1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Nhân tài cần một môi trường công sở tốt hơn là lương bổng cao

(Dân trí) - “Tôi tin rằng các học viên Đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của thành phố, khi đi học trở về nhận công tác, trước hết, cần một môi trường công sở tốt, công bằng hơn là lương bổng cao”

Nhiều học viên Đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của TP Đà Nẵng (Đề án 922) đồng ý với phát biểu trên của ông Huỳnh Đức Thơ - Chủ tịch UBND thành phố tại buổi gặp mặt của lãnh đạo chính quyền TP, Sở Nội vụ TP với các học viên vừa diễn ra trong ngày 2/6

Ông Huỳnh Đức Thơ - Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cùng lãnh đạo Sở Nội vụ TP chủ trì buổi gặp mặt học viên Đề án 922 vừa diễn ra trong ngày 2/6
Ông Huỳnh Đức Thơ - Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cùng lãnh đạo Sở Nội vụ TP chủ trì buổi gặp mặt học viên Đề án 922 vừa diễn ra trong ngày 2/6

“Thi tuyển công chức, chắc chắn có chỗ còn thiên vị, người tài vẫn rớt đài”

Phát biểu mở đầu buổi gặp mặt, ông Thơ phê bình ngay việc nhiều Giám đốc Sở; Chủ tịch quận/huyện - những người đứng đầu các đơn vị tiếp nhận, quản lý, sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao, những người cần lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của học viên Đề án 922 nhất - đã không đến dự buổi gặp mặt. “Nội chuyện này cũng cho thấy mức độ quan tâm của lãnh đạo đơn vị dành cho các học viên của Đề án được bố trí công tác tại cơ sở đến đâu” - ông Thơ nói.

Ông Thơ cũng nêu quan điểm: “Tôi tin rằng các học viên Đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của thành phố, khi đi học trở về nhận công tác, trước hết, cần một môi trường công sở tốt, công bằng hơn là lương bổng cao”.

Nhiều học viên Đề án 922 đồng ý với ông Huỳnh Đức Thơ - Chủ tịch UBND TP rằng đối với họ, môi trường làm việc tốt quan trọng hơn chuyện lương bổng
Nhiều học viên Đề án 922 đồng ý với ông Huỳnh Đức Thơ - Chủ tịch UBND TP rằng đối với họ, môi trường làm việc tốt quan trọng hơn chuyện lương bổng

Theo ông Thơ, người đứng đầu đơn vị phải có ý chí xây dựng môi trường công sở trong sạch, mới có thể giữ chân và người tài, người giỏi, tận dụng được nguồn nhân lực chất lượng cao. “Thiếu minh bạch, không công bằng là môi trường công sở sẽ bị vẩn đục ngay. Trong một công sở, chỉ có một vài người vui mà mấy chục người buồn thì phải coi lại môi trường làm việc ở công sở đó. Người trẻ bây giờ rất thông minh, họ sẽ nhận ra ngay, chứ không phải lơ ngơ không biết gì đâu” - ông Thơ nói.

Chủ tịch Đà Nẵng cũng nói thẳng, trong việc tổ chức thi tuyển công chức vào biên chế hoặc vào các chức vụ quan trọng “chắc chắn có chỗ còn thiên vị, người tài vẫn rớt đài”, dù là công tác tổ chức thi tuyển “đúng quy trình”.

Ông Thơ nêu ví dụ, khi chia bảng thi tuyển công chức, “ưu ái”, “có ý” với người nào thì xếp vào thi ở bảng A, gom hết những anh giỏi nhất, xuất sắc nhất cho “chiến đấu với nhau” ở bảng B. Chiếu theo quy định chọn người đầu bảng, thì anh đứng thứ hai ở bảng B dù rõ ràng giỏi hơn anh đứng đầu bảng A vẫn “rớt đài”.

Theo ông Thơ, “ưu ái”, “có ý” kiểu như thế, người tài giỏi, có năng lực không được trọng dụng, đâm ra nản, rồi bỏ đi thì cũng dễ hiểu.

“Bưng bê kê dọn cũng là cơ hội để người trẻ tích luỹ kinh nghiệm”

Tại buổi gặp mặt, nhiều học viên bày tỏ đồng tình với phát biểu của ông Huỳnh Đức Thơ, rằng một môi trường làm việc tốt quan trọng hơn là chuyện lương bổng đối với các học viên. Thêm vào đó, các học viên bày tỏ nguyện vọng được bố trí công việc đúng trình độ chuyên môn, chuyên ngành khi học xong quay về làm việc ở khu vực công của thành phố; cũng như cần có những cơ chế, chính sách "mềm" để hỗ trợ các học viên yên tâm công tác như là hỗ trợ cho thuê chung cư nhà ở xã hội với giá thấp, nhất là với những người ngoại tỉnh làm việc ở Đà Nẵng.

Bác sĩ Lê Hữu Thành - học viên Đề án 922 được bố trí công tác tại Bệnh viện Đà Nẵng chia sẻ: “Đã đi học và trở về, ai cũng muốn được cống hiến cho thành phố. Học viên chúng tôi rất xót xa khi có ý kiến lên án những người được cử đi học bằng ngân sách rồi rút khỏi đề án như những người “phản bội”. Trong khi nội tình có một số nguyên nhân, như có những trường hợp đi học về không được bố trí công tác đúng trình độ, chuyên môn, nên học viên giảm nhiệt huyết, và có vài người đã xin rút lui”

Bác sĩ Lê Hữu Thành bày tỏ nguyện vọng của các học viên khi học xong trở về được bố trí công tác đúng trình độ chuyên môn, phù hợp năng lực, chuyên ngành được đào tạo
Bác sĩ Lê Hữu Thành bày tỏ nguyện vọng của các học viên khi học xong trở về được bố trí công tác đúng trình độ chuyên môn, phù hợp năng lực, chuyên ngành được đào tạo

Trả lời các học viên, ông Võ Ngọc Đồng - Giám đốc Sở Nội vụ TP cũng thừa nhận chỉ có thể giải quyết được cho đa số, chứ không đảm bảo cho tất cả học viên được bố trí công tác đúng chuyên ngành, chuyên môn được đào tạo.

Ông Huỳnh Đức Thơ - Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng đề nghị Sở Nội vụ TP rà soát lại việc bố trí công tác cho từng học viên của Đề án hiện nay có phù hợp chuyên môn, chuyên ngành mà học viên được đào tạo hay không?, có tình trạng “thợ nề, thợ mộc lại bắt đi làm thợ cơ khí” hay không? Đồng thời, đề nghị các sở, ngành chức năng liên quan sớm họp bàn giải pháp hỗ trợ cán bộ, công chức thuộc Đề án, quê quán ngoại tỉnh được "an cư lạc nghiệp" như cho thuê chung cư nhà ở xã hội.

Ông Thơ chia sẻ thêm đến các học viên, cán bộ, công chức thuộc Đề án 922, trong điều kiện chưa được bố trí công tác phù hợp chuyên ngành, thậm chí là chỉ làm việc “bưng bê kê dọn”, thì có thể xem đây là cơ hội cho mình được thử thách năng lực trong một lĩnh vực mới, hoặc tranh thủ tích luỹ kinh nghiệm thực tiễn ban đầu khi mới ra trường đi làm.

Ông Thơ nói ngay chính ông vốn học về kinh tế, khi ra trường đi làm lại làm việc với toàn kỹ sư, cũng làm từ những việc bưng bê kê dọn thiết bị kỹ thuật. Sau này, khi làm giám đốc một doanh nghiệp cung ứng dịch vụ kỹ thuật, thì chính kinh nghiệm thời “bưng bê kê dọn” lại giúp ông điều hành doanh nghiệp tốt hơn. “Không nên quá nguyên tắc là cứ học ngành gì thì ra trường phải làm đúng y ngành đó!” - ông Thơ nói với các học viên Đề án 922.

Tâm An