1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Những biến động "chưa từng có" của ngành hàng không Việt Nam

Châu Như Quỳnh

(Dân trí) - Năm 2021, hàng không nội địa "đóng băng" kéo dài nhiều tháng do Covid-19. Với bay đường quốc tế, sau 2 năm "lụt" vì dịch, chuyến bay thường lệ đầu tiên về Việt Nam được khai thác vào ngày đầu năm mới.

"Gập ghềnh" đường hàng không trong nước

Hồi tháng 7/2021, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại TPHCM và các tỉnh phía Nam. Trong bối cảnh các địa phương áp dụng đồng loạt biện pháp giãn cách xã hội để phòng chống dịch bệnh, đường bay trục vốn được coi là nhộn nhịp nhất thế giới Hà Nội - TPHCM đã giảm tần suất khai thác xuống mức thấp nhất trong lịch sử, có thời điểm chỉ duy trì một chuyến bay trong ngày. Việc dừng "sốc" chuyến bay thương mại chở khách đi các tỉnh phía Nam là điều bất khả kháng, hàng trăm máy bay phải "đắp chiếu" trên sân đỗ.

Những biến động chưa từng có của ngành hàng không Việt Nam - 1

Năm 2021 là một năm khó khăn rất lớn với ngành hàng không, hàng trăm máy bay phải nằm sân vì dừng khai thác (Ảnh: P. Công).

Gần 3 tháng đường bay bị "tê liệt", khi dịch bệnh "hạ nhiệt" cũng là lúc việc khôi phục vận chuyển được chủ trương triển khai và thống nhất kích hoạt từ ngày 10/10/2021. Trong giai đoạn đầu thí điểm 19 đường bay quốc nội, dù mỗi đường bay giới hạn chỉ khai thác một chuyến khứ hồi/ngày, nhưng đã cho thấy tín hiệu tích cực của việc phục hồi thị trường. 

Tuy nhiên, trong số 20 tỉnh thành có sân bay được nhà chức trách xin ý kiến khôi phục hàng không thì có 3 địa phương "lắc đầu" là Hà Nội, Hải Phòng và Gia Lai, các địa phương này từ chối bằng văn bản đối với các chuyến bay từ TPHCM và các tỉnh phía Nam nhằm ngăn chặn nguy cơ lây lan dịch bệnh. Cục Hàng không Việt Nam phải lên kịch bản chọn sân bay ở Thanh Hóa làm "cứ điểm" đón/trả khách thay thế cho sân bay Nội Bài. Khi có "lệnh" của Chính phủ, các địa phương mới "nới" quy định để tiếp nhận các chuyến bay chở khách đến.

Trên thực tế, dù mở cửa đón chuyến bay nhưng nguyên tắc y tế mỗi địa phương áp dụng một kiểu đã gây rất nhiều khó khăn cho việc phục hồi mạng đường bay nội địa. Khách đến sân bay nhưng không được bay, khách sạn nơi đến từ chối nhận khách từ TPHCM, địa phương bắt buộc phải đăng ký trước và được đồng ý mới được bay, yêu cầu cách ly y tế khắt khe với trẻ nhỏ đi máy bay cùng gia đình nhưng chưa tiêm vaccine… đó là những tình huống "dở khóc, dở cười" của hành khách thời gian qua.

Trong điều kiện dịch bệnh, dù hoạt động đi lại bằng đường hàng không được khơi thông nhưng khách đi máy bay vẫn phải thực hiện nghiêm các quy định về phòng chống dịch. Cũng do ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh nên hãng bay thuê chuyến đầu tiên Việt Nam là Vietravel Airlines sau một năm ra mắt vẫn chưa thể khai thác thương mại thường lệ. 

Những biến động chưa từng có của ngành hàng không Việt Nam - 2

Các chuyến bay nội địa được nối lại từ tháng 10/2021 (Ảnh: Tiến Tuấn).

Cũng trong năm 2021, hai vụ va chạm máy bay tại sân bay Nội Bài liên tiếp xảy ra, nguyên nhân ban đầu được xác định do lỗi con người. Theo nhà chức trách, việc dừng khai thác hàng không quá lâu đã khiến kỹ năng của các nhân sự khai thác chuyến bay bị ảnh hưởng...

Thí điểm chở khách du lịch quốc tế

Trong năm 2021, Chính phủ chủ trương thí điểm các chuyến bay chở khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, áp dụng theo cơ chế "hộ chiếu vaccine" và combo trọn gói dịch vụ. Để tham gia các chuyến bay này, hành khách phải có chứng nhận tiêm chủng vaccine hoặc giấy xác nhận khỏi bệnh Covid-19 theo quy định, kết quả xét nghiệm RT PCR trong vòng 72 giờ trước khi bay, vé quay lại nơi đi cũng như đã hoàn thành khai báo y tế.

Sau 2 năm "đóng băng" đường hàng không quốc tế, hoạt động du lịch bị gián đoạn, Phú Quốc, Khánh Hòa, Đà Nẵng là những điểm đến được nhiều du khách lựa chọn.

Giữa tháng 11, chuyến bay mang số hiệu VN417 từ Seoul (Hàn Quốc) do Vietnam Airlines khai thác từ Seoul (Hàn Quốc) tới Đà Nẵng. Đây là chuyến bay đầu tiên chở khách quốc tế đến Việt Nam, trong chương trình thí điểm đón du khách quốc tế.

Những biến động chưa từng có của ngành hàng không Việt Nam - 3

Những du khách quốc tế đầu tiên đến Phú Quốc sau 2 năm đường bay "đóng băng" vì dịch bệnh (Ảnh: NQ). 

Chuyến bay chở các hành khách mang quốc tịch nước ngoài gồm Hàn Quốc, Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Áo, Séc, Thụy Sĩ, Đan Mạch, Thụy Điển, Nauy, Australia. Các hành khách đến Việt Nam với mục đích du lịch hoặc thăm thân.

Tiếp đó, chuyến bay VJ3749 của Vietjet chở hơn 200 du khách Hàn Quốc tới Phú Quốc ngày 20/11. Toàn bộ hành trình của đoàn khách được phối hợp chặt chẽ theo quy trình hướng dẫn đón khách quốc tế của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Sở Du lịch Kiên Giang. Những hành khách này mang "hộ chiếu vaccine" đến nghỉ dưỡng và du lịch tại đảo ngọc Phú Quốc.

 Mở đường bay, mua tàu mới

Bay Mỹ là đường bay quốc tế được chờ đợi suốt 20 năm qua. Theo đó, chuyến bay VN98 đã khởi hành từ sân bay Tân Sơn Nhất lúc 20h57 ngày 28/11 và hạ cánh tại sân bay San Francisco 10h42 sáng 29/11 (giờ Việt Nam). Tổng thời gian bay không điểm dừng là 13 tiếng 45 phút. Đây là chuyến bay chính thức đánh dấu sự khai mở đường bay thẳng thương mại thương mại thường lệ giữa Việt Nam và Mỹ, do Hãng hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) thực hiện.

Trong năm 2021, việc khơi thông, kết nối vùng đất tiềm năng được Bamboo Airways triển khai. Sau Côn Đảo, hãng này tiếp tục kết nối các vùng đất tiềm năng, kết nối đường bay thẳng Hà Nội - Rạch Giá; Hà Nội, TP HCM - Điện Biên... rút ngắn thời gian di chuyển giữa 2 thành phố ở 2 đầu đất nước xuống còn hơn 2 tiếng bay, giảm 4 lần so với thời gian di chuyển theo các phương thức cũ, giúp hành khách giảm thiểu được rủi ro thất lạc hành lý hay nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh do quá trình di chuyển kéo dài hay phải bay nối chuyến.

Những biến động chưa từng có của ngành hàng không Việt Nam - 4

Máy bay phản lực Embraer hạ cánh xuống sân bay Điện Biên (Ảnh: BAV).

Về đội bay, bất chấp tình hình dịch bệnh, hãng hàng không Tre Việt vẫn mở rộng đội bay, liên tục đón nhận máy bay Embraer gia nhập đội bay, tăng cường triệt để cho khai thác các đường bay ngách nội địa.

Hôm 25/12/2021, Vietjet cũng đón máy bay Airbus A330-300 số hiệu VN-A811, đây là máy bay thân rộng đầu tiên của hãng này, sẵn sàng cho các kế hoạch mở rộng mạng bay và đáp ứng dịch vụ khách hàng mới mẻ.

Những tín hiệu tích cực trong năm mới 2022

Sáng 1/1/2022, tại sân bay quốc tế Nội Bài, Vietjet đã chào đón chuyến bay quốc tế đầu tiên của năm mới 2022, chuyến bay chở 143 hành khách từ Thủ đô Tokyo - Nhật Bản.

Theo kế hoạch đã được Chính phủ chấp thuận thí điểm bắt đầu từ ngày 1/1/2022, thực hiện khôi phục các chuyến bay quốc tế thường lệ chở khách với các địa bàn có hệ số an toàn cao, trước mắt là Bắc Kinh/Quảng Châu (Trung Quốc), Tokyo (Nhật Bản), Seoul (Hàn Quốc), Đài Bắc (Đài Loan - Trung Quốc), Bangkok (Thái Lan), Singapore, Vientiane (Lào), Phnom Penh (Campuchia), San Francisco/Los Angeles (Mỹ).

Những biến động chưa từng có của ngành hàng không Việt Nam - 5

Những hành khách từ Phnom Penh (Campuchia) đến TPHCM trên chuyến bay quốc tế thường lệ đầu tiên chính thức đến Việt Nam kể từ khi xảy ra đại dịch Covid-19 (Ảnh: VNA).

Tối 1/1, chuyến bay mang số hiệu VN852 vận chuyển 121 hành khách hành trình từ Phnom Penh (Campuchia) đến TPHCM là chuyến bay quốc tế thường lệ đầu tiên chính thức đến Việt Nam kể từ khi xảy ra đại dịch Covid-19; đánh dấu giai đoạn mở cửa hàng không quốc tế thường lệ, khôi phục cầu nối hàng không Việt Nam với thế giới và mở ra triển vọng phục hồi mạnh mẽ hàng không, du lịch sau đại dịch.

Đường bay Việt Nam và Nhật Bản sẽ được kết nối thường lệ từ ngày 5/1/2022; giữa Việt Nam và Hoa Kỳ vào ngày 9/1/2022. Hiện các hãng hàng không đang mở bán vé bay quốc tế đến, đi từ Việt Nam.

Lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam tin rằng sự phục hồi dần của thị trường, đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 đang dần được kiểm soát tốt tại Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới.

Chiến lược ứng phó với Covid-19 đang được điều chỉnh linh hoạt từ "Zero Covid" sang sống chung với Covid, tỷ lệ tiêm phủ vaccine cho người dân đạt mức cao… Đây là cơ sở để các hãng hàng không tin tưởng và kỳ vọng vào một năm sáng sủa hơn.