Nhận trưởng công an xã làm con nuôi, cụ bà U80 tiết lộ nguyên nhân bất ngờ
(Dân trí) - Người phụ nữ 78 tuổi có 5 người con, mong muốn nhận trưởng công an xã làm con nuôi chỉ từ một việc làm nhỏ khiến bà cảm kích.
Lá thư đặc biệt của người mẹ gần 80 tuổi
Một chiều tháng 7, Thiếu tá Đặng Thanh Hòa, Trưởng Công an xã Lăng Thành, Yên Thành, Nghệ An, được cán bộ chuyển tới một lá thư tay. Bao thư được gấp bằng một tờ giấy, không đề tên người gửi. "Thú thực, lúc nhận lá thư, tôi cũng khá bất ngờ, nhưng đọc xong nội dung một trang giấy kín chữ, cảm giác vui và hạnh phúc", Thiếu tá Hòa chia sẻ.
Lá thư của bà Nguyễn Thị Dương, 78 tuổi, trú xóm Phú Sơn, xã Lăng Thành. Trong thư, bà cho biết, rất xúc động khi trưởng công an xã mua tặng sim điện thoại để bà kích hoạt tài khoản định danh điện tử. Người mẹ của 5 người con, trong đó có 4 con trai mong muốn nhận Trưởng Công an xã Lăng Thành làm con nuôi.
Thiếu tá Hòa kể, ngày 5/7, vợ chồng bà Dương đến trụ sở Công an xã để kích hoạt tài khoản định danh điện tử. Tuy nhiên, hai vợ chồng sử dụng một sim điện thoại nên chỉ có thể kích hoạt được một tài khoản định danh.
Để tạo điều kiện cho công dân, Thiếu tá Hòa mua tặng một sim điện thoại, đăng ký theo tên bà Dương. Sau khi có sim điện thoại chính chủ, thủ tục mở tài khoản định danh điện tử cho bà Dương nhanh chóng được hoàn tất.
"Thực ra câu chuyện cũng không có gì to tát nên tôi cũng quên luôn. Bởi vậy, khi nhận lá thư của bà Dương tôi rất ngạc nhiên khi người dân lại ấn tượng về việc nhỏ như thế", Thiếu tá Hòa tâm sự và cho biết, bản thân rất vui khi bỗng nhiên có thêm một người mẹ.
"Nhận chú Hòa làm con là cả hai vợ chồng tôi thống nhất đấy. Tôi già rồi, ít khi ra xã nhưng nghe bà con nói các chú công an chính quy về xã thân thiện, cởi mở lắm. Hôm ra mở cái tài khoản gì đấy mới thấy họ nói không sai", bà Dương hồ hởi.
Thực ra, cụ bà gần 80 tuổi không rõ một chiếc sim nhiều hay ít tiền. Điều bà cảm kích là trưởng công an xã nhiệt tình, trách nhiệm và hỗ trợ người dân hết mức, không chỉ trong mở tài khoản định danh điện tử mà trong cuộc sống hàng ngày.
"Vợ chồng tôi nhận chú Hòa làm con nuôi không phải để nhờ này nhờ kia. Sau khi tiếp xúc, làm việc với chú Hòa, thấy chú chu đáo, thân thiện, cởi mở, tôi quý, muốn nhận làm con nuôi để đi lại cho tình cảm, cũng là có thêm gốc dựa về tinh thần", bà Dương chia sẻ.
Từng là Trưởng công an xã bán chuyên trách, hơn ai hết, Phó Bí thư Đảng ủy xã Lăng Thành Đặng Ngọc Hà hiểu rõ những thuận lợi, khó khăn trong công tác đảm bảo an ninh trật tự ở địa bàn có diện tích tự nhiên lớn nhất huyện, tiếp giáp với 2 huyện, 9 xã.
"Công an chính quy về đã làm giảm các loại tội phạm, tình hình an ninh trật tự được đảm bảo tốt hơn. Công an xã đã làm tốt công tác nắm tình hình, cùng với việc được đào tạo một cách bài bản, không bị tác động và chịu sự chi phối về tình cảm nên công tác đấu tranh, xử lý các vụ việc phát sinh triệt để hơn.
Bên cạnh thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn, các đồng chí công an chính quy, mặc dù từ các địa phương khác đến nhưng đã xây dựng được mối quan hệ tốt với nhân dân, gần dân, sát dân, hiểu dân, từ đó được nhân dân tin tưởng", ông Đặng Ngọc Hà cho hay.
Từ đầu năm nay, anh Vừ Bá Pó (36 tuổi, bản Huồi Giảng, xã Tây Sơn, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) có thêm một công việc mới là đi cắt cỏ cho bò. Con bò nhỏ là món quà của cán bộ, chiến sỹ Công an xã Tây Sơn tặng anh nhân dịp khánh thành căn nhà kiên cố do Bộ Công an và Công an Nghệ An hỗ trợ. Anh Pó bị rối loạn thần kinh, vợ bị u nang buồng trứng, nhà có 2 con đang tuổi ăn tuổi học. Mọi việc trong nhà gần như chỉ do chị Lầu Y Rê gánh vác nên nhiều năm liền, gia đình anh Pó nằm trong danh sách hộ nghèo của xã.
"Không có sức lao động, không có kế sinh nhai, nên dù muốn nhưng vợ chồng anh Pó cũng không thể thoát nghèo, thiếu đói thường xuyên. Sau khi bàn bạc cụ thể, anh em công an xã quyết định trích tiền lương, mua tặng vợ chồng anh Pó con bò sinh sản để gia đình chăn nuôi", Thiếu tá Và Bá Chớ, Trưởng Công an xã Tây Sơn chia sẻ.
Có nhà kiên cố để ở, không phải lo những ngày mưa gió, rét mướt, lại có con bò để nuôi, anh Pó vui lắm. Theo hướng dẫn của công an, anh không thả bò vào trong rừng mà nuôi nhốt, hàng ngày đi cắt cỏ cho bò ăn. Anh hi vọng bò nhanh lớn, sinh con bê, bán con bê đi, gia đình cũng có một khoản tiền để lo cho các con học hành.
Ông Vừ Bá Cha, Trưởng bản Huồi Giảng 2, hồ hởi: "Công an về giúp bản ta nhiều lắm đấy. Trong bản không xảy ra nạn trộm cắp vặt nữa, an ninh trật tự được đảm bảo. Không những thế, các đồng chí công an còn hướng dẫn bà con ăn tránh bị kẻ xấu bắt mất".
Ngăn ngừa điểm nóng phát sinh ở cơ sở
Đến thời điểm này, dự án cao tốc Bắc - Nam, đoạn Nghi Sơn (Thanh Hóa) - Diễn Châu (Nghệ An) đã hoàn thiện, trong đó có hơn 4,6km qua xã Quỳnh Vinh (thị xã Hoàng Mai, Nghệ An). Để dự án giao thông trọng điểm này về đích đúng hạn, ngoài nỗ lực của đơn vị thi công, chính quyền địa phương các cấp, không thể không nhắc vai trò của lực lượng công an xã.
Dự án ảnh hưởng tới 139 hộ dân xã Quỳnh Vinh, trong đó có 100 hộ dân phải di dời để phục vụ mặt bằng. Thời điểm giải phóng mặt bằng cũng là khi cơn sốt đất đang lên cao ở nhiều địa phương trong tỉnh Nghệ An. Sự chênh lệch giữa giá đất thị trường khiến nhiều hộ dân trong diện di dời không đồng ý với mức giá bồi thường được ngành chức năng đưa ra.
Nhiều đoàn, nhiều tổ công tác của thị xã Hoàng Mai và xã Quỳnh Vinh đã vào cuộc nhưng chuyển biến rất chậm. Qua công tác nắm tình hình, công an xã Quỳnh Vinh nhận thấy việc người dân phản đối giá đền bù ngoài "chưa thông" đã có dấu hiệu của việc bị "tác động" từ một số đối tượng bên ngoài. Người dân không đồng ý giá đền bù không chỉ ảnh hưởng đến tiến độ dự án mà còn dẫn tới nguy cơ hình thành điểm nóng về an ninh trật tự.
"Suốt nhiều tháng ròng rã, cùng với các thành viên Hội đồng giải phóng mặt bằng xã, tổ công tác Công an thị xã Hoàng Mai và tổ công tác Công an xã Quỳnh Vinh đến từng nhà giải thích, vận động người dân hiểu, chấp hành các quy định của Nhà nước đối với các công trình trọng điểm quốc gia.
Bên cạnh đó, việc "nhiều cùng" với nhân dân, chúng tôi nắm bắt cụ thể tâm tư, nguyện vọng của từng trường hợp, từng hoàn cảnh cụ thể để từ đó tham mưu cho Hội đồng giải phóng mặt bằng xã có giải pháp tháo gỡ phù hợp", Đại úy Nguyễn Văn Lãm, Trưởng Công an xã Quỳnh Vinh nói.
Có nhiều đêm, Đại úy Lãm cùng các cán bộ, chiến sĩ công an xã và lãnh đạo địa phương xuống xóm, vừa giúp đỡ người dân thu hoạch mùa, vừa làm công tác vận động. Sau hơn nửa năm vào cuộc quyết liệt, kiên trì của các cấp, các ngành, phần lớn hộ dân đã bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công, còn 3 trường hợp không đồng ý. Phương án bảo vệ thi công đã được xây dựng và thống nhất triển khai.
"Thời điểm thực hiện bảo vệ thi công, công an xã và các thành viên Hội đồng giải phóng mặt bằng vẫn tiếp tục kiên trì vận động người dân chấp hành chính sách của Nhà nước về đền bù, giải phóng mặt bằng. Vào phút chót, người dân đồng ý tháo dỡ nhà cửa, bàn giao mặt bằng. Chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội và cán bộ, chiến sĩ công an xã trực tiếp hỗ trợ người dân tháo dỡ, vận chuyển đến nơi tập kết, bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công dự án", Đại úy Lãm nhớ lại.
Chưa đầy một năm sau, con đường rộng thênh thang đã hình thành, tạo nên diện mạo mới và kỳ vọng trở thành động lực trong phát triển kinh tế, xã hội ở xã Quỳnh Vinh.
Không chỉ ở Quỳnh Vinh mà khắp các địa phương trong tỉnh Nghệ An, một diện mạo nông thôn mới, năng động nhưng yên bình đã được hình thành.
"Từ khi bố trí công an chính quy về xã, chúng tôi rất yên tâm. Làng trên xóm dưới không còn tình trạng say rượu, gây gổ, đánh lộn kiểu "trai làng giữ gái làng", nạn trộm chó cũng mất hẳn. Công an nắm chắc tình hình, sâu sát, cởi mở, thái độ "nhuần", hướng dẫn, giải quyết các thủ tục hành chính một cách chu đáo, đầy đủ", ông Phan Văn Thuyên (74 tuổi, trú xóm 4, xã Hưng Nghĩa, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An), chia sẻ.
Do nằm giữa các tuyến đường liên huyện, liên xã nên 4 năm trở về trước, Hưng Nghĩa là điểm nóng của tình trạng trộm chó. Trung bình mỗi năm, trên địa bàn xảy ra trên dưới 20 vụ trộm chó, cá biệt có thời điểm, trong vòng 30 phút, một hộ dân bị câu trộm 3 con chó. Sự liều lĩnh, manh động của các đối tượng trộm chó gây bức xúc trong nhân dân, gây mất trật tự, an ninh cơ sở.
Xóa "nạn" trộm chó là nhiệm vụ được đặt ra khi công an chính quy về xã. Đại úy Đặng Hoàng Anh, Trưởng Công an xã Hưng Nghĩa, cho biết, cùng với việc tuyên truyền người dân quản lý vật nuôi, Công an xã đẩy mạnh công tác tuần tra, kiểm soát, lập các chốt tại các tuyến giao thông cửa ngõ để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, truy bắt các đối tượng trộm chó.
"Suốt 3 tháng liền, công an xã phối hợp công an viên bán chuyên trách ở các xóm, lực lượng dân quân tự vệ chia làm nhiều tổ, tổ chức đi tuần tra, kiểm soát trên các tuyến đường, từ 21h đến 2h hôm sau. Ngoài ra, tại các chốt, ngoài lực lượng công an chính quy còn có sự tham gia, hỗ trợ của người dân, đặc biệt là trong trường hợp phát hiện các đối tượng nghi vấn. Nhờ làm tốt công tác phòng ngừa, ngăn chặn, đẩy mạnh tuần tra, tình trạng trộm chó đã được giải quyết triệt để, hơn 2 năm trở lại đây, trên địa bàn không ghi nhận vụ trộm chó nào", Đại úy Đặng Hoàng Anh chia sẻ.
Trong cuộc trò chuyện, vị trưởng công an xã nhiều lần đề cập đến sự phối hợp của nhân dân địa phương. Chính người dân trở thành tai mắt, sớm phát hiện và báo công an kịp thời xử lý các vụ việc, không để xảy ra bức xúc trong Nhân dân hay phát sinh điểm nóng ở cơ sở.
"Về đây, được nhân dân tin tưởng, yêu mến là điều chúng tôi hạnh phúc nhất. Có những hôm họp hành hay giải quyết công việc nên quá bữa, anh em không kịp nấu cơm, tính pha tạm bát mỳ tôm thì có người dân đến, mời về nhà ăn cơm bằng được. Có mớ rau, quả cà, chùm nhãn vườn, bà con cũng mang sang cho, nhất là giai đoạn dịch Covid-19 hoành hành, anh em công an xã được nhân dân hỗ trợ hết sức. Chính sự yêu mến, tin tưởng của bà con nhân dân, của chính quyền là nguồn động viên để chúng tôi hoàn thành tốt nhiệm vụ", Đại úy Anh tâm sự.
Theo Đại tá Trần Ngọc Tuấn, Phó Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An, trước khi có Đề án tăng cường Công an chính quy về xã, Công an tỉnh Nghệ An đã bố trí lực lượng công an chính quy về cơ sở nhưng chưa toàn diện. Đề án ra đời đã kịp thời góp phần giải quyết những vướng mắc, bất cập, tồn tại trong đảm bảo an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội tại cơ sở.
Sau gần 5 năm triển khai Đề án, lực lượng công an xã tại Nghệ An đã phát huy hiệu quả tích cực, tạo dấu ấn đậm nét về nghiệp vụ, đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương.
"Bên cạnh các nhiệm vụ chuyên môn, Công an Nghệ An luôn xác định việc xây dựng hình ảnh người công an sát dân, gần dân, trọng dân, được Nhân dân tin yêu là nhiệm vụ then chốt, xuyên suốt trong công tác xây dựng lực lượng công an trong sạch, vững mạnh.
Bởi, lực lượng Công an nhân dân là con em của nhân dân, từ nhân dân mà ra, vì nhân dân phục vụ. Ngược lại, nhân dân là chỗ dựa vững chắc, là sức mạnh vô tận của lực lượng công an", Phó Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An khẳng định.
Ảnh: Hoàng Lam - Văn Hậu - Thuận Thắng