanh trò chơi điện tử, cơ sở kinh doanh thể thao.

Những dịch vụ nào ở TPHCM đang bị ngừng hoạt động vì Covid-19? - 4

Thành phố sẽ xử lý nghiêm đối với những trường hợp vi phạm các quy định phòng chống dịch (ảnh: Phạm Nguyễn)

Những hoạt động bị ngừng triệt để gồm: các nghi lễ tôn giáo, hoạt động có tập trung từ 20 người trở lên tại các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự.

Những dịch vụ hoạt động bình thường nhưng phải đảm bảo an toàn trong phòng chống dịch gồm: cửa hàng cung cấp lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm, xăng dầu, dược phẩm, các cơ sở chữa bệnh.

Đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thành phố đề nghị tăng cường các biện pháp giao hàng tại nhà, không phục vụ quá 30 người trở lên cùng một lúc, bố trí chỗ ngồi thông thoáng, bảo đảm khoảng cách giữa 2 người là từ 1m trở lên, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, các biện pháp phòng chống dịch, khuyến khích lập vách ngăn trên bàn ăn giữa các khách hàng.