Nhiều công trình cổ trăm tuổi ở Hà Nội chờ ngày được "giải mật"
(Dân trí) - Hà Nội vẫn còn nhiều di tích lịch sử, công trình kiến trúc đặc biệt mà ít người dân được tiếp cận. Đến nay, những công trình này vẫn nằm im lặng lẽ để chờ ngày được "giải mật" như tháp nước Hàng Đậu.
Tháp Đồn Thủy (xưa gọi là Đài Cuối) nằm ở cuối thành phố, ngay trong trại lính của thực dân, vì thế người Hà Nội ít ai biết đến. Tháp Đồn Thủy giống hệt với tháp Hàng Đậu (xưa gọi là Đài Đầu), được xây cùng thời điểm khoảng 1894 (Ảnh: Mạnh Quân).
Tháp nước Đồn Thủy xưa có chức năng cung cấp nước cho trại lính Đồn Thủy và cả nhà thương quân sự vừa xây dựng xong. Trước cửa đài nước cũng đặt van để khống chế nước cho dân về các ngả như dồn nước về các phố Tây, nhà hát Tây (nay là Nhà hát Lớn thành phố) thuộc về khu vực đông nam thành phố (Ảnh: Mạnh Quân).
Hiện tháp Đồn Thủy nằm trong khuôn viên Công ty cổ phần sản xuất kinh doanh nước sạch số 3 Hà Nội (cạnh Bệnh viện Quân y 108), hình dáng còn giữ nguyên vẹn. Có giá trị như một chứng tích của một giai đoạn đấu tranh, phát triển của Thủ đô (Ảnh: Mạnh Quân).
Cột cờ Hà Nội (Kỳ đài) nằm trên đường Điện Biên Phủ (Ba Đình) được xây dựng năm 1812, dưới thời Vua Gia Long triều Nguyễn trên phần đất phía nam của Hoàng thành Thăng Long. Đây chính là nơi xây tòa thành Tam Môn của Hoàng thành Thăng Long thời Lê (Ảnh: Hữu Nghị).
Trong thân cột có 54 bậc thang xoáy chôn ốc lên đến tận đỉnh nhưng hơn 10 năm trở lại đây đã đóng cửa với khách tham quan. Du khách đến đây phải dừng bước tại tầng đế thứ ba (Ảnh: Hữu Nghị).
Các bậc thềm lên đỉnh tháp phía bên trong Cột cờ Hà Nội.
Nếu được mở lại, đây kỳ vọng là điểm đến tham quan, check-in và ngắm cảnh thành phố yêu thích của khách du lịch trong và ngoài nước (Ảnh: Hữu Nghị).
Ô Quan Chưởng là cửa ô duy nhất còn lại đến ngày nay của kinh thành Thăng Long xưa. Được thiết kế theo kiểu vọng lâu, mặt trước nhìn về phía đông và sông Hồng, mặt sau nhìn về phía tây và phố Hàng Chiếu, mang đậm nét kiến trúc thời nhà Nguyễn với những mái vòm (Ảnh: Hữu Nghị).
Phần đế có một cửa tò vò, với bậc cầu thang để đi lên phía trên cửa ô. Chỉ có người trông coi mới mở được để trông coi, quét dọn các tầng phía trên (Ảnh: Hữu Nghị).
Ô Quan Chưởng được chia làm 2 tầng, tầng dưới gồm 3 mái vòm, cửa chính ở giữa cao tới 3m, rộng gần 3m, hai cửa phụ nằm ở hai bên. Tầng trên có vọng lâu 4 mái, phía trên đắp chữ Hán bằng mảnh sứ màu xanh ghi chữ: "Đông Hà Môn".
Anh Tuấn (nhà tại quận Cầu Giấy) cho rằng, nếu tận dụng không gian 2 cửa phụ cùng với diện tích tầng 2 của Ô Quan Chưởng làm điểm đến tham quan, trưng bày triển lãm hoặc ngắm cảnh thì cũng sẽ thu hút khá nhiều sự quan tâm của người dân và du khách. Nếu so sánh, diện tích bên trong tháp nước Hàng Đậu cũng không khác nhiều với các công trình nói trên (Ảnh: Hữu Nghị).
"Biệt thự Bảo Đại" tại ngõ 186 Ngọc Hà tồn tại đến nay đã hơn trăm năm. Mọi chi tiết, chất liệu, kiến trúc đều toát lên vẻ giàu sang đến xa hoa. Tuy vậy thông tin căn nhà có phải của vua Bảo Đại hay không đã gặp nhiều ý kiến phản biện. Đây cũng là điểm đến văn hóa ít người dân biết tới nhưng chưa được khai thác đúng cách (Ảnh: Hữu Nghị).
Bên trong, mỗi tầng của tòa nhà được chia từ 3-5 phòng. Các phòng đều được lắp đặt lò sưởi, tủ âm tường bằng gỗ lim. Toàn bộ đường điện đều được đi âm tường có ống ghen thép. Tường nhà có độ dày lên tới 60cm, vừa cách âm lại chống nóng tốt (Ảnh: Hữu Nghị).
Căn biệt thự cổ tuyệt đẹp tại 38 Lý Thái Tổ (bên trong Cung Thiếu nhi Hà Nội), nơi đây lúc 16h30 ngày 6/3/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Jean Sainteny đại diện Chính phủ Cộng hòa Pháp đã ký bản hiệp định sơ bộ về quan hệ giữa hai nước. Đây là bản điều ước quốc tế đầu tiên của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sau ngày tuyên bố độc lập (Ảnh: Hữu Nghị).
Căn biệt thự mang đậm kiến trúc Pháp trong khuôn viên rộng hàng trăm mét vuông. Bên phải tòa nhà còn có một tháp hình bát giác, cao hai tầng lợp ngói (Ảnh: Hữu Nghị).
Tòa nhà Bưu điện Hà Nội tại 75 Đinh Tiên Hoàng (nay là trụ sở của VNPT Hà Nội) xây dựng từ năm 1976, đến năm 1978 chính thức đi vào hoạt động. 12h trưa Ngày Quốc khánh 2/9/1978 là ngày chiếc đồng hồ trên nóc nhà Bưu điện Hà Nội bên bờ Hồ Hoàn Kiếm ngân lên âm điệu của bài "Ca ngợi Hồ Chủ tịch". Đồng hồ đánh nhạc vào 6 giờ - 12 giờ - 18 giờ và đánh chuông từ 6 đến 22 giờ hằng ngày (Ảnh: Hữu Nghị).
Nhiều ý kiến độc giả cho rằng có thể tận dụng và cải tạo diện tích rộng lớn trên sân thượng tòa nhà Bưu điện Hà Nội làm điểm đến thăm quan, ngắm cảnh hồ Gươm và check-in bên chiếc đồng hồ được coi là biểu tượng của Thủ đô Hà nội hơn 40 năm qua. Trước đây, địa điểm này cũng đã tổ chức nhiều sự kiện văn hóa, giải trí, tiệc gala đón chào năm mới (Ảnh: Hữu Nghị).