1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Nhiều diện tích rừng bị "cạo trọc, đốt sạch"

Chí Anh

(Dân trí) - Nhiều diện tích rừng được giao khoán cho cộng đồng ở Gia Lai đang từng ngày bị "cạo trọc" với mục đích làm rẫy. Chưa có chế tài xử lý rõ ràng đối với cộng đồng nhận rừng nên tình trạng còn tiếp diễn.

Thời gian qua, nhiều cánh rừng tự nhiên ở xã Kon Chiêng, huyện Mang Yang, Gia Lai liên tục bị tàn phá, xâm hại theo hình thức "cạo trọc, đốt sạch", có hành vi khai thác gỗ trái phép.

Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Nguyễn Thành Vĩnh, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Mang Yang, cho biết: "Chỉ trong tháng 3, cơ quan chức năng đã ghi nhận có 4 vụ phá rừng tại xã Kon Chiêng. Tất cả vị trí rừng bị phá đều là rừng giao khoán cho cộng đồng các làng của xã Kon Chiêng. Tổng diện tích bị phá là hơn 8.000m2, mục đích phá là lấn chiếm rừng để làm rẫy".

Cận cảnh những diện tích rừng cộng đồng bị "cạo trọc" (Video: Chí Anh).

Nhiều diện tích rừng bị cạo trọc, đốt sạch - 1

Từng vạt rừng ở xã Kon Chiêng bị "cạo trọc" trong mùa khô (Ảnh: Chí Anh).

Những ngày trung tuần tháng 3, phóng viên mục sở thị rừng dọc tuyến tỉnh lộ 666 từ huyện Mang Yang qua huyện Ia Pa. Giữa cái nắng khô khốc, rừng bị người dân cạo từng khoảnh, xa xa tiếng cưa thét gầm xen lẫn khói nghi ngút.

Rừng tái sinh bị cắt ngang gốc hoặc hạ trắng, hàng trăm cây gỗ, mùn cưa và những mảnh bìa nằm rải rác khắp nơi. Nhiều cây mới bị cắt còn ứa mủ, chưa kịp xẻ gỗ nằm ngổn ngang tại hiện trường. Số cây không tận dụng được bị đốt cháy đen nằm khắp nơi.

Gia-lai_tung-vat-rung-bi-pha_Chi-Anh

Tất cả những cây lớn, bé đều bị hạ trắng để lấy đất sản xuất (Ảnh: Chí Anh).

Rừng liên tục bị tàn phá, thay vào đó là những rẫy mì mọc lên. Việc phá rừng để làm nương rẫy diễn ra một cách công khai dọc hai bên đường đi vào các làng.

Trước tình trạng này, UBND tỉnh Gia Lai đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị liên quan điều tra, xử lý nghiêm các vụ phá rừng trái pháp luật xảy ra trên địa bàn xã Kon Chiêng.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Gia Lai đã phối hợp với Chi cục Kiểm lâm, UBND huyện Mang Yang và các đơn vị liên quan thành lập đoàn vào hiện trường kiểm tra, xác định diện tích rừng bị thiệt hại.

Gia-lai_tung-vat-rung-bi-pha_Chi-Anh

Các diện tích rừng bị phá đều nằm ở khung xử lý hành chính (Chí Anh).

Ông Võ Đình Huy, Chủ tịch UBND xã Kon Chiêng, huyện Mang Yang cho biết: "Năm 2023, cơ quan chức năng đã giao khoán toàn bộ hơn 4.000ha rừng cho cộng đồng 4 làng quản lý, bảo vệ. Khi cộng đồng nhận bảo vệ diện tích này sẽ nhận được tiền dịch vụ môi trường rừng".

Hàng ngày, cộng đồng sẽ phân công các hộ có trách nhiệm phối hợp cùng kiểm lâm, chính quyền xã tuần tra, bảo vệ. Tuy nhiên, trước tập quán sinh hoạt, du canh, du cư nên nhiều cá nhân đã có hành vi lấn chiếm, phá rừng để làm rẫy.

"Một số người dân còn e ngại, sợ va chạm nên chưa kịp thời báo cáo. Việc giao khoán rừng này cũng còn tồn tại một số bất cập vì xã không phải là đơn vị chuyên trách và thiếu nhân lực. Trước tình trạng nóng về lấn chiếm rừng, các cán bộ, lãnh đạo xã đã thay nhau túc trực, tham gia tuần tra cùng cộng đồng", ông Huy cho hay.

Gia-lai_tung-vat-rung-bi-pha_Chi-Anh

Mùa khô năm nay do giá mì cao cũng là nguyên nhân khiến nhiều diện tích rừng bị "cạo trọc" (Chí Anh).

Theo ông Nguyễn Thành Vĩnh, nhiều nguyên nhân dẫn đến rừng bị xâm hại, có sự chủ quan của UBND xã trong việc phối hợp cùng cộng đồng bảo vệ rừng. Ngoài xử lý cá nhân vi phạm, lực lượng kiểm lâm đang vướng trong việc xử lý các cộng đồng làng được giao khoán rừng.

"Cá nhân vi phạm thì rõ ràng sẽ bị xử lý theo quy định. Tuy nhiên, cộng đồng được giao nhiệm vụ và hưởng tiền dịch vụ môi trường rừng sẽ bị xử lý trách nhiệm như thế nào. Về việc này, chúng tôi đã nghiên cứu để tham mưu cụ thể nhằm tăng cường công tác tuyên truyền, xử lý nhằm giúp việc giao khoán rừng có hiệu quả hơn", ông Vĩnh chia sẻ thêm.

Gia-lai_tung-vat-rung-bi-pha_Chi-Anh

Theo cơ quan chức năng, những cánh rừng giao khoán cho cộng đồng rất khó xử lý trách nhiệm đối với người nhận giao khoán (Ảnh: Chí Anh).

Trước những vạt rừng đang bị "cạo trọc" liên tục trong mùa khô, cơ quan chức năng huyện Mang Yang đã vào cuộc và xác định được những người dân có hành vi vi phạm luật lâm nghiệp.

Cơ quan chức năng đã phối hợp để xác định diện tích nhằm đưa ra hình thức xử phạt nghiêm khắc đối với người vi phạm. Đồng thời, Hạt Kiểm lâm và xã đã mời 4 cộng đồng làng được giao rừng lên làm việc, họp tuyên truyền, làm biên bản cam kết đối với từng hộ dân.