1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Yêu cầu tạm dừng làm nhà máy bột giấy Lee&Man Hậu Giang

(Dân trí) - Trả lời PV Dân trí, ông Hoàng Văn Thức - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) khẳng định, qua thanh tra, đơn vị đã yêu cầu Công ty TNHH Lee&Man Việt Nam tại tỉnh Hậu Giang phải tạm dừng triển khai Dự án Nhà máy bột giấy.

Một góc dự án Lee & Man tỉnh Hậu Giang.
Một góc dự án Lee & Man tỉnh Hậu Giang.

Theo ông Hoàng Văn Thức, ngay sau khi có thông tin báo chí nêu về nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chỉ đạo Tổng cục Môi trường phối hợp với cơ quan chức năng tỉnh Hậu Giang, cảnh sát môi trường vào cuộc thanh tra việc chấp hành pháp luật của Công ty TNHH Lee & Man Việt Nam trong thực hiện quy định đánh giá tác động môi trường, giấy phép xả thải, áp dụng quy chuẩn Môi trường và việc thiết kế, thẩm định, xây dựng, kế hoạch vận hành thử nghiệm...

Lee & Man có hệ thống 3 cụm chính gồm nhà máy giấy công suất 420.000 tấn/năm, nhà máy bột giấy 330.000 tấn/năm và một số công trình hỗ trợ gồm cảng biển, nhà máy điện cùng khu xử lý chất thải.

Theo ông Thức, dự án sản xuất giấy Lee&Man đang hoàn tất quá trình xây dựng, lắp đặt thiết bị, còn dự án sản xuất bột giấy chưa triển khai.

Mặc dù cuộc thanh tra chưa kết thúc nhưng theo ông Thức, việc yêu cầu Công ty TNHH Lee&Man phải tạm dừng triển khai Dự án Nhà máy bột giấy để xem xét về tính phù hợp với quy hoạch và phải được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt đánh giá tác động môi trường (ĐTM).

Qua thanh tra đã phát hiện một số bất cập trong công tác thẩm định, việc báo cáo tác động môi trường đối với các dự án này, đặc biệt công ty giấy Lee&Man xây dựng một số công trình bảo vệ môi trường nhưng chưa đảm bảo an toàn. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có yêu cầu Công ty Lee&Man Việt Nam lắp đặt ngay các thiết bị xử lý cho nhà máy điện, xây dựng công trình xử lý nước thải, xây dựng các hồ sinh học với diện tích 1,6 ha để phòng ngừa và ứng phó sự cố xảy ra.

“Để hạn chế rủi ro về môi trường của các dự án, đối với dự án nhà máy giấy Lee&Man, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã yêu cầu lập lại báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) cho dự án và trình Bộ thẩm định, phê duyệt; xây lắp bổ sung các công trình bảo vệ môi trường, đặc biệt các hạng mục công trình cải thiện về trạm xử lý nước thải hiện hữu...”-ông Thức thông tin.

Đoàn thanh tra Tổng cục Môi trường cũng yêu cầu chủ đầu tư phải lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động, khí thải tự động và có camera giám sát theo dõi, truyền số liệu trực tiếp về Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hậu Giang theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường.

Như Dân trí đã phản ánh trước đó, Bộ Công thương khẳng định, Dự án Nhà máy bột giấy 330.000 tấn/năm được UBND tỉnh Hậu Giang cấp chứng nhận đầu tư khi không có ý kiến của Bộ chuyên ngành là không đúng theo Nghị định 108/2006/NĐ-CP. Cụ thể, vào thời điểm cấp phép, Bộ Công Thương đã không nhận được đề nghị của UBND tỉnh Hậu Giang nên không có ý kiến về dự án này trước khi địa phương cấp Giấy chứng nhận đầu tư theo thẩm quyền được phân cấp.

Cả dự án Nhà máy giấy và bột giấy đều được UBND tỉnh Hậu Giang cấp giấy chứng nhận đầu tư khi chưa được cấp thẩm quyền phê duyệt thiết kế cơ sở là không đúng Nghị định 16/2005/NĐ-CP. Cụ thể, Nghị định 16/2005/NĐ-CP quy định, việc thẩm định thiết kế cơ sở với Dự án nhóm A thuộc thẩm quyền của Bộ chuyên ngành (ở đây khi đó là Bộ Công nghiệp). Tuy nhiên, trên thực tế, Bộ Công nghiệp đã không nhận được hồ sơ của chủ đầu tư đề nghị thẩm định thiết kế cơ sở của 2 dự án này.

Ngoài ra, trước nhiều ý kiến phản đối, lo ngại về việc tiềm ẩn gây ô nhiễm môi trường trong vùng khi Nhà máy đi vào hoạt động ngay khi Dự án mới được cấp phép, Bộ Công nghiệp (trước đây) cũng từng khuyến nghị UBND tỉnh Hậu Giang yêu cầu chủ đầu tư lập ĐTM cho dự án. ĐTM này cũng đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định, UBND tỉnh phê duyệt theo quy định.

Ngoài ĐTM của toàn bộ Dự án Nhà máy giấy và Nhà máy bột giấy, chủ đầu tư cũng đã lập ĐTM của Nhà máy nước cấp, bến cảng chuyên dùng, Nhà máy điện 125 MW và đã được UBND tỉnh Hậu Giang thẩm định, phê duyệt vào năm 2008. Cũng phải nói thêm rằng, tuy nhiên, sau nhiều trì hoãn triển khai, tới tháng 12/2014, dự án mới tái khởi động lại và chưa có ĐTM mới trong khi theo quy định thì ĐTM sau hai năm phải được đánh giá lại.

Nhiều vi phạm tại dự án DAP Đình Vũ

Ông Hoàng Văn Thức cho biết, cuộc thanh tra việc chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường đối với Công ty cổ phần DAP - Vinachem Đình Vũ (KCN Đình Vũ, phường Đông Hải 2, quận Hải An, Hải Phòng) sau khi nhận nhiều phản ánh của người dân về tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường tại đây mới bắt đầu từ ngày 7/10 và đến nay chưa kết thúc.

Tuy nhiên ngay khi thanh tra, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phát hiện một số tồn tại về bảo về môi trường của dự án DAP Đình Vũ như không thực hiện đúng một trong những nội dung báo cáo ĐTM được phê duyệt, thực hiện không đúng xác nhận về các công trình bảo vệ môi trường đã được xác nhận, chưa có phương án thu gom nước mưa chảy tràn...

“Đoàn thanh tra đã yêu cầu công ty phải khắc phục ngay, có phương án giảm độ cao bãi thải, chuyển chất thải từ bãi tạm thời sang bãi lâu dài, bảo vệ cảnh quan môi trường, hạn chế nguy cơ sự cố và có phương án xử lý để tái chế chất thải theo cam kết ĐTM đã phê duyệt”- ông Thức cho biết.

Thế Kha

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm