Nhiều vụ án "gây bão" dư luận vì những điều rất sơ đẳng!
(Dân trí) - Luật sư cho rằng, chất lượng xét xử của tòa án ở cấp sơ thẩm, phúc thẩm nhiều vấn đề chưa ổn, dẫn đến đơn đề nghị giám đốc thẩm còn cao. Nhiều vụ án “gây bão” dư luận vì những điều rất sơ đẳng.
Chiều 7/5, tại Hà Nội, Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức buổi tọa đàm “Tăng cường chất lượng giải quyết đơn giám đốc thẩm, tái thẩm".
Thời gian qua, Tòa án Nhân dân Tối cao (TANDTC), Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao (VKSNDTC) đã triển khai nhiều biện pháp đồng bộ nhằm thực hiện các nhiệm vụ Quốc hội giao trong công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án, góp phần giữ vững an ninh, chính trị và trật tự, an toàn xã hội, tạo tiền đề quan trọng đẻ phát triển kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, báo cáo của Viện trưởng VKSNDTC về công tác của ngành Kiểm sát nhân dân, báo cáo của Chánh án TANDTC về công tác của ngành Tòa án nhân dân (TAND) năm 2019 gửi đến Quốc hội cho thấy một số công tác chưa thật sự đáp ứng yêu cầu; trong đó có công tác giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm.
Phát biểu tại buổi tọa đàm, luật sư Phạm Công Hùng (nguyên Thẩm phán TANDTC) cho rằng, tỷ lệ giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm còn hạn chế. “Tôi nghĩ, có rất nhiều nguyên nhân. Trong đó, có nguyên nhân do số lượng đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm đối với các quyết định, bản án có hiệu lực pháp luật rất nhiều. Nhưng đội ngũ giúp việc cho tòa án có thẩm quyền giải quyết là TANDTC, TAND cấp cao thì số lượng ít, chất lượng cũng thực sự có năng lực cao. Thứ 2, khác với trước đây, hiện các Bộ Luật tố tụng dân sự, hình sự, hành chính… giao thẩm quyền tái thẩm, giám đốc thẩm chỉ TANDTC và TAND cấp cao (Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, Hà Nội)".
Ông Hùng phân tích tiếp, các tòa án cấp tỉnh không có thẩm quyền (trước đây thì có thẩm quyền). Thứ 3, cơ cấu tổ chức của tòa án cấp cao theo Luật hiện tại cũng có những vấn đề thực tiễn chưa ổn. Thể hiện, các đơn vị chuyên môn để giúp cho Chánh án Tòa án cấp cao xem xét đơn là các phòng giám đốc thẩm độc lập không nằm trong các Tòa chuyên trách. Trong khi, để đánh giá tính hợp pháp của một bản án thì các thẩm phán của các Tòa chuyên trách rất chuyên sâu. Cho nên, không tranh thủ được sự chuyên sâu của các thẩm phán toà chuyên trách.
Ý kiến của luật sư Hùng cũng cho rằng, một thực tiễn là chất lượng xét xử của tòa án ở cấp sơ thẩm, phúc thẩm có nhiều vấn đề chưa ổn, chất lượng chưa ổn thì lượng đơn đề nghị giám đốc thẩm sẽ cao. Có rất nhiều vụ án gần đây “gây bão” dư luận vì những điều rất sơ đẳng.
Luật sư Phạm Công Hùng lấy ví dụ như vụ án Hồ Duy Hải bị xét xử về tội giết người nhưng các chứng cứ chứng minh có rất nhiều vấn đề. Đặc biệt vụ này đã qua khâu kiểm soát ở giai đoạn giám đốc thẩm của Viện trưởng VKSNDTC, Chánh án TANDTC. May mắn là nó đã dừng lại ở khâu kiểm soát đơn xin ân giảm của Chủ tịch nước. Và giờ thì nhân dân đang chờ đợi kết quả.
Có ý kiến cho rằng, không giải quyết tốt đơn giám đốc thẩm, tái thẩm thì tòa án đã bỏ lỡ cơ hội quý giá để kiểm nghiệm lại chất lượng xét xử.
Ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội, cho rằng, án sơ thẩm, án phúc thẩm, thậm chí giám đốc thẩm trước đó chưa thấu tình đạt lý, chất lượng không cao, "người ta không phục thì người ta còn tiếp tục kiến nghị".
"Đây không phải ăn ốc nói mò mà thực tế nó thế. Khi tôi còn là luật sư đi bào chữa có đọc những bản án viết như vỡ lòng, rất là buồn. Quyền lợi của người dân bị xâm phạm, tội phạm bị bỏ lọt thì đương nhiên người dân tiếp tục phải khiếu nại. Bản thân các tòa án, viện kiểm sát có thẩm quyền kháng nghị, người dân phát hiện ra những bất cập, sai sót của các tòa án cấp dưới đã xét xử sơ thẩm, phúc thẩm, kể cả giám đốc thẩm", ông Lưu Bình Nhưỡng phân tích.
Ông Nhưỡng cho rằng, Bộ Luật tố tụng hình sự cho phép thẩm quyền của tòa án, mặc dù hội đồng thẩm phán tối cao đã xem xét rồi vẫn có quyền xem xét lại để bảo đảm quyền lợi của người dân....
Còn nhiều vụ việc "án bỏ túi"
Nhiều ý kiến phát biểu thảo luận cũng phân tích chất lượng xét xử hoàn toàn phụ thuộc vào công tác cán bộ, chưa cần nói đến cán bộ thiếu tinh thần trách nhiệm, ý thức kém, trình độ thấp, kỹ năng không có nhiều… từ đó dẫn đến nhiều vụ việc “án bỏ túi”.
Bên cạnh đó, còn có nguyên nhân không chỉ do các cơ quan tiến hành tố tụng, mà còn cả trách nhiệm của các luật sư. Có những luật sư không bảo vệ công lý mà chỉ nặng về dịch vụ. Đơn thư công dân không ít, nhưng có những vụ việc, đơn của dân cứ gửi mà người ta cứ “im lặng” không giải quyết, chỉ chuyển đơn, lòng vòng, hết cơ quan này đến cơ quan kia.
Luật sư Trương Trọng Nghĩa, đại biểu Quốc hội đoàn TP Hồ Chí Minh đặt vấn đề vì sao đơn giám đốc thẩm nhiều?
“Giám đốc thẩm, tái thẩm nhiều có nguyên nhân là: Nếu sơ thẩm, phúc thẩm làm tốt thì giám đốc thẩm sẽ giảm xuống. Phúc thẩm sinh ra là để sửa chữa sơ thẩm. Tòa án tỉnh hiện nay phúc thẩm rất nhiều, nếu án phúc thẩm làm tốt sẽ không lên đến giám đốc thẩm”, Luật sư Trương Trọng Nghĩa phân tích.
Một nguyên nhân khác là khi án sơ thẩm, phúc thẩm xử đúng rồi nhưng người dân vẫn cứ gửi đơn lên giám đốc thẩm, đây là quyền của người dân. Đã là đơn từ thì phải trả lời, xử lý, tòa phải trả lời.
Theo đánh giá của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tại báo cáo số 2188/BC-UBTP14, ngày 19/10/2019 đối với ngành kiểm sát, kết quả giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm về hình sự tăng không nhiều so với năm 2018. Các giải pháp tăng cường công tác giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm chưa thật sự phát huy hiệu quả. Tỷ lệ kháng nghị phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm các vụ, việc dân sự, kháng nghị phúc thẩm các vụ án hành chính được tòa án chấp nhận đều giảm so với năm 2018.
Đối với ngành tòa án, tỷ lệ giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm chưa cao (51%), chưa đạt chỉ tiêu 60% theo yêu cầu của Nghị quyết số 37 của Quốc hội, nhất là các TAND cấp cao chưa có thay đổi nhiều so với năm 2018. Qua khảo sát, giám sát của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho thấy vẫn còn một số trường hợp khiếu nại bức xúc, kéo dài do việc giải quyết đơn chưa kịp thời.
Nguyễn Dương