1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Quảng Ngãi:

Nhà máy rác bị dân "phong tỏa" suốt 1 năm, tỉnh "bí" hướng giải quyết

(Dân trí) - Sau một năm bị người dân "phong tỏa", chủ đầu tư nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt huyện Đức Phổ chịu thiệt hại hàng chục tỷ đồng. Dự án có vốn đầu tư 52 tỷ đồng phải đắp chiếu, rác thải không có nơi xử lý, trong khi đó chính quyền tỉnh Quảng Ngãi vẫn "bí" hướng giải quyết.

Dự án nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt huyện Đức Phổ (thôn La Vân, xã Phổ Thạnh) do Công ty TNHH Thương mại và Công nghệ môi trường MD làm chủ đầu tư. Dự án được đầu tư theo hình thức xã hội hóa với số vốn 52 tỷ đồng.

Tháng 3/2018, nhà máy bắt đầu vận hành xử lý lượng rác thải phát sinh hàng ngày trên địa bàn huyện Đức Phổ. Nhà máy còn có nhiệm vụ xử lý bãi rác tồn đọng lên đến 22.500 m3 tại thôn La Vân.

Chỉ sau 3 tháng đi vào hoạt động, nhà máy xử lý rác bị người dân xã Phổ Thạnh "phong tỏa". Theo người dân, nhà máy tiếp nhận rác từ ngoài địa bàn huyện, đồng thời vi phạm khoảng cách an toàn theo quy định... Người dân mang cả quan tài chặn lối vào nhà máy buộc chính quyền tỉnh Quảng Ngãi phải vào cuộc.

Nhà máy rác bị dân phong tỏa suốt 1 năm, tỉnh bí hướng giải quyết - 1
Người dân mang cả quan tài chặn đường khiến nhà máy xử lý rác phải ngừng hoạt động hơn 1 năm qua.

Điều đáng nói, sau nhiều lần đối thoại, chính quyền các cấp của tỉnh Quảng Ngãi quả quyết dự án không sai phạm. Tuy nhiên, tháng 9/2018, Thanh tra tỉnh vào cuộc lại cho thấy, hàng loạt sở, ngành có sai phạm khi thẩm định quy hoạch; thẩm định, phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án.

Cụ thể, vị trí xây dựng nhà máy vi phạm khoảng cách an toàn về môi trường nhưng nhiều sở, ngành làm ngơ. UBND huyện Đức Phổ, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Ngãi đã "ngó lơ" nhiều quy trình để chủ đầu tư hoàn thành thủ tục đầu tư. Sau khi bị người dân phản đối thì các sở, ngành không khảo sát mà khẳng định dự án không vi phạm quy hoạch, không vi phạm quy chuẩn quốc gia về môi trường.

Đến nay, việc xử lý các sai phạm tại kết luận thanh tra vẫn chưa hoàn tất, nhà máy xử lý rác vẫn bị "phong tỏa". Trước tình hình trên, chủ đầu tư dự án nhà máy xử lý rác Đức Phổ đã nhiều lần kiến nghị lên UBND tỉnh và kêu cứu với báo chí.

Nhà máy rác bị dân phong tỏa suốt 1 năm, tỉnh bí hướng giải quyết - 2
Dự án xử lý rác theo hình thức xã hội hóa phải ngừng hoạt động quá lâu, tuy nhiên UBND tỉnh Quảng Ngãi vẫn chưa có hướng giải quyết khiến chủ đầu tư thiệt hại nặng.

Bà Lê Thị Mỹ Diệp - Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Công nghệ môi trường MD cho biết, sau một năm phải đóng cửa khiến công ty thiệt hại hơn 12 tỷ đồng, nhiều hoạt động khác cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Tuy nhiên, suốt thời gian qua UBND tỉnh Quảng Ngãi vẫn chưa có hướng giải quyết dứt điểm dù Công ty MD đã nhiều lần kêu cứu.

"Nhà máy đóng cửa nên mỗi tháng công ty phải mất 1 tỷ đồng tiền lãi ngân hàng, hao mòn tài sản, trả lương cho nhân công. Chúng tôi mong muốn UBND tỉnh lắng nghe doanh nghiệp để sớm đưa ra giải pháp. Một là cho chúng tôi tiếp tục hoạt động tại vị trí cũ để xử lý 22.500 m3 rác tồn đọng tránh gây ô nhiễm. Hai là hỗ trợ, cho phép công ty di dời nhà máy theo quy hoạch mới", bà Diệp nói.

Theo bà Diệp, nếu cho phép nhà máy tiếp tục hoạt động tại vị trí cũ, công ty cam kết sẽ xử lý hết 22.500 m3 rác tồn đọng. Sau đó sẽ xin phép chuyển sang làm điện mặt trời, sản xuất nông nghiệp sạch. Đồng thời, cam kết xử lý rác thải sinh hoạt miễn phí cho xã Phổ Thạnh.

Ngoài ra, nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt huyện Đức Phổ là dự án được đầu tư theo hình thức xã hội hóa và được ưu đãi tiền thuê đất. Tuy nhiên, Cục Thuế tỉnh Quảng Ngãi vẫn ra công văn yêu cầu công ty phải nộp thuế.

"Nếu tình trạng này kéo dài công ty không thể trụ nổi. Công ty luôn cầu thị, sẵn sàng phối hợp để giải quyết vấn đề. Quan trọng nhất là UBND tỉnh phải có quyết định cuối cùng giúp nhà máy sớm hoạt động trở lại", bà Diệp kiến nghị.

Trao đổi với PV Dân trí, ông Nguyễn Tăng Bính - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết, theo kết luận thanh tra thì tỉnh cần đối thoại với người dân, tạo sự đồng thuận để nhà máy xử lý lượng rác tồn đọng. Dự kiến trong tháng 9 tới, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi sẽ đối thoại với người dân xã Phổ Thạnh.

"Tôi biết doanh nghiệp rất khó khăn và cũng sốt ruột tìm cách giải quyết. Tuy nhiên vấn đề này khá phức tạp, phải đợi đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đối thoại xong mới có thể quyết định", ông Bính nói.

Quốc Triều