1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Những chuyện nhặt được trên sàn khiêu vũ

Anh P. là nhà khoa học. Đối tượng nghiên cứu của anh là những vì sao cách chỗ anh đứng 20 vạn năm ánh sáng. Ngược lại, vợ anh thì chỉ cần biết đến Sàn khiêu vũ cổ điển Tao Đàn cách nhà gần 20 phút đi bộ. Khác nhau là thế, song họ vẫn giữ được cuộc hôn nhân nguyên vẹn nhờ học được cách làm ngơ.

Chị không xấu hổ vì anh cục mịch như bức tường đất, cả đời không biết một bước tango. Anh thì dửng dưng khi cuộc đời chị gói gọn trong vòng luẩn quẩn của váy áo và vũ hội. Ngày mai chị đi thi nhảy, nên chị lôi hết váy áo ra đứng trước gương . Thấy anh lẩm bẩm: “Chẳng biết có được cái gì?”, chị đáp tỉnh queo: “Dù không được đôi chân vàng, thì em cũng được cái sức khỏe vàng!”.

Nhảy mang lại sức khỏe vàng

Nhảy mang lại sức khỏe vàng

Xã hội hiện đại còn đầy những người suy nghĩ như là anh P. Chẳng hạn ông T., giám đốc một doanh nghiệp lớn Hải Phòng. Trong con mắt nhìn sắc lạnh như dao cắt kính của ông, khiêu vũ là thứ sản phẩm văn hóa độc hại chỉ để phục vụ cho bọn rửng mỡ, lắm tiền. Nhân viên của ông đứa nào dính vào nhảy nhót thì tài có như Bill Gates ông cũng chỉ cho lau kính cửa sổ! Có tài mà không có đức (!) cũng chẳng làm gì. Đến khi nghỉ hưu, mắt đã phai màu, ông vẫn bền bỉ nuôi dưỡng cái niềm tin ngây thơ đó. Không may, ở nhà ông chẳng có sự yên tĩnh với một bà vợ có hàng đống chuyện bép xép. Nỗi buồn xua chân ông đi khắp nơi. Thế rồi một hôm, trời mây trắng như vườn táo nở hoa, bạn lôi ông vào sàn nhảy Tao Đàn. Chỗ ấy đông người, vậy mà ông thấy lạc lõng. Trong khi mọi người tưng bừng nhảy múa, còn ông thì ngồi trơ khấc với một chai bia trên tay. Ông ngạc nhiên khi thấy mình chưa muốn bỏ đi. Bỗng một cô gái ăn mặc diêm dúa như con gà tây xòe đuôi tiến lại gần ông. Cô mỉm cười mời ông nhảy. Nụ cười nhe cả hàm răng, khiến cho ấn tượng ban đầu của ông là cô phải đi làm lại bộ răng của mình. Thế nhưng ông vẫn đứng lên ngoan ngoãn theo cô. Thật ngạc nhiên, khi từ lâu ông cứ tưởng mình có tư chất kẻ lãnh đạo! Cô đặt tay lên vai ông – một sự kích thích nhẹ nhàng, nhưng không nguy hiểm! Nào ngờ nhảy lại khó thế. Ông thấy người mình cứng đờ như cây cột điện trong một buổi sáng sương mù giá lạnh và chỉ biết vặn vẹo người giống một chú cún giũ bộ lông ướt. Tuy nhiên, sàn nhảy là nơi ông cảm nhận được tình yêu với âm nhạc và vũ đạo.. Tiếng nhạc tango dặt dìu khiến con mèo già của cô chủ sàn cũng phải kêu lên gừ gừ khoái trá. Lần đầu tiên ông hiểu được câu nói: “Không gì đẹp bằng thuyền biển căng buồm, ngựa phi nước đại, đàn bà khiêu vũ”. Thế rồi từ đó, ông chẳng cần biết trời nhiều mây trắng hay là mây đen , Tao Đàn có nhạc là ông vào nhảy. Bây giờ thì ông bình tĩnh, tự tin trên sàn như thổ dân trong rừng rậm. Thật là kỳ lạ, nhảy đã nhóm lên ngọn lửa sưởi ấm những đốt xương già ở ông. Chứng đau mình mẩy lúc trời trở gió tự nhiên mất hút. Khi màn đêm xuống, mắt ông như có một làn sương mỏng bao phủ và trong giấc ngủ dễ dàng ông mơ thấy mình đang cùng bạn nhảy đi bản valse – bà hoàng của các điệu nhảy . Năm nay ông đã lên cụ. Ở tuổi 82, cụ T. thích cùng một cô gái trẻ nhảy pasodoble – điệu nhảy của người đấu bò! Lưng vẫn thẳng như gác chuông nhà thờ, cụ tuyên bố rất xanh rờn: “Hơn mười năm rồi tôi không uống một viên thuốc! Chỉ những người nào chưa bước chân vào sàn nhảy thì mới nghĩ xấu về nhảy!”. Công bằng mà nói, cụ không phải người duy nhất đã được “lột xác” trên sàn.

Một ngày nào đó, có chàng trai đến rót vào tai cô Th. :”Anh sẽ là nơi neo đậu của em!” ,thế là cô đi lấy chồng. Rồi cũng từ đấy, chồng cô coi cô như một đóa hoa không cần tưới nước, Anh tát cạn cuộc đời cô, biến tâm hồn cô thành một mảnh đất khô cằn. Thời gian trôi qua như tiếng thở dài…Thế rồi, cô bỗng phải lòng khiêu vũ, như nhiễm phải thứ virus. Từ đó, muốn nhìn thấy vợ, thì anh chồng cô phải ra sàn nhảy, hơn là hy vọng gặp cô ở nhà. Anh đã ngỡ ngàng khi không nhận ra,thay vì, một người đàn bà suốt ngày ủ rũ giống mảnh giẻ ướt vắt trên dây phơi ,lại là cô gái bước chân linh hoạt, mắt sáng long lanh. Cô đã vứt bỏ những thứ đồ ngủ xộc xệch ở nhà để mặc các bộ váy bay bồng bềnh khi cô quay tròn. Lúc nào cô cũng thơm tho như bông hồng bạch. Bây giờ cô chỉ cần nhấc ngón tay là có ngay 3 chàng trai chạy thật nhanh đến để mời cô nhảy. Ở sàn cô được đối xử như một quý cô, chứ không phải như cái bà nội trợ nhàu nhĩ, bừa bộn giống một chiếc giường chưa dọn ở nhà. Cô nói cha mẹ đã sinh ra cô và khiêu vũ đã cho cô cuộc sống.

Nhảy đam mê như…ma túy!

Tất nhiên không phải ai đi khiêu vũ cũng đều ở trong hoàn cảnh cực đoan như của cụ T. hay cô Th. Hầu hết họ đến với nhảy chỉ đơn giản vì… thích nhảy! Trong thời đại dân chủ hóa ngày nay, khiêu vũ cổ điển cũng giống như nhạc cổ điển, không để giành riêng cho một tầng lớp mũ cao áo dài chọn lọc. Ai cũng có thể bước ra sàn nhảy, miễn là có tiền mua vé vào cửa! Họ là giáo viên, bác sỹ, nhà thơ, nhà báo, chị hàng cá, anh xe ôm… Cũng có những gã thuộc giới giang hồ, cuộc sống thường bị chi phối chỉ bởi bạo lực và nỗi sợ hãi. Thật lạ, họ rất lịch sự! Nghĩ cũng phải thôi, đến với khiêu vũ người ta hướng tới cái đẹp. Trên sàn Tao Đàn có một cô gái vừa lùn, răng lúc nào cũng như cười, thế nhưng được nhiều chàng trai vây quanh vì cô nhảy đẹp hơn những cô gái chân dài, mắt to. Một ông giám đốc bụng to, miệng hét ra lửa, song lại bị các quý bà từ chối để nhảy với anh bảo vệ, bởi vì anh này nhảy giỏi. “Chọn người đàn bà (đàn ông) nhảy đẹp, chứ không chọn người đàn bà (đàn ông) đẹp nhảy” là nguyên tắc vàng của những người đi khiêu vũ thực thụ. Tất nhiên, để có cái đẹp họ phải trả giá. Có người trở thành “ điên, hấp” trong mắt thế nhân chỉ bởi vì lòng đam mê đến cháy bỏng với khiêu vũ – một môn nghệ thuật cám dỗ không thua ma túy.

Khâm là chủ một quán internet mở đến nửa đêm. Trong lúc đợi khách, anh ra ngoài đường, một mình nhảy dance sports. Anh nhảy say sưa và cảm thấy cả mặt trăng đang rọi xuống mình bằng thứ ánh sáng xanh nhạt cũng lắc lư trên bầu trời. Người qua đường bảo anh“hấp”. Cũng thế, anh Đông lái xe chở rác, trong lúc chờ đợi công nhân môi trường chất rác lên xe, anh đứng cạnh đống rác đang bốc mùi phân hủy giữa một ngày đông rét mướt, tập nhảy salsa, điệu nhảy của miền nhiệt đới có bờ biển ấm và những cô gái thơm mùi dầu dừa, cho chân đỡ ngứa. Trẻ con ném đá vào anh, bỏ chạy và hét: “Thằng điên!” Ôi, nếu họ nhìn thấy anh Đông, anh Khâm đang bay lượn trên sàn nhảy thì hẳn sẽ thấy hối tiếc, muốn rút lưỡi lại. Trong mọi loại hình nghệ thuật, thành công chỉ đến với những người có chất điên như thế! Tạ Hữu Mạnh , Vũ Minh Hằng là một cặp đôi khiêu vũ thể thao (dance sports) nổi tiếng làng nhảy Việt Nam. Từ năm 2007, họ dám điên lên ,vay nam mượn bắc 6.000 đô Mỹ để thuê một vũ công Nga dạy riêng cho mình .Vũ công Nga này cầm một cây gậy thường đập vào vai, vào cằm, vào chân, vào tay, để uốn nắn các tư thế. Nhờ công khổ luyện như vậy, cho đến bây giờ chưa có đôi nhảy nào ở Hải Phòng đạt đến tinh hoa của nghệ thuật dance sports ( Ho nhaỷ như những vũ công,trong các bước nhảy người ta nghe thấy âm nhạc, chứ không phải các võ công,nặng về thể thao hơn là khiêu vũ)và gặt hái nhiều thành quả ở các cuộc thi khiêu vũ quốc gia như cặp Mạnh – Hằng. Sau này vì một chấn thương ở chân biến chứng mà Tạ Hữu Mạnh, một vũ công được đồng nghiệp đánh giá có tâm, có tài, đã tử vì nghiệp ở tuổi 37!

Tấm huy chương nào cũng có 2 mặt

Trong lúc cụ T., cô H. và hàng ngàn người Hải Phòng ngày ngày đi khiêu vũ để tìm sức khỏe vàng, niềm vui cuộc sống thì có những người, ít thôi, họ ra sàn nhảy để tìm thứ khác, không có trong bản chất của môn nghệ thuật cao quý này.

X. thuộc loại người có vẻ hào nhoáng vay mượn với một nụ cười dễ dãi lúc nào cũng lủng lẳng ở bên mép. Anh không có một móng tay chất điên như của anh Đông, anh Khâm, nên chưa bao giờ X được xếp hạng trong làng khiêu vũ. Không sao! Nhảy không phải là ưu tiên hàng đầu của X., do anh có mối quan tâm đặc biệt đến những chỗ xẻ sâu trong trang phục phụ nữ. X. luôn cho rằng: “Đàn bà là đồ trang sức của người đàn ông” và anh chính là một câu trả lời hoàn hảo cho lời cầu nguyện của họ. Ra sàn, X. thường ngồi khuất ở góc. Khi nhắm được một đối tượng, X. vừa nhảy vừa thì thầm: “Em là bến đỗ đời anh!”, như con mèo già biết kêu meo meo với vẻ chân thực đáng ngờ, vào tai cô gái đã bị đờ đẫn vì các bước nhảy có sức lôi cuốn hoang dã của anh. Có thế thôi mà X. rất thành công. Ngoài sàn, anh được mệnh danh “đao phủ” chuyên chặt trái tim phụ nữ.

Y. cũng thay đàn bà như lính canh thay gác. Nhưng anh cho rằng người đẹp có ngày hết đát, còn tiền thì không bao giờ lỗi mốt, cho nên Y. nổi tiếng là một nhà vô địch trong việc an ủi những người phụ nữ cô đơn rồi tiện thể lấy luôn tiền của họ. Khi nhìn vào một cô gái, anh chẳng đặc biệt quan tâm đến các số đo 3 vòng của cô, đôi mắt của anh hiện lên con số: Cô trị giá bao nhiêu tiền? Bởi không thể nào lại bất lịch sự với một người có giá trị tiền tỷ xách túi Vuitton, mặc đồ Prada, ngồi xe Lexus đi nhảy! Trên sàn có người đàn bà đi không đã thấy nặng nề, ít ai muốn mời bà nhảy. Nhưng Y. không nghĩ nặng nề là một nhược điểm khi nguyên nhân là bà phải gánh theo trọng lượng của đồ trang sức bà mang trên người. Anh mời bà nhảy. Chỉ sau một điệu rhumba, Y. đã biết bà đang được thừa hưởng một đống gia tài kếch xù. Và khi đến điệu valse chậm, thì anh tỏ tường bà không có việc gì khác ngoài điều chỉ dùng thời gian để tiêu xài nó. Với chân nhảy giỏi như Y., thì không có chuyện anh lại vụng về dẫm lên trái tim phụ nữ. Dẫu rằng bà đã cảnh giác như mọi bà góa lắm tiền, thì bà cũng đã bị anh chinh phục trong một buổi tối khi điệu slow mùi mẫn nổi lên. Thế là từ đấy, Y. lại bắt đầu lên đời từ áo quần đến xe cộ bằng tài khoản của bạn nhảy.

Vĩ thanh


Vũ sư số 1 Hải Phòng Vũ Minh Hằng.
Vũ sư số 1 Hải Phòng Vũ Minh Hằng.

Buổi sáng Chủ Nhật, suốt dải vườn hoa trung tâm thành phố Hải Phòng luôn có hàng trăm con người say sưa khiêu vũ ngoài trời. Tôi găp chồng cô Th. Anh nói đã bỏ rượu chè để đi tập nhảy. Anh không muốn bị cô đơn và phải khóc thương cho chính bản thân như cô vợ mình ngày xưa. Tôi ngạc nhiên thấy cụ T. đang ngồi rảnh rỗi trước ly cà phê vỉa hè, giờ này mọi khi cụ đã đi nhảy: “Tao Đàn mất điện!” cụ nói.- “Sao cụ không sang chỗ khác?”.- “Không được! Tao Đàn có thằng Cường biết làm nhạc, chỉ nó mới biết nhạc là linh hồn của nhảy. Nhạc ở chỗ khác tôi không nhấc chân lên được!” Bây giờ, cụ vẫn khó tính, cái khó tính của người yêu khiêu vũ, chứ không phải cái khó tính của một người ghét khiêu vũ ngày xưa. Xin đừng bực nữa cụ ơi, Tao Đàn sẽ lại có điện. Cường “nhạc” sẽ lại mở bản valse của Shostakovichcho cụ nhảy. Cuộc đời lại thật là đẹp!

Hà Linh Quân