1. Dòng sự kiện:
  2. Thảm họa lũ quét Làng Nủ
  3. Mưa lũ lớn ở miền Bắc

Thiếu tướng Lê Mã Lương: “Tôi đánh giá cao lòng tự tôn dân tộc của thế hệ trẻ”

(Dân trí) - “Chiến tranh đã lùi xa, không người Việt Nam nào lại không biết trân trọng giá trị hòa bình, bởi dân tộc ta đã phải chịu quá nhiều đau thương mất mát...Ngày nay tôi đánh giá cao thế hệ trẻ, thanh niên Việt Nam về lòng tự tôn dân tộc”, Thiếu tướng Lê Mã Lương chia sẻ.

Nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2015), Thiếu tướng Lê Mã Lương, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân chia sẻ với phóng viên Dân trí về những trận đánh khốc liệt của năm tháng chiến tranh và về thế hệ trẻ ngày nay.

Thiếu tướng Lê Mã Lương: Tôi đánh giá cao lòng tự tôn dân tộc của thế hệ trẻ.

Thiếu tướng Lê Mã Lương: "Tôi đánh giá cao lòng tự tôn dân tộc của thế hệ trẻ".

Thiếu tướng Lê Mã Lương nói, dân tộc Việt Nam đã chịu quá nhiều đau thương mất mát của chiến tranh. Trên thế giới chưa có một dân tộc nào phải chịu đựng chiến tranh khốc liệt liên tục, chạy dài như thế. Sau 30 năm chiến tranh giải phóng, tính từ năm 1945 đến năm 1975 khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, chúng ta lại bước vào cuộc chiến tranh bảo vệ tổ quốc 12 năm, suốt từ năm 1976 đến năm 1988.

Trên thế giới này chỉ có Việt Nam là nước duy nhất chịu một cuộc chiến tranh kéo dài đến 42 năm như vậy. Do đó, có lẽ không ai như người lính chúng tôi cực kì khát khao hòa bình, luôn luôn mong muốn có hòa bình và góp phần vào sự hòa bình vững chắc của thế giới, châu Á cũng như trong khu vực.

"Về thế hệ trẻ ngày nay, tôi đánh giá cao ở trí tuệ, tinh thần vượt khó và ở góc độ nào đấy tôi đánh giá cao lòng tự tôn dân tộc của họ. Điều đó ít nhiều được thể hiện cụ thể qua sự kiện Trung quốc hạ đặt trái phép Giàn khoan Hải Dương 981 trên vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam vào tháng 5/2014...

Có thể nói, trong cuộc sống hàng ngày khi chúng ta sống trong môi trường hòa bình, thì ở đâu đó vẫn có những cái hiềm khích cá nhân, nhưng khi phải giải quyết những vấn đề lớn, lợi ích chung của dân tộc thì người dân Việt Nam luôn gạt bỏ hết những cái hiềm khích riêng tư. Đó là tinh thần, truyền thống bảo vệ độc lập dân tộc, bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của dân tộc Việt Nam", Thiếu tướng Lê Mã Lương bày tỏ.

Theo  Thiếu tướng Lê Mã Lương, có nhiều người cho rằng, thế hệ trẻ ngày nay còn lơ là truyền thống, lịch sử Việt Nam, nhưng không phải như vậy. "Khi đất nước có họa xâm lăng hay khi đất nước có thiên tai hỏa hoạn thì sự liên kết chặt chẽ của dân tộc ta rất là tuyệt vời. Vì thế ai đó chớ có đánh giá rằng, nếu có chiến tranh xảy ra thì hệ trẻ bây giờ không bằng thế hệ ngày xưa. Thế hệ trẻ ngày nay không những được như ngày xưa mà sẽ hơn ngày xưa rất nhiều... Trong lịch sử của dân tộc ta thì cứ mỗi thế hệ qua đi, thế hệ sau tiếp nối lại nổi lên khát khao hòa bình, đồng thời cũng khẳng định lòng yêu nước, tự tôn dân tộc.", Thiếu tướng Lê Mã Lương nhấn mạnh.

Thiếu tướng Lê Mã Lương – Anh hùng ở tuổi 21

Nhắc tới Thiếu tướng Lê Mã Lương, người ta không chỉ nhắc về một vị Tướng đã đi vào lịch sử bởi những chiến công hiển hách mà người ta còn nhớ đến một vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân ở tuổi 21 với câu nói nổi tiếng:“Cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến đánh quân thù”. Câu nói đó đã từng trở thành khẩu hiệu của không biết bao thế hệ thanh niên luôn sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc thời bấy giờ.

Thiếu tướng Lê Mã Lương: Tôi đánh giá cao lòng tự tôn dân tộc của thế hệ trẻ.


Thiếu tướng Lê Mã Lương sử dụng khẩu súng mà ông đã tước được từ tay địch để đánh địch. (Ảnh, tư liệu). 

Thiếu tướng Lê Mã Lương chia sẻ, ông là người quê gốc ở Nông Cống, Thanh Hóa. Ông sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng, bố hy sinh trong cuộc chiến đấu ở Điện Biên Phủ, còn mẹ đã ở vậy tần tảo nuôi anh em ông khôn lớn.

Vốn là con liệt sỹ, ông được miễn nghĩa vụ quân sự, nhưng đúng vào năm tháng chiến tranh khốc liệt nhất, năm 1967, khi mới 17 tuổi, học cấp III, ông đã tình nguyện xung phong lên đường nhập ngũ và được biên chế vào Đại đội 1, Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 24, Sư đoàn 304 huyền thoại.

Sau những ngày huấn luyện khẩn trương, tháng 12/1967 Lê Mã Lương được lệnh vào chiến trường Quảng Trị. Ngày tiễn con ra trận, mẹ ông nuốt nước mắt dặn dò: “Con ra đi cố gắng rèn luyện cho bằng anh, bằng em, đừng lo cho mẹ. Cho dù gian khổ đến đâu con cũng phải cố gắng hết mình để chiến đấu vì Tổ quốc, vì niềm tự hào của gia đình và nhân dân…”

Anh hùng Lê Mã Lương tâm sự: "Lời căn dặn đó của mẹ tôi luôn là sự động viên, khích lệ rất lớn đối với tôi, để tôi có thêm nhiều sức mạnh, ý chí và nghị lực để vượt qua những vất vả, gian khổ nhất của một người lính cụ Hồ. Có thể nói, trong cuộc chiến đấu này, không ai có thể hiểu chiến tranh hơn những người mẹ và mẹ tôi đã từng phải chịu nỗi đau khi mất đi người chồng trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Lần tiễn đưa này, cũng có thể là lần mẹ tôi sẽ mất đi tiếp đứa con của mình. Nhưng mẹ vẫn sẵn sàng chấp nhập và luôn động viên tôi chiến đấu làm sao cho xứng với anh linh của bố – một thế hệ bộ đội cụ Hồ mẫu mực. Và đó cũng là sự hy sinh vĩ đại của không chỉ mẹ tôi mà còn của tất cả những người phụ nữ Việt Nam".

Từ 1968 đến năm 1974, Lê Mã Lương đã tham gia nhiều chiến dịch, nhiều trận đánh ác liệt ở đường 9 Nam Lào, Lao Bảo, Cửa Việt, Quảng Nam, Đà Nẵng… Trong trận Làng Vây ngày 6/2/1968, một cứ điểm hùng mạnh ráp biên giới Việt Lào, do một tiểu đoàn biệt kích và một trung đội Mỹ làm cố vấn kỹ thuật, chuyên môn án ngữ, ông đã bị thương và phải chuyển ra Bắc điều trị và đó là những tháng ngày khó khăn nhất đối với ông khi ở ngoài kia, các đồng đội của ông vẫn đang miệt mài đánh giặc.

Sau khi điều trị xong vết thương, ông tiếp tục xung phong ra trận, ông tiếp tục bước vào những trận đánh ác liệt hơn với quân đội Mỹ ở cứ điểm Tà Cơn, rồi những trận đánh năm 1970 – 1971 mà ông tham gia ở đường 9 Nam Lào. Sau đó ông bị thương nặng và hỏng mắt trái.

Sau 8 tháng điều trị, ông được ở lại hậu phương và cử đi học nước ngoài nhưng ông vẫn kiên quyết xin trở về đơn vị. Tháng 8/1969, trên đường hành quân tại dốc Pa Trang (Tây Khe Sanh), đơn vị của ông đụng độ với bọn thám báo Mỹ. Chỉ sau một tiếng rưỡi quần thảo, Lê Mã Lương tiêu diệt 14 tên Mỹ. Qua 14 trận đánh lớn, ông đã cùng đồng đội lập được nhiều chiến công, diệt 53 tên Mỹ, bắn cháy 1 xe tăng, máy bay, trực thăng HU-1A của địch.

Với những chiến công đó, ngày 20/9/1971, ông được vinh dự được tuyên dương Anh hùng quân đội khi mới 21 tuổi. Sau năm 1975, Lê Mã Lương còn tham gia diệt trừ bọn phỉ Phun-rô tại Tây Nguyên, lên chiến trường biên giới phía Bắc… Khi đất nước hòa bình, ông học khoa Sử, ĐH Tổng hợp Hà Nội mà năm xưa đã bỏ dở để lên đường chiến đấu. Ông bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ và được bổ nhiệm làm Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam cho đến lúc nghỉ hưu. Năm 2006, ông chính thức được Nhà nước phong hàm Thiếu tướng.


Tuấn Hợp (ghi)