1. Dòng sự kiện:
  2. Nam shipper bị đánh tử vong
  3. Vé số trúng 2 tỷ đồng bị từ chối trả thưởng

Vụ đánh bạc nghìn tỷ: Phan Sào Nam thừa nhận hành vi "rửa tiền"

(Dân trí) - Khi được được yêu cầu lên bục khai báo để xác nhận lời khai của bị cáo Hoàng Trọng Văn (Giám đốc Công ty ODS), bị cáo Phan Sào Nam thừa nhận lời khai của Văn là đúng, đồng nghĩa với việc thừa nhận hành vi “rửa tiền” của mình.

Chiều nay (16/11), TAND tỉnh Phú Thọ tiếp tục mở phiên xét xử sơ thẩm vụ án “Đánh bạc nghìn tỷ”. Trong phiên xét xử chiều nay, HĐXX yêu cầu bị cáo Hoàng Trọng Văn (SN 1982, ở TPHCM) lên bục khai báo để làm rõ về hành vi “Mua bán hóa đơn trái phép”.

Quang cảnh phiên tòa.
Quang cảnh phiên tòa.

Theo cáo trạng, khi Phan Sào Nam - Giám đốc Công ty VTC online đề nghị Huỳnh Trọng Văn xử lý nguồn tiền cho Công ty VTC online và Công ty Nam Việt bằng thủ đoạn ký hợp đồng thuê máy chủ của Công ty ODS. Trên cơ sở hợp đồng, Công ty ODS xuất 14 tờ hóa đơn giá trị gia tăng (GTGT) khống cho Công ty VTC online và 22 tờ hóa đơn khống cho Công ty Nam Việt, với tổng số tiền là hơn 85 tỷ đồng. Sau khi Công ty ODS hợp thức hóa đơn GTGT và nhận được tiền từ Công ty Nam Việt và Công ty VTC online chuyển khoản đến, Huỳnh Trọng Văn trực tiếp rút tiền từ khoản Công ty rồi giao chị Nguyễn Thị Thúy - kế toán Công ty ODS nộp tiền vào tài khoản cá nhân của Vũ Hà Phương - kiểm soát kế toán Công ty Nam Việt để chi theo chỉ đạo của Phan Sào Nam. Công ty ODS thu lợi bất chính hơn 7,8 tỷ đồng từ hành vi bán hóa đơn GTGT khống.

Tuy nhiên khai tại tòa chiều nay, bị cáo Văn cho biết số tiền thực chất Công ty ODS được lợi nhuận trong hợp đồng là 116 triệu đồng, vì công ty đã bỏ ra cho Công ty Nam Việt và VTC Online thuê máy chủ là 7,6 tỉ đồng. Đây là số tiền giao dịch bất hợp pháp, đến nay Công ty ODS đã nộp 116 triệu đồng để khắc phục hậu quả.

Bị cáo Phan Sào Nam (bìa trái) và Huỳnh Trọng Văn.
Bị cáo Phan Sào Nam (bìa trái) và Huỳnh Trọng Văn.

Sau đó, đại diện VKS đã đưa ra tài liệu chứng minh việc Công ty ODS hưởng lợi bất chính. Cụ thể, Huỳnh Trọng Văn đã bán cho Công ty Nam Việt 22 hóa đơn GTGT khống với tổng doanh số là 80 tỷ đồng, bán 14 hóa đơn GTGT khống cho Công ty VTC Online với doanh số là 5 tỉ đồng. Văn cho người rút ra và chuyển lại vào tài khoản Vũ Hà Phương 78 tỉ đồng, còn lại Công ty ODS hưởng lợi hơn 7,8 tỷ đồng.

Bị cáo Văn tiếp tục giải thích về số tiền trên nhưng đại diện VKS cho biết sẽ tiếp tục tranh luận trong phần tranh tụng.

Cáo trạng cho biết, hành vi của Huỳnh Trọng Văn đủ yếu tố cấu thành tội phạm “Mua bán trái phép hóa đơn” quy định tại điểm d, đ khoản 2, Điều 203 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Tiếp theo, HĐXX yêu cầu bị cáo Phan Sào Nam lên bục khai báo (đây là lần đầu tiên bị cáo Nam lên bục khai báo từ hôm khai mạc phiên tòa, ngày 12/11 đến nay), bị cáo Nam bình tĩnh trả lời những câu hỏi của HĐXX.

Nam xác nhận việc những lời khai của Văn về việc thỏa thuận mua bán hóa đơn trái phép là đúng. Ngoài ra, HĐXX hỏi Nam một số thông tin ngắn gọn khác nhưng Nam nói không nhớ, sau đó về vị trí ghế ngồi dành cho bị cáo.

Theo bản kết luận điều tra số 829/ANĐT ngày 18/7/2018 của Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Phú Thọ về vụ án trên, bị can Phan Sào Nam (cựu Chủ tịch HĐQT VTC online), Nguyễn Văn Dương (cựu Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH đầu tư phát triển an ninh công nghệ cao - CNC) và đồng phạm đã lợi dụng công nghệ cao, tổ chức 25 “đại lý cấp 1”, gần 6.000 “đại lý cấp 2” với gần 43 triệu tài khoản đăng ký tham gia đánh bạc trực tuyến bằng hình thức game bài RikVip/Tip.Club, thu lời bất chính trên 9.800 tỷ đồng, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Nguyễn Dương