DNews

Nhìn lại những lần chia tách, sáp nhập đơn vị hành chính của TPHCM

Q.Huy

(Dân trí) - Sau ngày thống nhất đất nước, TPHCM từng nhiều lần sắp xếp lại, sáp nhập đơn vị hành chính quận, huyện, phường, xã theo từng giai đoạn lịch sử. Địa phương đang tiếp tục chuẩn bị để sáp nhập 80 phường.

Nhìn lại những lần chia tách, sáp nhập đơn vị hành chính của TPHCM

TPHCM vừa chính thức trình Chính phủ đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025. Đây là lần điều chỉnh lớn tiếp theo của TPHCM sau thời điểm sáp nhập quận 2, quận 9, quận Thủ Đức để thành lập TP Thủ Đức vào cuối năm 2020.

Trong lần sắp xếp này, thành phố sẽ sáp nhập 80 phường ở 10 quận (3, 4, 5, 6, 8, 10, 11, Bình Thạnh, Gò Vấp, Phú Nhuận) thành 38 phường và giữ nguyên 22 quận huyện, TP Thủ Đức hiện hữu.

Nhìn lại những lần chia tách, sáp nhập đơn vị hành chính của TPHCM - 1

Quận 4, một trong những địa bàn đông dân cư nhất của TPHCM sẽ sắp xếp lại một số phường (Ảnh: Nam Anh).

Kể từ sau ngày thống nhất đất nước, TPHCM đã trải qua nhiều lần sắp xếp đơn vị hành chính theo từng giai đoạn lịch sử. Sau lần sắp xếp đầu tiên, thành phố Sài Gòn - Gia Định trước đây có 18 quận, 5 huyện, 345 đơn vị cấp xã.

Sau những thăng trầm của lịch sử, TPHCM hiện nay đã có 1 thành phố trực thuộc, 16 quận, 5 huyện và 312 đơn vị hành chính cấp xã.

Sau ngày thống nhất

Sau ngày 30/4/1975, Đô thành Sài Gòn, tỉnh Gia Định và quận Củ Chi, Phú Hòa được hợp nhất thành một đơn vị hành chính là thành phố Sài Gòn - Gia Định. Đây được coi là lần sắp xếp đơn vị hành chính đầu tiên của đầu tàu kinh tế phía Nam.

Thành phố Sài Gòn - Gia Định thời điểm này có 18 quận (Nhất, Nhì, Ba, Tư, Năm, Sáu, Bảy, Tám, Chín Mười, Mười Một, Bình Hòa, Thạnh Mỹ Tây, Hạnh Thông, Thông Tây Hội, Phú Nhuận, Tân Sơn Nhì, Tân Sơn Hòa). Các huyện ngoại thành lúc đó là Củ Chi, Bình Chánh, Hóc Môn, Nhà Bè, Thủ Đức.

Nhìn lại những lần chia tách, sáp nhập đơn vị hành chính của TPHCM - 2

Bản đồ không gian Đô thành Sài Gòn trước năm 1975 (Ảnh: F.D.).

Lần sắp xếp thứ hai được thực hiện ngày 20/5/1976. UBND Cách mạng thành phố Sài Gòn - Gia Định đã ban hành quyết định tổ chức lại các đơn vị hành chính với 12 quận (1, 3, 4, 5, 6, 8, 10, 11, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Gò Vấp, Tân Bình); 5 huyện (Củ Chi, Bình Chánh, Hóc Môn, Nhà Bè, Thủ Đức) cùng 345 đơn vị hành chính cấp xã.

Ngay trong kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa VI diễn ra ngày 2/7/1976, bản Nghị quyết về việc đổi tên thành phố Sài Gòn - Gia Định thành TPHCM được ban hành. Các đơn vị hành chính của TPHCM được giữ nguyên như lần sắp xếp gần nhất.

Ngày 18/9/1976, Hội đồng Chính phủ ban hành Nghị định thành lập huyện Côn Sơn thuộc TPHCM. Tuy nhiên do xa cách địa lý và để tạo điều kiện quản lý công việc trong tình hình mới, thành phố đề nghị giao huyện Côn Sơn về tỉnh Hậu Giang quản lý. Đến ngày 15/1/1977, Quốc hội đã phê chuẩn việc đổi tên huyện Côn Sơn thành huyện Côn Đảo và sáp nhập huyện này vào tỉnh Hậu Giang.

Lần sắp xếp đơn vị hành chính tiếp theo của TPHCM cũng diễn ra trong năm 1977, Bộ trưởng Phủ Thủ tướng đã ban hành quyết định thành lập thị trấn Hóc Môn thuộc huyện Hóc Môn trên cơ sở tách một phần diện tích, dân số các xã Tân Thới Nhì, Thới Tam Thôn và Tân Hiệp. Ngày 13/4/1977, Bộ trưởng Phủ Thủ tướng tiếp tục ban hành quyết định thành lập xã Lê Minh Xuân và Phạm Văn Hai thuộc huyện Bình Chánh ở vùng kinh tế mới.

Ngày 29/12/1978, Quốc hội ban hành Nghị quyết phê chuẩn việc phân vạch lại địa giới thành phố Hà Nội, TPHCM  và một số tỉnh. Từ thời điểm đó, huyện Duyên Hải (nay là huyện Cần Giờ) của tỉnh Đồng Nai được sáp nhập vào TPHCM.

Kể từ năm 1979 đến năm 1991, Hội đồng Bộ Trưởng đã ban hành nhiều quyết định để điều chỉnh, sắp xếp lại các đơn vị hành chính cấp xã tại TPHCM. Việc sắp xếp được thực hiện từ các quận nội thành cho đến các huyện ngoại thành nhằm phù hợp với tình hình phát triển và công tác quản lý địa bàn thời điểm đó.

Nhìn lại những lần chia tách, sáp nhập đơn vị hành chính của TPHCM - 3

Huyện Cần Giờ (TPHCM) trước đây là huyện Duyên Hải thuộc tỉnh Đồng Nai (Ảnh: P.N.).

Trong giai đoạn này, Hội đồng Bộ Trưởng đã quyết định giải thể toàn bộ 20 phường thuộc quận 1 để thành lập 10 phường mới ( Tân Định, Đa Kao, Bến Nghé, Bến Thành, Nguyễn Thái Bình, Cầu Ông Lãnh, Cô Giang, Cầu Kho, Nguyễn Cư Trinh và Phạm Ngũ Lão). Cuối năm 1991, huyện Duyên Hải của TPHCM chính thức được đổi tên thành huyện Cần Giờ.

Lần điều chỉnh đơn vị hành chính lớn nhất của TPHCM giai đoạn này diễn ra vào đầu năm 1997. Khi đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định về việc giải thể huyện Thủ Đức và thành lập quận 2, quận 9, quận Thủ Đức; thành lập các đơn vị hành chính mới là quận 7, quận 12.

Đến năm 2003, TPHCM tiếp tục có thêm 2 quận mới là quận Tân Phú, quận Bình Tân trên cơ sở tách một phần diện tích, quy mô dân số của quận Tân Bình và huyện Bình Chánh. Năm 2006, Chính phủ tiếp tục điều chỉnh địa giới hành chính một số phường thuộc quận Gò Vấp, quận 12.

Lần điều chỉnh đơn vị hành chính lớn cuối cùng của TPHCM diễn ra vào cuối năm 2020. Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết 1111 về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thành lập thành phố Thủ Đức thuộc TPHCM.

Sau 13 năm huyện Thủ Đức giải thể thành quận 2, 9, Thủ Đức, đơn vị hành chính này lại được sáp nhập trong một bối cảnh và vị thế khác. TP Thủ Đức là mô hình thành phố trong lòng thành phố đầu tiên trên cả nước, được kỳ vọng sẽ tạo sự đột phá trong phát triển, trở thành đô thị sáng tạo, tương tác cao, là khu vực dẫn dắt kinh tế TPHCM.

Chưa sắp xếp lại quận, huyện

Theo đề án TPHCM vừa trình Chính phủ, giai đoạn 2023-2025, thành phố chỉ sắp xếp 80 phường thuộc 10 quận. Sau sắp xếp, địa phương sẽ có 38 phường mới, giảm 39 đơn vị hành chính so với hiện tại. TPHCM chưa thực hiện đơn vị hành chính quận, huyện giai đoạn này.

Theo Nghị quyết 117 của Chính phủ về kế hoạch thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025, các đơn vị hành chính thuộc diện sắp xếp gồm 3 trường hợp là cấp huyện, cấp xã có diện tích tự nhiên và quy mô dân số dưới 70% tiêu chuẩn; đơn vị hành chính cấp huyện diện tích dưới 20% và dân số dưới 200% tiêu chuẩn; cấp xã diện tích dưới 20% và dân số dưới 300% tiêu chuẩn.

Nhìn lại những lần chia tách, sáp nhập đơn vị hành chính của TPHCM - 4

TPHCM chỉ sắp xếp đơn vị hành chính cấp phường, chưa sắp xếp quận, huyện giai đoạn này (Ảnh: Nam Anh).

Các địa phương thuộc diện sắp xếp là những quận có diện tích dưới 7 km2 và dân số dưới 300.000 người; các huyện có dân số dưới 240.000 người và diện tích dưới 90 km2.

Hiện tại, TPHCM có 6 quận diện tích dưới 7km2, dân số thường trú dưới 300.000 người là quận 3, quận 4, quận 5, quận 10, quận 11, quận Phú Nhuận.

Tuy nhiên, căn cứ để TPHCM chưa thực hiện sắp xếp các quận, huyện giai đoạn này là Nghị quyết 35 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. Ngoài chỉ tiêu dân số và diện tích, việc sắp xếp đơn vị hành chính còn cần xét đến những trường hợp đặc thù.

Cụ thể, 4 trường hợp đặc thù, không thuộc diện sắp xếp là đơn vị hành chính có vị trí biệt lập, khó tổ chức giao thông kết nối thuận lợi với các đơn vị hành chính liền kề; có địa giới đơn vị hành chính đã hình thành ổn định và từ năm 1945 đến nay chưa thay đổi, điều chỉnh lần nào; có vị trí trọng yếu về quốc phòng, an ninh hoặc có đặc điểm về truyền thống lịch sử, văn hóa, dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục, tập quán riêng biệt; đơn vị hành chính nông thôn thuộc diện sắp xếp đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch phát triển thành đơn vị hành chính đô thị trong giai đoạn 2023-2030, có diện tích tự nhiên và quy mô dân số đạt tiêu chuẩn của đơn vị hành chính đô thị.

Nhìn lại những lần chia tách, sáp nhập đơn vị hành chính của TPHCM - 5

TP Thủ Đức hiện hữu được thành lập trên cơ sở sáp nhập 3 quận trước đây (Ảnh: Hải Long).

Vì vậy, UBND TPHCM đề xuất không thực hiện sắp xếp đối với đơn vị hành chính cấp huyện trong giai đoạn này trên cơ sở vận dụng các yếu tố đặc thù. Điều này nhằm đảm bảo ổn định chính trị, xã hội, phát triển kinh tế, không gây xáo trộn lớn.

UBND TPHCM cũng đề xuất Trung ương chấp thuận chủ trương không sắp xếp đối với đơn vị hành chính cấp huyện, xã liền kề mà sau khi hình thành đơn vị hành chính mới, khối lượng công việc của công chức tăng lên hơn 50% so với thời điểm trước đó.

Bên cạnh đó, các quận, huyện của TPHCM có hoạt động kinh tế sôi động, đạt chỉ tiêu thu ngân sách hàng năm cao hơn một số tỉnh. Do đó, thành phố kiến nghị Trung ương không bắt buộc thực hiện sắp xếp đối với đơn vị hành chính có hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển ổn định, thu ngân sách Nhà nước hàng năm đạt từ 1.000 tỷ đồng trở lên.