1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Nhức nhối xây nhà tạm trên thân cây, cột bê tông ở TPHCM

Q.Huy

(Dân trí) - Qua kiểm tra, tuần tuyến, Sở GTVT TPHCM phát hiện nhiều trường hợp xây nhà tạm trên thân cây, cột bê tông tại bờ sông, kênh, rạch. Những công trình này có nguy cơ sụp đổ rất cao.

Sở GTVT TPHCM có ý kiến với Sở Xây dựng, Trung tâm Quản lý đường thủy cùng một số quận, huyện, TP Thủ Đức - nơi có bờ sông, kênh, rạch đi qua - về việc đảm bảo an toàn cho người dân sinh sống trên nhà tạm ven dòng nước. 

Quá trình kiểm tra, tuần tuyến, đơn vị này phát hiện nhiều trường hợp người dân, doanh nghiệp xây dựng nhà tạm trên nền kết cấu chủ yếu là thân cây, cột bê tông. Những căn nhà này đã tồn tại từ lâu, cột móng xuống cấp, có nguy cơ sụp đổ rất cao, ảnh hưởng đến an toàn, tính mạng người dân trong mùa mưa bão.

Nhức nhối xây nhà tạm trên thân cây, cột bê tông ở TPHCM - 1

Việc lấn chiếm hành lang bờ sông, kênh, rạch tồn tại ở nhiều địa phương thuộc TPHCM (Ảnh: Ip Thiên).

Qua thống kê sơ bộ, những công trình tạm trên hành lang bảo vệ bờ sông tập trung ở TP Thủ Đức, quận 4, 7, 8, Gò Vấp, huyện Hóc Môn, Củ Chi, Nhà Bè, Cần Giờ. Do đó, cơ quan quản lý cần thực hiện nghiêm các quy định về quản lý hành lang bảo vệ bờ sông, suối, kênh, rạch, mương, hồ để đảm bảo an toàn cho người dân.

Sở GTVT TPHCM cũng đề nghị UBND các quận, huyện chỉ đạo lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm những trường hợp xây công trình không phép, trái phép trong phạm vi hành lang bảo vệ bờ sông, kênh, rạch. 

Bên cạnh đó, từng phường, xã, thị trấn phải tích cực vận động người dân, doanh nghiệp tháo dỡ công trình lấn chiếm không phép, trái phép hành lang bờ sông. Về lâu dài, địa phương cần rà soát, sắp xếp lại dân cư, có kế hoạch di dời dân cư sinh sống tại khu vực có nguy cơ cao xảy ra thiên tai đến nơi an toàn. 

Nhức nhối xây nhà tạm trên thân cây, cột bê tông ở TPHCM - 2

Sở GTVT TPHCM đề nghị xử lý nghiêm các công trình xây không phép, trái phép thuộc hành lang bảo vệ bờ sông, kênh, rạch (Ảnh: Ip Thiên).

Sở GTVT cũng có ý kiến với Sở Xây dựng về việc chỉ đạo lực lượng thanh tra sở tăng cường kiểm tra, phối hợp cùng các địa phương kiên quyết xử lý trường hợp lấn chiếm, xây không phép, trái phép trong phạm vi hành lang bảo vệ bờ sông, kênh, rạch.

Tình trạng lấn chiếm hành lang bảo vệ bờ sông, kênh, rạch không phải vấn đề mới của TPHCM. Nhiều năm qua, dù thành phố đã có những động thái và khẳng định quyết liệt trong việc sắp xếp lại khu vực hành lang bờ sông, trả lại đường bờ sông cho người dân, nhưng thực trạng này vẫn chưa được xử lý dứt điểm.

Vấn đề lấn chiếm hành lang bờ sông Sài Gòn được dư luận đặt ra cho các cấp chính quyền thành phố từ cuối năm 2019. Khi đó, phần lớn khu vực bờ sông đoạn qua đường Nguyễn Văn Hưởng (TP Thủ Đức) bị các công trình, dự án, nhà hàng lấn chiếm, người dân còn rất ít khả năng tiếp cận mặt sông, nhiều con hẻm dẫn ra bờ sông bị dựng barie và có người trông giữ.

Thời điểm đó, ông Nguyễn Thành Phong, khi còn là Chủ tịch UBND TPHCM, từng nhấn mạnh, địa phương không chấp nhận những tuyến đường thò ra, thụt vào, ngắt quãng. Sông Sài Gòn nằm giữa đô thị là một tài sản quý cho người dân, tình trạng lấn chiếm đã khiến dòng sông mất đi giá trị.

Nhức nhối xây nhà tạm trên thân cây, cột bê tông ở TPHCM - 3

Tại nhiều khu vực, người dân chỉ còn rất ít nơi có thể tiếp cận mặt sông Sài Gòn (Ảnh: Ip Thiên).

Theo lý giải của Sở QHKT TPHCM, năm 2004, UBND TPHCM ban hành Quyết định 150 về quy định quản lý, sử dụng hành lang trên bờ sông, kênh, rạch. Tuy nhiên, trước khi quyết định có hiệu lực, nhiều dự án đã được cấp phép xây dựng.

Theo ghi nhận của phóng viên, hiện tại, dọc bờ sông Sài Gòn đoạn qua đường Bình Lợi (quận Bình Thạnh), khu Thảo Điền, khu Hiệp Bình Chánh (TP Thủ Đức), các nhà hàng, quán cà phê, công trình đã lấn chiếm hầu hết diện tích hành lang sông. Điều này dẫn tới việc, người dân không còn hoặc còn rất ít khu vực có thể tiếp cận bờ sông để tập thể dục, dạo mát.