Hà Tĩnh:
Nhà thầu thản nhiên bịt cả dòng sông, dân "lãnh đủ" hậu họa ô nhiễm môi trường
(Dân trí) - Thay vì có phương án khơi thông dòng chảy khi thi công cầu, nhà thầu lại dùng đất đắp ngăn hẳn dòng sông. Hậu quả là dòng chảy bị chia cắt, bèo, rác bị ách tắc, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc.
Cầu Na Kênh bắc qua sông Ngàn Mọ, thuộc địa phận xã Cẩm Thành, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh được khởi công xây dựng từ tháng 1/2019. Cầu có tổng mức đầu tư 10 tỷ đồng, do Sở GTVT Hà Tĩnh làm chủ đầu tư, đơn vị thi công là Công ty cổ phần Xây dựng và Dịch vụ Thương mại 666 (Công ty 666, xã Cẩm Quang, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) do ông Dương Văn Biên làm giám đốc.
Hình ảnh con sông bị chia cắt dòng chảy do nhà thầu đắp đất ngăn dòng để thi công cầu Na Kênh.
Kể từ khi công trình được khởi công, đặc biệt là thời gian nắng nóng gần đây, hàng trăm hộ dân trên địa bàn xã Cẩm Thành hết sức bức xúc khi dòng sông bị chia cắt dòng chảy, bèo, rác bị ách tắc, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc.
Có mặt tại đây vào trưa ngày 16/5, PV Dân trí cùng một số hộ dân ở xóm Na Kênh đã không thể chịu được mùi hôi thối bốc lên từ con sông. Một lượng lớn bèo rác, xác chết động vật bị ách lại rất ô nhiễm. “Người dân đã không thể sử dụng nước sông như trước vì nước dơ bẩn, cũng đã không còn ra bờ sông ngồi hóng mát vào sáng sớm, chiều tối khi mà mùi hôi thối quá nồng nặc”- ông Bùi Quang T., một hộ dân trên địa bàn bức xúc phản ánh.
Sau khi con sông bị chia cắt, một lượng lớn bèo, rác, thậm chí xác động vật bị ách tắc, ứ đọng trên dòng sông.
Theo tìm hiểu của Dân trí, nguyên nhân chính của thực trạng gây bức xúc nêu trên xuất phát từ sự tắc trách của chủ đầu tư là BQL Xây dựng công trình - Sở GTVT tỉnh Hà Tĩnh và đặc biệt là Công ty cổ phần Xây dựng và Dịch vụ Thương mại 666.
Trong phương án thi công cầu được chủ đầu tư phê duyệt, nhà thầu phải cam kết đảm bảo dòng chảy trong quá trình thi công. Thế nhưng, trái với cam kết nêu trên, Công ty 666 đã thản nhiên chặn hẳn dòng chảy để thi công khiến dòng chảy bị ách tắc.
Ông T. cho biết, người dân nhận thấy sự việc tréo ngoe đã góp ý với nhà thầu, phản ánh với chính quyền địa phương, nhưng tất cả đều không được xử lí. “Là địa phương được hưởng lợi, chúng tôi góp ý với nhà thầu nhưng họ không nghe, cứ thế thi công dẫn tới sự việc tắc trách này”- ông T. bức xúc nói.
Trao đổi với Dân trí vào chiều ngày 16/5, ông Dương Đức Quế, Chủ tịch UBND xã Cẩm Thành cũng bày tỏ sự bức xúc. Ông Quế nói, biện pháp chặn hẳn dòng chảy sông Ngàn Mọ của Công ty 666 là sai, xã đã nhiều lần yêu cầu phải khơi thông dòng chảy, nhưng nhà thầu không chấp hành. Xã cũng không thể xử lí vì không phải chủ đầu tư.
Mặc dù người dân và chính quyền địa phương nhiều lần góp ý nhưng nhà thầu vẫn không có phương án khắc phục.
“Chúng tôi chỉ là đơn vị hưởng lợi, không thể xử lí. Trách nhiệm chính ở đây là của chủ đầu tư BQL Xây dựng công trình Sở GTVT tỉnh Hà Tĩnh”- ông Quế nói.
Theo số điện thoại mà vị Chủ tịch xã Cẩm Thành cung cấp, PV Dân trí đã liên hệ với ông Thế Anh (BQL Xây dựng công trình Sở GTVT tỉnh Hà Tĩnh, người trực tiếp phụ trách dự án xây cầu nói trên). Ông Thế Anh thừa nhận trực tiếp phụ trách công trình và cho biết sẽ trao đổi lại nhà thầu rồi báo lại.
Nhà thầu: Không có vấn đề gì!
Chừng vài chục phút sau khi nối máy với lãnh đạo địa phương, đại diện chủ đầu tư, PV Dân trí nhận được điện thoại của ông Dương Văn Biên, Giám đốc Công ty 666. Ông Biên cho biết, công ty ông chính là đơn vị thi công công trình cầu Na Kênh.
Chặn hẳn dòng sông thi công gây chia cắt dòng chảy, nhưng nhà thầu vẫn cho rằng không vấn đề gì!
Trái với sự bức xúc của người dân, ông Biên nói rằng, biện pháp thi công nói trên không ảnh hưởng gì đến môi trường. “Nước xuống bên này, lên bên đó chứ không ảnh hưởng gì. Kể cả giờ ta không làm gì thì bèo, rác cũng nằm đó”- ông Biên nói.
Một lí do nữa mà ông Biên lý giải cho việc chặn sông làm cầu là do dự án hiện chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng, chưa làm được đường đấu nối để phục vụ thi công.
Vị giám đốc này chốt lại: “Đúng là dân họ phản ánh, nhưng kệ họ chú ạ, không có vấn đề gì đâu!”.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin vụ việc.
Tiến Hiệp