Thái Nguyên:
Những cái chết “bất thường” ở bệnh viện Phú Lương
(Dân trí) - Hàng chục cái chết xót xa, không ai ngờ tới của những đứa trẻ sơ sinh, sản phụ và cả những em nhỏ khiến người dân huyện Phú Lương (Thái Nguyên) ngày càng cảm thấy “ghê rợn” khi nghe nhắc đến cái tên: Bệnh viện đa khoa Phú Lương.
Những cái chết “khó hiểu”
Chuyện sinh - tử trong một bệnh viện xưa nay không phải là chuyện hiếm. Nhưng từ năm 2000 đến nay, đã có hàng chục cái chết “khó hiểu” của các sản phụ và trẻ sơ sinh xảy ra tại BV Đa khoa Phú Lương mà người nhà các nạn nhân đều cho rằng, cái chết của con, cháu họ liên quan tới sự thiếu trách nhiệm, thiếu lương tâm của các y bác sỹ ở BV này. Những câu chuyện này khiến dư luận Thái Nguyên xôn xao.
Người chồng trẻ đau xót trước cái chết khó hiểu của vợ và con gái.
Tư hoàn toàn khoẻ mạnh từ khi sinh ra đến khi lấy chồng, mang thai. Trước đó, Tư đã từng là một vận động viên điền kinh. Vậy mà khi chuyển dạ sinh đứa con đầu lòng, Tư lại ra đi dễ dàng đến mức khó hiểu.
Khi mang thai, Tú vẫn đều đặn đưa vợ đi khám định kỳ. Đến trước khi đưa vợ vào viện sinh con, trên tay Tú có tới 6 phiếu xét nghiệm, phiếu nào cũng kết luận cả mẹ và con đều khoẻ mạnh. Bé gái nặng 3,5 kg khi sinh ra, Tú đặt tên con là Vũ Thị Bé. Chưa kịp vui mừng thì cả nhà đã phải hốt hoảng chạy ngược chạy xuôi cấp cứu cho cả mẹ và con. Tư sau khi sinh chân tay tím tái, mặt nổi đầy nốt mần, đen sì. Cấp cứu được một lúc thì Tư qua đời. Đứa bé vừa sinh ra cũng chỉ sống được chưa đầy 24 giờ đã phải từ biệt thế gian.
Vỡ ruột thừa được chẩn đoán là đau bụng giun
Có mặt tại thị trấn Đu, chúng tôi được nghe biết bao câu chuyện bất bình khác, từ lớn đến nhỏ, có cùng nguyên nhân là sự tắc trách, thiếu lương tâm của các “lương y” trong BV đa khoa Phú Lương. Theo phản ánh của người dân, việc các y bác sỹ ở đây “thờ ơ” hay quát mắng bệnh nhân là chuyện “bình thường” như cơm bữa.
Nhiều trường hợp, bệnh nhân còn bị ảnh hưởng đến sức khoẻ, thậm chí mất đi cả cuộc sống. “Nhẹ nhàng” nhất như bà Phạm Thị Nhu, 76 tuổi, ở tiểu khu Cầu Trắng, cũng suýt mất đi cánh tay. Mấy tháng trước, bà đi chợ sáng về thì bị ngã gẫy tay. Vào BV Phú Lương chụp chiếu, nhìn kết quả bà phát sợ khi xương đứt rời. Ngoài da, máu bắt đầu rỉ, có chỗ xương đã hơi lòi ra. Vậy mà các y bác sỹ ở đây lại bảo bà... về nhà, đầu giờ chiều đến để... sơ cứu. Tức giận không nói nên lời, bà xuống BV đa khoa TW Thái Nguyên chữa trị. Đến giờ, trên tay bà vẫn phải mang 12 cái đinh để cố định xương.
Cả tiểu khu Cầu Trắng còn nhớ rất rõ trường hợp cháu Nguyễn Mạnh Thắng mất hồi tháng 8/2008 khi mới chưa tròn 5 tuổi. Cháu bị đau ruột thừa nhưng các bác sỹ lại cho rằng cháu đau bụng giun nên tiêm thuốc giảm đau để... theo dõi. Đến khi chuyển được cháu lên BV tuyến trên thì Thắng được xác định đau ruột thừa và phải mổ cấp cứu gấp. Thắng được cứu sống lúc đó nhưng chỉ vài ngày cháu đã qua đời do vỡ ruột thừa và bị hoại tử.
Một câu chuyện khó tin khác được người dân ở đây kể lại là chuyện chị Lý Thị Hoàn (35 tuổi, ở thôn Đồng Nghè, xã Đồng Đạt) phải sinh non ở tháng thứ 5 do các BS... hút trượt thai và đã tiêm thuốc tránh thai cho chị. Hay như trường hợp anh Lại Văn Trọng (xóm Cọ 1, xã Phấn Mễ) đã vĩnh viễn phải nhìn cánh tay trái vô dụng sau ca nối gân tay do các BS BV Phú Lương tiến hành.
Trả lời câu hỏi của PV Dân trí về vấn đề trách nhiệm của từng cá nhân trong các trường hợp nói trên, BS Dương Văn Thanh - Giám đốc BV Đa khoa Phú Lương thản nhiên: “Trách nhiệm thì ai cũng có. Lãnh đạo có trách nhiệm của lãnh đạo, cán bộ có trách nhiệm của cán bộ”.
Tuy nhiên, khi PV đưa ra từng trường hợp cụ thể, như cái chết của hai mẹ con sản phụ Quách Thị Tư, ông Thanh lại cho rằng, kíp trực hôm đó đã rất cố gắng cấp cứu hai mẹ con. Song do không tiên lượng trước được diễn biến phức tạp của bệnh nhân nên mới xảy ra sự việc đáng tiếc trên. “Đó là một ca sinh phức tạp, tôi chưa từng gặp bao giờ” - ông Thanh khẳng định.
Về trách nhiệm cá nhân các y bác sỹ, ông Thanh cho rằng vụ việc đang được Sở Y tế và cơ quan Công an điều tra nên... chưa tiến hành kiểm điểm cá nhân nào trong BV. “Làm như thế khác nào bảo người ta là mình có lỗi nên mới kiểm điểm”. Song ông Thanh cũng nhấn mạnh, từ trước tới giờ, BV đã nhiều lần kiểm điểm các y bác sỹ không hoàn thành trách nhiệm của mình hay có thái độ quát nạt bệnh nhân. “Trong nhà còn có người này người khác, huống hồ BV có tới hơn sáu chục y bác sỹ, tránh sao được sai sót của một bộ phận” - ông Thanh nói.
Trong văn bản mới nhất trả lời các cơ quan chức năng và báo chí, ông Thanh có nêu: “Trong quá trình thăm khám, chẩn đoán và điều trị cho bệnh nhân, không có một bác sỹ, giáo sư, tiến sỹ nào có thể thành công cho 100% các trường hợp; không có phương pháp điều trị nào đạt hiệu quả 100%...”. Tuy nhiên, trong câu trả lời cả bằng văn bản và bằng miệng, vấn đề trách nhiệm vẫn bị ông Thanh “bỏ quên”.
Theo nguồn tin Dân trí, trước những cái chết bất thường xảy ra tại bệnh viện Đa khoa Phú Lương được báo chí đăng tải trong thời gian qua, Sở Y tế Thái Nguyên đã vào cuộc để tìm hiểu rõ nguyên nhân.
T.Nguyên - H.Ngân - D.Linh