Nhắc vụ Lê Văn Luyện, đại biểu băn khoăn ranh giới chính sách nhân đạo

Hoài Thu
Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV

(Dân trí) - Dẫn lại vụ án Lê Văn Luyện giết nhiều người ở Bắc Giang gây rúng động dư luận nhiều năm trước đây, đại biểu Quản Minh Cường băn khoăn về ranh giới áp dụng chính sách nhân đạo để đảm bảo sự công bằng.

Dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên được các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ sáng 8/6 với nhiều quan điểm liên quan việc áp dụng hình phạt với người chưa thành niên phạm tội.

Áp dụng hình phạt ra sao để đảm bảo tính công bằng

Đại biểu Quốc hội Lê Quân (Hà Nội) đề nghị Việt Nam mạnh dạn áp dụng thông lệ quốc tế. Theo ông, các nước rất chú trọng đến việc định hướng, giáo dục để trẻ vị thành niên có cơ hội học tập, hội nhập sau khi phải áp dụng các biện pháp đặc biệt.

Tư pháp với trẻ vị thành niên, theo ông Quân, quan trọng nhất là tạo cơ hội cho các em có cơ hội trở thành công dân tốt và có ích sau này.

Nhắc vụ Lê Văn Luyện, đại biểu băn khoăn ranh giới chính sách nhân đạo - 1

Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp Nguyễn Công Long (Ảnh: Hồng Phong).

Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp Nguyễn Công Long nhận định dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên đưa ra định hướng áp dụng giảm nhẹ hình phạt, chế tài nhân đạo hơn với người chưa thành niên, như: Hình phạt tối đa giảm hơn ở một số tội, mở rộng diện người phạm tội được xử lý chuyển hướng...

Tuy nhiên, ông Long cho rằng việc giảm nhẹ hình phạt với đối tượng này cần cân nhắc đến tác động xã hội, bởi có ý kiến băn khoăn nếu áp dụng biện pháp xử lý nhẹ hơn, có thể tạo xu hướng lợi dụng chính sách để phạm tội. Thực tế tình trạng người chưa thành niên phạm tội đang nhức nhối, theo lời đại biểu Nguyễn Công Long.

Nhất trí quan điểm xây dựng một luật riêng để xử lý người chưa thành niên phạm tội là tốt, song ông Long khẳng định "không thiếu cơ chế".

Nhắc vụ Lê Văn Luyện, đại biểu băn khoăn ranh giới chính sách nhân đạo - 2

Đại biểu Quốc hội Quản Minh Cường, Phó Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai (Ảnh: Hồng Phong).

Dẫn lại vụ án Lê Văn Luyện giết nhiều người ở Bắc Giang gây rúng động dư luận nhiều năm trước đây, đại biểu Quản Minh Cường (Phó Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai) đưa ra dẫn chứng thời điểm phạm tội, Lê Văn Luyện còn hơn 50 ngày nữa đủ 18 tuổi.

"Trong trường hợp như vậy, có cần áp dụng chính sách nhân đạo hay không? Ranh giới pháp lý làm cho chúng ta thấy vừa công bằng vừa không công bằng", ông Cường băn khoăn.

Vị đại biểu đề nghị nghiên cứu kỹ, nhất là phải căn cứ hậu quả, mục đích, thái độ hành vi khi phạm tội để áp dụng chính sách phù hợp, bảo đảm công bằng.

Nên tách vụ án có người chưa thành niên để giải quyết độc lập

Góp ý thêm vào dự thảo luật, Chánh án TAND TPHCM Lê Thanh Phong ủng hộ đề xuất tách vụ án có người chưa thành niên để giải quyết riêng nhằm rút ngắn thời hạn giải quyết vụ án của người chưa thành niên bằng 1/2 thời hạn vụ án của người lớn.

"Nếu để cùng trong một vụ án sẽ dẫn đến thời hạn tố tụng cho người chưa thành niên đã hết nhưng thời hạn tố tụng của người lớn vẫn còn", ông Phong nói và cho rằng điều này có thể dẫn tới việc không thể giải quyết được vụ án.

Ông chia sẻ theo kinh nghiệm thế giới, các nước đều tách vụ án có người chưa thành niên để giải quyết độc lập.

Nhắc vụ Lê Văn Luyện, đại biểu băn khoăn ranh giới chính sách nhân đạo - 3

Chánh án TAND TP Hà Nội Nguyễn Hữu Chính (Ảnh: Hồng Phong).

Ủng hộ quan điểm này, Chánh án TAND TP Hà Nội Nguyễn Hữu Chính phân tích khi các bị cáo thành niên và chưa thành niên xử chung trong một vụ án, tâm lý, thái độ của các đối tượng khác nhau, chủ tọa khi xét hỏi không phân biệt được người thành niên và chưa thành niên. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của người chưa thành niên, theo lời Chánh án TAND TP Hà Nội.

"Tách được vụ án là tốt nhất, để bảo đảm uy tín, danh dự, nhân phẩm và các yếu tố có lợi cho người chưa thành niên", ông Chính khẳng định việc tách không ảnh hưởng gì đến việc giải quyết vụ án.

Về nội dung này, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình khẳng định "vụ án nếu có trẻ em phải tách ra giải quyết độc lập, người lớn xét xử sau".

Ông Bình cho biết nếu không tách vụ án, thời hạn điều tra đối với các cháu phải theo người lớn, điều này đặt các cháu vào tình trạng bị khởi tố, tạm giam kéo dài.

Đó là chưa kể cán bộ điều tra, truy tố, xét xử theo yêu cầu của Luật này phải là những cán bộ có hiểu biết người chưa thành niên (về tâm lý, sinh lý), phải tiến hành các hoạt động xét hỏi trong môi trường thân thiện. Nếu gộp chung với người lớn, việc này không thực hiện được.

Chưa kể toàn bộ thông tin liên quan đến quá trình phạm tội của các cháu phải công khai trong bản án cùng với người lớn. Trong khi trong đạo luật này quy định không được công khai.

"Thế giới cấm việc công khai hành vi phạm tội của các cháu vì người ta nghĩ đến phần đời còn lại rất dài của các cháu. Nếu bị công khai trên truyền thông, trên mạng, các cháu sẽ mặc cảm khi bị xã hội kỳ thị, phần đời còn lại của các cháu sẽ rất mong manh", Chánh án Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh thông tin về hành vi phạm tội của người chưa thành niên phải được bảo mật.