1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Nhiều bệnh nhi mắc bệnh tiêu chảy cấp không có biểu hiện

(Dân trí) - Một bệnh nhân 11 tuổi bị tiêu chảy cấp ở tỉnh Vĩnh Phúc vẫn đi học bình thường, dù chưa được điều trị. Đây là một bằng chứng cho thấy, nếu mỗi người dân không tự ý thức được căn bệnh nguy hiểm này thì chúng ta sẽ tự giết mình cùng với cộng đồng.

Thông tin trên được báo cáo tại cuộc họp ban chỉ đạo của Bộ Y tế chiều 3/11. Báo cáo còn chỉ ra rằng, đây không phải là trường hợp duy nhất nhiễm tiêu chảy cấp nguy hiểm sống trong cộng đồng.

 

Bỏ qua bệnh nhi tiêu chảy cấp nghiêm trọng

 

Theo báo cáo của đoàn kiểm tra tại xã Liên Mạc (Mê Linh, Vĩnh Phúc) đã có 8 người bị tiêu chảy cấp, trong đó có tới 4 người trong một gia đình cùng mắc bệnh.

 

Trước đó, gia đình này ăn mắm tép (được mua ở Văn Điển - Hà Nội, nguồn hàng từ Thanh Hoá) chưng lên nhưng vẫn bị tiêu chảy cấp. Điều đáng nói là một bệnh nhân 11 tuổi trong gia đình đã không phải nằm viện để điều trị và cách ly, mà còn đi học bình thường.

 

Trường hợp này khiến hàng trăm học sinh trong trường cũng như cộng đồng dân cư xung quanh có nguy cơ bị nhiễm bệnh dịch. Ước tính có khoảng 500 học sinh và dân cư sống gần bệnh nhân bị tiêu chảy này đang trong nguy cơ bị lây lan rất cao.

 

Tính đến 18h ngày 3/11, số bệnh nhân có kết quả xét nghiệm dương tính với vi khuẩn gây tiêu chảy cấp nguy hiểm là 73, tăng 23 người so với hôm trước.

 

Hai ngày qua, số bệnh nhân nhập viện do dịch này vẫn không ngừng tăng lên. Hiện, cả nước có gần 400 người, trong đó riêng Hà Nội 344 người đã nhập viện. 

Một vấn đề nữa đó là việc quản lý chất thải của người ở các trường học và chợ xung quanh khu vực này đều chưa đảm bảo và thực hiện theo đúng yêu cầu của Bộ Y tế. Cụ thể là chưa rắc vôi bột và bảo đảm vệ sinh môi trường - yếu tố quan trọng để tránh dịch bệnh lây lan.

 

Sự việc xảy ra tại Vĩnh Phúc chứng tỏ vẫn có những địa phương quá coi thường dịch bệnh. 

 

Ngay tại Hà Nội, cũng có hai bà cháu nghi tiêu chảy cấp phải nhập viện. Trong đó, người bà có kết quả xét nghiệm dương tính còn cháu bé thì vẫn được về nhà, trong khi không qua bất cứ một giai đoạn xét nghiệm hay điều trị nào.

 

Hai trường hợp kể trên cho thấy, chúng ta đang bỏ trống đối tượng trẻ em trong việc phòng chống dịch tiêu chảy cấp, ngay cả khi trẻ đã bị bệnh.

 

Theo bác sỹ Nguyễn Hồng Hà, Phó giám đốc Viện các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới quốc gia: Hiện nay nguy cơ bùng phát dịch đã rất mạnh, có lẽ là do vẫn có nhiều người coi thường dịch bệnh. Đề nghị Bộ Y tế xem xét đến việc tuyên truyền một cách mạnh mẽ hơn và nói rõ hơn về dịch bệnh cực kỳ nguy  hiểm này.

 

Nhờ thế giới giúp đỡ

 

Tính đến chiều 3/11, cả nước đã có 73 trường hợp bị tiêu chảy cấp (tăng 23 trường hợp so với hôm trước) tại 8 tỉnh, trong đó Hà Nội có 48 trường hợp. Theo ước tính, số người mắc bệnh liên quan đến mắm tôm vẫn là cao nhất với gần 80%, 17% là do cá và do ăn tiết canh và rau sống.

 

Tại Viện các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới quốc gia đã có trên 200 bệnh nhân nhập viện, trong khi chưa có trường hợp nào xuất viện do chưa đủ thời gian cách ly và điều trị. Tình hình này đã khiến bệnh viện rơi vào khủng hoảng giường nằm. Bệnh nhân không những nằm chung mà còn phải nằm cả trên cáng vì không đủ giường.

 

Được biết, Bệnh viện Bạch Mai bắt đầu từ sáng nay đã bố trí thêm 40 giường cho các bệnh nhân điều trị bệnh tiêu chảy cấp. Và tất cả những trường hợp điều trị tiêu chảy cấp (dù là nghi nhiễm hay nhiễm) đều được miễn phí hoàn toàn trong thời gian điều trị. Tuy nhiên, theo báo cáo của bệnh viện, vẫn có những trường hợp bỏ trốn.

 

Về lượng mắm tôm đang có lưu hành trên thị trường, lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội cho biết, nhiều mắm tôm có xét nghiệm dương tính đã cho tiêu huỷ. Còn những mắm tôm hoàn toàn bình thường thì thu gom và chờ xử lý.

 

Theo ông Vũ Trần Hiển, Viện trưởng Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương, Viện đã làm việc với Tổ chức Y tế Thế giới về dịch bệnh này và nhờ thế giới hỗ trợ trong công tác ngăn chặn dịch, trong đó có đề nghị cung cấp các test chẩn đoán nhanh các trường hợp bị tả trong cộng đồng.

 

Sự giúp đỡ của thế giới trong thời điểm này là rất cần thiết. Tuy nhiên, nếu mỗi người dân không tự ý thức được căn bệnh nguy hiểm này thì chúng ta sẽ tự giết mình cùng với cộng đồng.

 

Bí thư Thành ủy Hà Nội trực tiếp kiểm tra phòng chống dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm

 

Sáng 3/11, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị đã trực tiếp kiểm tra đột xuất công tác phòng chống dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm tại phường Thổ Quan, quận Đống Đa và đi kiểm tra VSATTP ở chợ Khâm Thiên, siêu thị BIG C và đến thăm Bệnh viện Đống Đa.

 

Hiện quận Đống Đa đã có 10 ca tiêu chảy cấp, trong đó phường Thổ Quan có 4 ca. Đặc biệt trong một gia đình có hai anh em ruột bị mắc bệnh này do ăn bún đậu mắm tôm.

Bí thư yêu cầu Chủ tịch UBND quận Đống Đa cần ra ngay quyết định đình chỉ những hàng gánh rong bán bún đậu mắm tôm.

Theo SGGP

 

Lan Hương