1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Nhiều nguy cơ rửa “tiền bẩn” qua ngân hàng, bất động sản

(Dân trí) - “Đối với các vụ đại án về tham ô thời gian qua cũng như vụ đánh bạc nghìn tỷ đồng đang bị điều tra về rửa tiền, trong số các tài sản thu được từ các vụ án đều liên quan đến các tài sản là các bất động sản”.

Thanh tra Chính phủ vừa ban hành kế hoạch hành động giải quyết những rủi ro rửa tiền, tài trợ khủng bố giai đoạn 2019-2020 và kế hoạch tổng thể cho đánh giá đa phương của Việt Nam về chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố.

Đồng thời công khai Báo cáo tóm tắt đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền và tài trợ khủng bố giai đoạn 2012-2017. Theo báo cáo này, các cơ quan thực thi pháp luật của Việt Nam đã đưa ra danh sách 17 loại tội phạm chính của tội rửa tiền vào đánh giá.

Nhiều nguy cơ rửa “tiền bẩn” qua ngân hàng, bất động sản - 1

(Ảnh minh hoạ: Nhận hối lộ).

Nguy cơ rửa tiền với loại tội tham ô là cao

Báo cáo đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền và tài trợ khủng bố giai đoạn 2012-2017 cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã tiến hành điều tra, khởi tố 1 vụ án về tội rửa tiền có nguồn gốc từ tội tham ô.

Trong nhóm tội phạm về tham nhũng, so với tội hối lộ và tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản, số vụ án bị truy tố, xét xử về tội tham ô tài sản cao hơn (năm 2016 xét xử 80 vụ với 161 bị cáo, năm 2017 xét xử 18 vụ với 41 bị cáo).

“Qua các vụ án tham ô tài sản được xét xử có thể thấy các khoản tiền bị chiếm đoạt là rất lớn, có những vụ án số tiền này lên đến hàng trăm tỷ đồng. Các khoản tiền bị chiếm đoạt này được sử dụng cho mục đích chi tiêu cá nhân, mua sắm bất động sản, tài sản có giá trị hoặc được “rửa tiền”. Có thể kết luận nguy cơ rửa tiền đối với loại tội phạm này (tham ô tài sản) là cao”- báo cáo nêu.

Đối với tội nhận hối lộ, báo cáo cho biết thực tế hành vi hối lộ thường khó phát hiện nhưng những năm gần đây những vụ án hối lộ thường có giá trị lớn dẫn đến nguy cơ rửa tiền với tội phạm này ngày càng tăng cao. Số tiền phải thi hành án đối với tội hối lộ năm 2017 tăng gấp 3 lần so với năm 2016.

Chính vì thế, Thanh tra Chính phủ kết luận nguy cơ tiềm ẩn về rửa tiền đối với loại tội phạm này là trung bình cao.

Còn đối với tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản, báo cáo cho rằng trong cơ cấu án về các tội phạm tham nhũng, số vụ án và bị cáo bị xét xử hàng năm đối với tội này là thấp hơn so với tội tham ô tài sản và cao hơn so với tội hối lộ (số liệu xét xử đối với loại tội phạm này vào năm 2016 và 2017 lần lượt là 26 vụ với 42 bị cáo và 34 vụ với 48 bị cáo).

Số tiền phải thi hành án đối với loại tội phạm này cũng chiếm tỷ lệ nhỏ trong cơ cấu án về các tội phạm tham nhũng (số tiền phải thi hành án năm 2016 là 18,1 tỷ đồng, nhưng tăng đột biến vào năm 2017 lên 64,4 tỷ đồng).

“Tội phạm lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản thuộc nhóm tội tham nhũng nên cần đặc biệt quan tâm theo dõi trong quá trình điều tra về tội rửa tiền. Thực tiễn điều tra, truy tố, xét xử loại tội phạm này cho đến nay cho thấy tội phạm chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản thuộc nhóm nguy cơ cao liên quan đến rửa tiền. Thời gian qua có nhiều vụ đại án xảy ra có nguồn gốc từ việc lạm dụng chức vụ quyền hạn để chiếm đoạt tài sản”- báo cáo nêu và kết luận nguy cơ rửa tiền đối với loại tội phạm này là trung bình cao.

Nhận định đến nay Việt Nam chưa phát hiện vụ rửa tiền nào liên quan đến tội trốn thuế nhưng báo cáo khẳng định tội phạm trốn thuế vẫn đang diễn ra hết sức phức tạp, với những thủ đoạn tinh vi hơn, gây ra không ít khó khăn cho cơ quan có thẩm quyền trong phát hiện và xử lý.

“Số tiền thất thoát do tội phạm trốn thuế gây ra cho ngân sách nhà nước là rất lớn. Do đó nguy cơ tội phạm trốn thuế rửa các khoản tiền có được do hoạt động phạm tội mà có là trung bình cao”- báo cáo đánh giá.

Tội phạm chọn ngân hàng để biến “tiền bẩn” thành “tiền sạch”

Báo cáo đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền và tài trợ khủng bố giai đoạn 2012-2017 nhấn mạnh, tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam chưa tiến hành khởi tố, điều tra vụ án nào về tội rửa tiền có nguồn gốc từ tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Số liệu thống kê về khởi tố, truy tố và xét xử về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản cho thấy hàng năm số lượng vụ án được các cơ quan đưa ra xét xử là rất nhiều (trung bình hơn 1.000 vụ/năm với số bị cáo bị kết tội là hơn 1.200 bị cáo).

Năm 2016 với 1.073 vụ án được xét xử thì số tiền phải thi hành án lên đến gần 12.500 tỷ đồng; tuy nhiên số tiền thu hồi mới đạt 45,5 tỷ đồng. Trong năm 2017, loại tội phạm này có dấu hiệu hạ nhiệt với 958 vụ án bị xét xử thì số tiền phải thi hành án là 204 tỷ đồng và số tiền thu hồi đạt 18,8 tỷ đồng.

Điều này cho thấy mặc dù số tiền cần phải thu hồi trong các vụ án về lừa đảo chiếm đoạt tài sản khá lớn xong tỷ lệ thu hồi được thực tế chưa tới 10%. Thực tiễn công tác điều tra, truy tố, xét xử đối với tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản cho thấy nhiều vụ án thường được thực hiện bởi các cá nhân và tội phạm có xu hướng sử dụng các khoản tiền chiếm đoạt được cho mục đích chi tiêu cá nhân thay vì chuyển sang cho người khác.

“Trong các vụ việc lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản với giá trị lớn, nguy cơ rửa tiền vẫn tiềm ẩn. Do đó nguy cơ rửa tiền đối với nhóm tội này được đánh giá là trung bình cao”-báo cáo nêu.

Nhiều nguy cơ rửa “tiền bẩn” qua ngân hàng, bất động sản - 2

Phan Sào Nam tại phiên toà đánh bạc nghìn tỷ (Ảnh: Nguyễn Dương)

Báo cáo cũng đánh giá nguy cơ rửa tiền đối với lĩnh vực ngân hàng là cao; chiếm gần 90% tổng số báo cáo giao dịch đáng ngờ (STR) gửi đến Cục Phòng chống rửa tiền - cao hơn các lĩnh vực khác.

Mặc dù không phải tất cả các khoản tiền bất chính đều được tội phạm đưa vào chu trình tẩy rửa tiền, song điều này cũng chứng tỏ so với các lĩnh vực khác trong nền kinh tế, khả năng bọn tội phạm lựa chọn hệ thống ngân hàng nhằm hợp thức hóa các khoản thu bất chính để biến những đồng “tiền bẩn” trên thành “tiền sạch” là cao hơn.

“Căn cứ vào những vụ đại án đã và đang bị điều tra về tội rửa tiền thời gian qua và các số liệu về STR của Cục phòng, chống rửa tiền có thấy nguy cơ rửa tiền trong lĩnh vực ngân hàng có thể liên quan chủ yếu đến việc rửa tiền có nguồn gốc từ tội phạm tham ô tài sản (tội phạm chủ yếu liên quan đến người có chức vụ, quyền hạn), đánh bạc và trốn thuế. Để che giấu nguồn tiền thu được, tội phạm thường sử dụng tài khoản ngân hàng dưới tên người khác để nhận và chuyển các khoản tiền có nguồn gốc bất hợp pháp”- báo cáo nhận định.

Lĩnh vực bất động sản cũng thu hút được nhiều nguồn tiền đầu tư có giá trị lớn, các giao dịch mua bán, chuyển nhượng có thể thực hiện bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản và không thông qua sàn giao dịch bất động sản nên rất khó cho các cơ quan chức năng kiểm tra, xác định nguồn gốc của tiền.

Đối với các vụ đại án về tham ô thời gian qua cũng như vụ đánh bạc nghìn tỷ đồng đang bị điều tra về rửa tiền , trong số các tài sản thu được từ các vụ án đều liên quan đến các tài sản là các bất động sản.

"Để rửa tiền, các đối tượng phạm tội thường nhờ người thân trong gia đình mua, chuyển nhượng, cho tặng bất động sản. Với các phân tích đó đưa ra kết luận nguy cơ rửa tiền trong lĩnh vực bất động sản là cao"- báo cáo đánh giá.

Thế Kha