Kỷ niệm 70 năm ngày Nam Bộ kháng chiến (23/9/1945 – 23/9/2015):
Nhớ ngày người Sài Gòn tử thủ trên những cây cầu xưa
(Dân trí) - Đêm 22/9/1945, quân Pháp dùng vũ lực chiếm các cứ điểm của chính quyền cách mạng non trẻ tại Sài Gòn. Mới hưởng không khí độc lập – tự do được 28 ngày, nhân dân Sài Gòn đã phải đứng lên cầm vũ khí chống trả lại cuộc xâm lược lần thứ 2 của thực dân Pháp.
“Mùa Thu rồi ngày hăm ba…”
Sách “Lịch sử Nam Bộ kháng chiến” do các sử gia hàng đầu và những cán bộ lão thành từng trải qua những ngày Nam Bộ kháng chiến biên soạn nhận định: “Ngày 23/9 đi vào lịch sử như ngày “Nam Bộ kháng chiến”, mở đầu cho cuộc chiến đấu “gian lao mà anh dũng” trong suốt 30 năm của Nam Bộ “đi trước về sau”.
Ngày 6/9/1945, những lính Anh đầu tiên trong Phái bộ quân sự Anh đến Sài Gòn với nhiệm vụ giải giáp quân Nhật. Nhưng người Anh đến lại dẫn theo quân Pháp và hỗ trợ cho lính Pháp với mưu đồ tái chiếm Nam bộ. Dưới sự dung túng và hỗ trợ của người Anh, quân Pháp bắt đầu gây hấn và đòi chiếm lại các cứ điểm mà chính quyền cách mạng đã giành được trong cuộc cách mạng tháng 8.
Chiều 22/9/1945, quân Anh mời ông Trần Văn Giàu và Phạm Ngọc Thạch, 2 vị lãnh đạo của chính quyền cách mạng Nam Bộ, sang Dinh Toàn quyền ăn tối và đàm phán. Nhận thấy ý đồ giúp quân Pháp chiếm lại Sài Gòn của người Anh, việc mời sang đàm phán chỉ là cái bẫy để bắt sống 2 lãnh đạo của chính quyền cách mạng, 2 ông giả vờ nhận lời nhưng không sang, đồng thời chỉ đạo các cánh quân cảnh giới, sẵn sàng chiến đấu.
Đúng như 2 ông dự đoán, đêm 22/9/1945, quân Pháp đã kéo đến đánh chiếm trụ sở Ủy ban Nhân dân Nam Bộ kháng chiến, trụ sở Quốc gia tự vệ, bưu điện, nhà đèn, đài phát thanh… Nhờ cảnh giác từ trước, các đơn vị vũ trang của chính quyền cách mạng đã anh dũng đánh trả quân Pháp xâm lược suốt từ đêm 22/9/1945 đến rạng sáng 23/9/1945.
Sáng sớm 23/9/1945, giữa lúc tiếng súng còn đang vang vọng khắp các cứ điểm trọng yếu ở Sài Gòn, Xứ ủy, Ủy ban Nhân dân và Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ triệu tập cuộc họp liên tịch bàn phương cách ứng phó. Qua tranh luận, hội nghị đã quyết định điện báo xin chỉ thị của Trung ương, đồng thời phát động kháng chiến ngay lập tức.
Hội nghị đã thông qua “Lời kêu gọi của Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ” do ông Trần Văn Giàu soạn ngay trong đêm 22/9/1945. Sách “Lịch sử Nam Bộ kháng chiến” ghi lại: “Sau khi nhắc lại lời thề “Độc lập hay là chết!” trong Lễ Độc lập tại Sài Gòn ngày 2/9/1945, Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ xác định: “Từ giờ phút này, nhiệm vụ hàng đầu của chúng ta là tiêu diệt giặc Pháp và tay sai của chúng” và kết thúc lời kêu gọi bằng câu: “Cuộc kháng chiến bắt đầu!”.
Sau hội nghị, anh em thợ in khẩn trương in hàng vạn bản “Lời kêu gọi của Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ”. Ngay trong ngày 23/9/1945, lời kêu gọi đã được phát đi, dán trên tường nhà, thân cây… khắp Sài Gòn, Chợ Lớn, Tân Bình, Gia Định. Một lượng lớn lời kêu gọi được chuyển gấp về các tỉnh phía Nam.
Lời kêu gọi ấy nhanh chóng được quân dân Sài Gòn – Gia Định hưởng ứng mãnh liệt. Xí nghiệp, cửa hàng đều đóng cửa, chợ búa không họp, ụ chiến đấu mọc lên khắp phố phường, các đội tự vệ cùng nhân dân canh gác các ngả đường…
Ngày ấy đã được nhạc sĩ Tạ Thanh Sơn khắc họa rõ nét trong bài ca “Nam Bộ kháng chiến” với lời nhạc hào hùng cháy rực: “Mùa Thu rồi ngày hăm ba, ta đi theo tiếng kêu sơn hà nguy biến. Rền khắp trời lời hoan hô, dân quân Nam nhịp chân tiến lên trận tiền… Một lòng nguyện với tổ tiên: thề quyết chống quân xâm lăng. Ta đem thân ta liều cho nước…”.
Tử thủ trên những cây cầu xưa
Khu vực TPHCM ngày ấy chỉ có 2 khu đô thị tập trung là Sài Gòn và Chợ Lớn, ngăn cách với các vùng lân cận (Gia Định, Tân Bình) và các tỉnh Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ bởi sông Sài Gòn và hệ thống kênh rạch chằng chịt. Vùng đô thị trung tâm chỉ có thể kết nối với các địa phương xung quanh bởi những cây cầu trọng yếu được xây dựng từ ngày đô thị này thành hình như: cầu Thị Nghè, cầu Bông, cầu Kiệu, cầu Nhị Thiên Đường…
So sánh thế lực giữa địch và ta, ngay từ trước ngày Nam Bộ kháng chiến, Ủy ban Kháng chiến đã quyết định thực hiện kế sách “trong đánh ngoài vây”. Khu vực đô thị Sài Gòn – Chợ Lớn là mặt trận nội thành, được chia thành 16 tiểu khu với mục tiêu chiến đấu tiêu hao sinh lực địch. Các đơn vị vũ trang của mặt trận ngoại thành sẽ chiếm cứ các cây cầu để ngăn chặn địch mở rộng ra ngoại thành và tiến về các tỉnh lân cận.
Đến nay, khi đi ngang qua cầu Thị Nghè, người ta vẫn dễ dàng nhìn thấy một tấm bia lớn được dựng dưới chân cầu vươn lên cao cùng cờ Đảng và cờ Tổ quốc. Trên tấm bia ấy ghi lại chiến công bi hùng của quân dân Sài Gòn trên mặt trận cầu Thị Nghè ngay trong ngày đầu Nam Bộ kháng chiến: “Tại cầu này, ngay từ sáng sớm 23/9/1945, quân và dân Thị Nghè cùng nhân dân thành phố vũ trang bằng vũ khí thô sơ, đã lập “mặt trận cầu Thị Nghè” chặn đứng quân Pháp gần hàng tháng trời, không cho nống ra ngoài thành phố...”.
Ngày ấy, trận chiến diễn ra hết sức quyết liệt. Với mục tiêu bắt buộc là phải mở đường ra miền Đông, quân Pháp dồn lực lượng và khí tài mạnh mẽ vào đây để phá toang cứ điểm Thị Nghè. Dù vũ khí thô sơ phải chống chọi với súng đạn tối tân, tàu chiến và thiết giáp của kẻ thù, quân dân Thị Nghè vẫn kiên cường bám trụ trận địa từ ngày 23/9/1945 cho đến ngày 18/10/1945.
Sa bàn tái hiện trận đánh cầu Thị Nghè cho thấy quân dân Thị Nghè dùng thân cây, bàn ghế, giường tủ… chắn ngang cầu để làm lô cốt. Những chàng trai 17, 18 tuổi chỉ có vài khẩu súng cướp được của giặc Pháp trong ngày cách mạng tháng tám, phần lớn vũ khí là mã tấu, dao găm nhưng đã anh dũng chống chọi gần 1 tháng trời trước sức tấn công mạnh mẽ của quân thù. Họ đã tiêu diệt hàng trăm quân địch, nhưng máu dân Thị Nghè đổ xuống cây cầy này cũng không ít.
Cuộc chiến thảm liệt không cân sức ấy diễn ra trên khắp các cứ điểm trọng yếu đóng ở những cây cầu xưa bao quanh thành phố. Quân dân Sài Gòn chỉ có thể duy trì chiến đấu bằng ý chí và lời thề “Độc lập hay là chết!”. Sức mạnh ấy cộng với địa thế của thành phố đã giúp quân dân Sài Gòn tử thủ thành công tại các mặt trận này, bao vây quân Pháp gần cả tháng trời trong nội thành Sài Gòn, tranh thủ thời gian cho cả miền Nam chuẩn bị cuộc kháng chiến trường kỳ.
Đến nay, cầu Thị Nghè năm 1945 đã không còn sau nhiều lần được sửa chữa, xây mới vì hư hại nghiêm trọng trong chiến tranh. Cầu Bông, cầu Kiệu cũng đã được xây mới vì xuống cấp trầm trọng. Cầu Nhị Thiên Đường cũng đang được lên kế hoạch phá hủy để xây mới vì quá cũ kỹ…
Cầu dù có xây mới, hình hài có thay đổi nhưng những cái tên như mặt trận cầu Thị Nghè, mặt trận Cầu Bông… mãi mãi sống trong lòng người Sài Gòn. Bởi ở đó, máu đỏ của tổ tiên đã đổ đầy mặt cầu để bảo vệ thành phố tươi đẹp hôm nay.
Tùng Nguyên