1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

"Những chiến sĩ trở về từ trận chiến Gạc Ma với đầy thương tích"

Trung Thi

(Dân trí) - "Những chiến sĩ trở về từ trận chiến Gạc Ma với đầy thương tích. Đơn vị tôi quyết tâm cứu chữa, giữ lại những nhân chứng sống trong cuộc chiến bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc" - bác sĩ Tào nói.

Cứu thương binh ở Gạc Ma

Cách đây 35 năm (14/3/1988 - 14/3/2023), 64 chiến sĩ đã ngã xuống trong trận chiến Gạc Ma để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Những chiến sĩ trở về từ trận chiến Gạc Ma với đầy thương tích - 1

Tượng đài Chiến sĩ Gạc Ma ở Cam Lâm (Khánh Hòa) lấy cảm hứng từ hình ảnh 64 chiến sĩ nắm tay nhau quyết tâm bảo vệ lá cờ Tổ quốc, khẳng định chủ quyền Việt Nam tại đảo Gạc Ma (Ảnh: Trung Thi).

Ngoài những người đã hy sinh, trong trận chiến này có nhiều thương binh được đội ngũ y, bác sĩ cứu chữa giữ lại được mạng sống. Sau này, họ là những nhân chứng sống trong cuộc chiến bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc ở Gạc Ma.

Ông Từ Công Tào - Đội phó Đội điều trị 486 Hải Quân là một trong những bác sĩ được giao nhiệm vụ cùng đơn vị triển khai cơ sở vật chất, đón thương binh ở Gạc Ma về điều trị.

Bác sĩ Tào cho biết trận chiến ở Gạc Ma xảy ra đột ngột nhưng không bất ngờ. Trước đó, quân Trung Quốc đã chiếm một số đảo của nước ta nên quân đội ta nhận định sẽ có đụng độ ở một số cụm đảo, từ đó chỉ đạo các cấp phải chuẩn bị cơ sở vật chất, khí tài, trang bị sẵn sàng chiến đấu.

Những chiến sĩ trở về từ trận chiến Gạc Ma với đầy thương tích - 2

Bác sĩ Từ Công Tào - Đội phó Đội điều trị 486 Hải Quân (Ảnh: Trung Thi).

Để sẵn sàng thu dung điều trị cho thương binh Trường Sa, Đội điều trị 486 đã chuyển từ cơ sở nhỏ về khu nhà 3 tầng ở khu vực Vùng 4 Hải Quân. Đơn vị cũng nhận thêm y bác sĩ chi viện từ TPHCM, dự kiến điều trị cho khoảng 500 thương, bệnh binh.

Sau khi hoàn thành công tác chuẩn bị, sáng 14/3/1988, quân địch đã nã đạn vào quân ta ở các cụm đảo Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao hòng chiếm đóng trái phép. Bộ đội ta đã anh dũng chiến đấu, nhưng do chênh lệch tương quan về lực lượng, vũ khí hạn chế nên đã có nhiều chiến sĩ hi sinh, bị thương trong trận chiến này.

Khi quân địch dần rút đi, bộ đội ta phải chèo những chiếc xuồng nhỏ để cứu vớt thương binh, thi thể đồng đội chở về đảo Sinh Tồn sơ cấp cứu, xử lý vết thương ban đầu.

"Xuồng nhỏ, đảo ở cách xa nhau nên phải chèo cả ngày. Có thương binh dù đã chở được về đảo Sinh Tồn nhưng không qua khỏi", bác sĩ Tào kể lại.

Những chiến sĩ trở về từ trận chiến Gạc Ma với đầy thương tích - 3

Những hình ảnh về 64 liệt sĩ Gạc Ma tại Khu tưởng niệm Chiến sĩ Gạc Ma (Ảnh: Trung Thi).

Sau 7 ngày chờ đợi trong thấp thỏm, lo lắng cho sức khỏe đồng đội, chuyến tàu từ Trường Sa đã chở 14 thương binh trở về đất liền, trong đó có Anh hùng Nguyễn Văn Lanh với vết thương dài do mũi lê từ dưới đâm lên trên; một số chiến sĩ bị các vết bỏng nặng do đạn pháo của địch gây ra.

Theo bác sĩ Tào, dù đã được các y, bác sĩ ở đảo Sinh Tồn mổ cắt lọc, nhưng các vết thương của thương binh ở Gạc Ma vẫn còn sưng, tấy, nhiễm trùng. Do đó, các y, bác sĩ ở Đội điều trị tiếp nhận và thực hiện các bước điều trị tiếp theo.

"Thời điểm đó, trang thiết bị còn thiếu thốn nhưng đơn vị tôi quyết tâm cố gắng cứu chữa, giữ lại những nhân chứng sống trong cuộc chiến bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc ở Gạc Ma. Sau nhiều ngày điều trị tại đơn vị cũng như chuyển tuyến lên trên, thấy anh em đều khỏe mạnh trở về với gia đình, chúng tôi mừng và hạnh phúc lắm", bác sĩ Tào nhớ lại.

Nghĩa tình đồng đội

Bác sĩ Tào và nhiều cựu binh đã trở về cuộc sống đời thường. Có người xuất ngũ trở lại thành phố, có người đi về quê mưu sinh. Nhưng những người lính đảo không bao giờ quên những ngày cùng sát cánh chiến đấu cùng nhau. Các Ban liên lạc truyền thống bộ đội Trường Sa ra đời.

Ban liên lạc hoạt động với mục đích thêm gắn kết bền chặt tình cảm của các cựu binh Trường Sa. Bên cạnh đó, cùng hỗ trợ, giúp đỡ nhau khi các thành viên gặp hoạn nạn vượt qua khó khăn.

Những chiến sĩ trở về từ trận chiến Gạc Ma với đầy thương tích - 4

Ban liên lạc truyền thống bộ đội Trường Sa TP Cam Ranh viếng hương 64 liệt sĩ Gạc Ma vào ngày 14/3/2022 (Ảnh: Trung Thi).

Ban liên lạc truyền thống bộ đội Trường Sa TP Cam Ranh do ông Tào phụ trách vừa quyên góp, tặng xe máy 3 bánh cho một thành viên trong hội có hoàn cảnh khó khăn, chẳng may gặp tai nạn.

"Mỗi người góp một ít hỗ trợ anh em cựu binh Trường Sa có cái phương tiện mưu sinh, dù ít dù nhiều, đó đều là cái tình của người lính đảo", bác sĩ Tào chia sẻ.

Điều đặc biệt, mỗi năm, Ban liên lạc đều tìm về thắp nhang tưởng nhớ các đồng đội chiến đấu, hy sinh ở đảo Gạc Ma.

Những chiến sĩ trở về từ trận chiến Gạc Ma với đầy thương tích - 5

Đồng đội ở Phú Yên đến thắp hương tưởng nhớ liệt sĩ Gạc Ma Trương Văn Thịnh (Ảnh: Trung Thi).

"Ở Cam Ranh có 2 liệt sĩ hy sinh trong trận hải chiến Gạc Ma. Vào ngày giỗ (27/1 âm lịch), anh em trong Ban liên lạc đều cắt cử người đến viếng hương, chia sẻ động viên gia đình, thân nhân đồng đội. Các ngày 14/3 và 27/7, anh em cùng tề tựu đến Khu tưởng niệm Chiến sĩ Gạc Ma để dâng hương tưởng niệm 64 liệt sĩ", bác sĩ Tào cho hay.

Tại Phú Yên, Ban liên lạc truyền thống bộ đội Trường Sa tỉnh này có nhiều hoạt động "đền ơn, đáp nghĩa" đối với gia đình liệt sĩ Gạc Ma.

Những chiến sĩ trở về từ trận chiến Gạc Ma với đầy thương tích - 6

Đồng đội tại Phú Yên đến thăm, động viên thương binh Trần Văn Hùng, bị thương ở Trường Sa (Ảnh: Trung Thi).

Ông Đào Thái Thi - Trưởng Ban liên lạc truyền thống bộ đội Trường Sa tỉnh Phú Yên - cho biết tại Phú Yên, có 2 liệt sĩ Gạc Ma. Trước đây, khi mẹ của các liệt sĩ còn sống, anh em trong ban liên lạc thường xuyên đến thăm nom chăm sóc mẹ. Còn nay, các mẹ đã qua đời, đến ngày giỗ, anh em đến thắp hương cho liệt sĩ và mẹ để tưởng nhớ.

Bên cạnh đó, Ban liên lạc có nhiều hoạt động hỗ trợ thương binh Trần Văn Hùng bị thương ở Trường Sa, để đồng đội có cuộc sống ổn định hơn; đồng thời, vận động giúp đỡ nhiều thành viên trong Ban liên lạc có hoàn cảnh ngặt nghèo vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống.