1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Nhiều lãnh đạo cơ quan thi hành án bị kỷ luật

(Dân trí) - Tổng cục trưởng Thi hành án dân sự yêu cầu đối với các hành vi tiêu cực, tham nhũng, sai phạm đã được phát hiện, kết luận thì phải xử lý thật nghiêm, kể cả phải áp dụng các hình thức xử lý cao nhất.

Tổng cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp) cho biết, kết quả công tác thi hành án dân sự những năm qua ngày càng bền vững, luôn đạt và vượt chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, so với yêu cầu thì việc thực hiện kỷ luật, kỷ cương và phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực thi hành án dân sự vẫn còn hạn chế đã được đề cập trong các báo cáo trước Quốc hội, Chính phủ, trong ngành tư pháp, và trên phương tiện thông tin đại chúng.

Nhiều lãnh đạo cơ quan thi hành án bị kỷ luật - 1

Ông Nguyễn Quang Thái - Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự.

Có hiện tượng chấp hành viên đòi chia phần trăm?

Theo thống kê, năm 2020, toàn hệ thống thi hành án dân sự có 63 trường hợp bị xử lý kỷ luật, trong đó có 24 trường hợp bị xử lý do vi phạm về nghiệp vụ.

Ngoài ra, 9 tháng qua, toàn hệ thống đã xử lý kỷ luật 57 trường hợp, trong đó có 30 trường hợp xử lý kỷ luật về mặt chính quyền và 27 trường hợp xử lý kỷ luật về mặt đảng. "Trong số các trường hợp bị xử lý có một nguyên Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự, 2 nguyên Phó cục trưởng; Giáng chức một Cục trưởng, cảnh cáo một Cục trưởng. Một số Chi cục trưởng ngoài việc bị xem xét kỷ luật từ khiển trách đến cảnh cáo còn bị miễn nhiệm chức vụ…"- Tổng cục Thi hành án dân sự cho hay.

Gần đây, báo chí còn phản ánh một khía cạnh của công tác thi hành án dân sự, trong đó chỉ ra các nguyên nhân chủ quan dẫn đến hạn chế của công tác thi hành án dân sự là do chấp hành viên thiếu tích cực, sai phạm, thậm chí có hiện tượng chấp hành viên đòi chia phần trăm.

Tổng cục Thi hành án dân sự cho rằng, bối cảnh thực hiện nhiệm vụ trong thời gian tới vô cùng khó khăn: Vừa phải nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, thực hiện hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao, vừa phải tiếp tục tăng cường kỷ cương, kỷ luật, chấn chỉnh, xử lý nghiêm sai phạm; đồng thời phải ứng phó với tình hình dịch bệnh Covid-19 đang xảy ra ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước (nhất là các tỉnh, thành khu vực phía Nam và thành phố Hà Nội).

Vì thế, Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự Nguyễn Quang Thái vừa yêu cầu toàn hệ thống tiếp tục nâng cao tinh thần trách nhiệm, gương mẫu, thực hiện nghiêm Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ.

Việc quán triệt, học tập các Nghị quyết của Đảng phải đi vào thực chất, mỗi đảng viên, công chức trong toàn hệ thống thi hành án dân sự phải tự nhận thức về tầm quan trọng của việc thực hiện kỷ luật, kỷ cương; nâng cao ý thức, trách nhiệm về phòng, chống tham nhũng.

Các giải pháp phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng

Ông Nguyễn Quang Thái yêu cầu toàn hệ thống xây dựng "Chương trình hành động đẩy mạnh phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng, sai phạm trong thi hành án dân sự giai đoạn 2021-2025" tại đơn vị mình; thời gian hoàn thành trước ngày 15/9/2021.

Chương trình hành động phải cụ thể, các giải pháp phải rõ ràng, bảo đảm tất cả các khâu của quá trình thi hành án dân sự phải được kiểm soát chặt chẽ, không để xảy ra tiêu cực, tham nhũng, sai phạm.

Trong đó cần tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến nghiệp vụ thi hành án, tổ chức cán bộ, kế hoạch tài chính, đầu tư xây dựng cơ bản; nhất là những nội dung chưa rõ ràng, dễ xảy ra tiêu cực, tham nhũng, sai phạm.

Về tổ chức thi hành án, ông Nguyễn Quang Thái yêu cầu tập trung giải pháp để phòng ngừa, kiểm soát tốt các khâu: phân công tổ chức thi hành vụ việc cho chấp hành viên; việc thực hiện các trình tự thủ tục, tiến độ thi hành án; cách thức, giải pháp để kiểm soát việc chấp hành viên, nhất là hoạt động kê biên, định giá, đưa tài sản ra bán đấu giá; kiểm soát chặt chẽ việc tổ chức bán đấu giá tài sản; tổ chức cưỡng chế thi hành án có huy động lực lượng; công khai họ tên, chức vụ của người có thẩm quyền giải quyết công việc thi hành án dân sự cho tổ chức, cá nhân có liên quan biết; việc tập trung chỉ đạo, giải quyết những vụ án lớn, phức tạp, các vụ việc liên quan đến thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế...

Tập trung các giải pháp kiểm soát tốt các khâu của công tác cán bộ như công khai quy trình, thủ tục tuyển dụng, quy hoạch, bổ nhiệm, điều động, luân chuyển, đánh giá, khen thưởng, kỷ luật; việc kiểm soát tài sản, thu nhập của công chức định kỳ hàng năm và đột xuất. Chú trọng giải pháp để giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo ngay từ cơ sở; hạn chế và tiến tới chấm dứt tình trạng khiếu nại, tố cáo vượt cấp, kéo dài.

Đặc biệt, có cơ chế bảo vệ, khen thưởng kịp thời, xứng đáng với cá nhân tích cực đấu tranh, tố cáo hành vi tham nhũng. Xử lý nghiêm mọi hành vi trù dập, trả thù người tố cáo tham nhũng hoặc lợi dụng việc tố cáo tham nhũng, tiêu cực gây mất đoàn kết nội bộ…

Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trong hệ thống thi hành án cần xác định việc giáo dục công chức, viên chức, người lao động là nhiệm vụ trọng tâm nhằm chủ động phòng ngừa vi phạm, nhũng nhiễu, tham nhũng.

"Đối với các hành vi tiêu cực, tham nhũng, sai phạm đã được phát hiện, kết luận thì phải xử lý thật nghiêm, kể cả phải áp dụng các hình thức xử lý cao nhất, theo đúng tinh thần "Không có vùng cấm, không có đặc quyền, không có ngoại lệ, không chịu sức ép của bất cứ tổ chức, cá nhân nào"; chủ động ngăn chặn, xử lý có hiệu quả tình trạng "tham nhũng vặt" trong thi hành công vụ"- lãnh đạo Tổng cục Thi hành án dân sự nêu rõ.

Thông tin đầy đủ các vấn đề cho cơ quan báo chí

Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự yêu cầu các đơn vị thi hành án kịp thời phối hợp, thông tin đầy đủ, chính xác các vấn đề liên quan đến hoạt động tại địa phương mình cho các cơ quan báo chí, bảo đảm phù hợp với quy định, quy chế phát ngôn của đơn vị. Đồng thời tích cực, chủ động nắm bắt thông tin dư luận, báo chí để có giải pháp, biện pháp phòng ngừa, chấn chỉnh, xử lý các vi phạm (nếu có).