“Nguồn lực giao cho Hà Nội chưa tương đồng với trách nhiệm nặng nề”
(Dân trí) - Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương cho rằng, quá trình phát triển Hà Nội đứng trước hàng loạt thách thức, tuy nhiên quyền hạn và nguồn lực được giao chưa tương đồng với vai trò và trách nhiệm.
Sáng 12/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội. Phát biểu tại đây, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương cho biết, từ khi Chính phủ ban hành Nghị định 63 quy định chi tiết thi hành Luật Ngân sách Nhà nước và Luật Thủ đô đã đem lại một số kết quả bước đầu trong nguồn lực phát triển kinh tế xã hội của Hà Nội. Tuy nhiên, các quy định về cơ chế tài chính, chính sách chưa thực sự đáp ứng nhu cầu phát triển của Hà Nội.
Theo ông Cương, quá trình xây dựng và phát triển, Hà Nội đang đứng trước những thách thức về nhiều mặt như: tăng trưởng kinh tế chưa thực sự ổn định, bền vững; tình trạng quá tải hệ thống hạ tầng kinh tế xã hội, nhất là hạ tầng đô thị do gia tăng về dân số cơ học, quy hoạch xây dựng quản lý đô thị chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn; ô nhiễm môi trường, ngập úng, ùn tắc giao thông chưa được giải quyết một cách căn cơ. Trong khi quyền hạn và nguồn lực được giao cho chưa tương đồng với vai trò trách nhiệm nặng nề của Thủ đô cũng như cả nước và các vùng lân cận.
Từ thực trạng trên, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương nhận định, việc xem xét bổ sung cơ chế chính sách tài chính - ngân sách cho phép Hà Nội huy động các nguồn tài chính đầu tư phát triển theo hướng tăng tính chủ động ngân sách cho TP, phù hợp với thực tế phát triển. Cơ chế chính sách này còn góp phần vào mục tiêu từ nay đến năm 2025 xây dựng và phát triển Thủ đô giàu đẹp, văn minh, hiện đại tiêu biểu cho cả nước.
Đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, việc Hà Nội xin sử dụng kinh phí chi thường xuyên còn dư để đầu tư cho công trình cấp bách, nghĩa là dùng tiền tiết kiệm chi thường xuyên cho chi đầu tư là chính sách đang khuyến khích thì không lý do gì không đồng tình. Với cơ chế sử dụng ngân sách TP hỗ trợ địa phương khác trong điều kiện khó khăn, theo ông Cường đây là tinh thần “cả nước vì Hà Nội, Hà Nội vì cả nước”, nên cũng không có gì khó khăn.
Với cơ chế cho phép Hà Nội được hưởng tiền thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn thuộc các doanh nghiệp mà TP quản lý, ông Cường cho hay, thực chất tại Luật Ngân sách cũng quy định nguồn thu về vốn từ các doanh nghiệp mà địa phương quản lý thì thuộc ngân sách địa phương. Quyết định này cũng thúc đẩy cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước do địa phương quản lý, khuyến khích để cổ phần hóa được giá trị nhiều hơn.
Nhưng ông Cường băn khoăn so với nghị quyết của TP HCM thì Hà Nội xin cơ chế hẹp hơn. Cụ thể như TP HCM còn có quyền chuyển đổi đất nông nghiệp từ 10ha trở lên. “Nhưng điều này có lẽ cũng hiểu được vì Hà Nội có Luật Thủ đô, trong khi chưa có đánh giá, điều chỉnh Luật này thì cần cơ chế cấp bách lúc này, để sau này khi đánh giá, điều chỉnh sửa Luật Thủ đô thì bổ sung sẽ có cơ sở hơn”, ông Cường nói.
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng ví Hà Nội và TPHCM là “nhà mặt tiền của quốc gia”, có vị thế, vị trí hơn hẳn các địa phương khác. Riêng Hà Nội hơn tất cả địa phương khác khi là trung tâm chính trị, văn hoá xã hội và là trái tim cả nước. “Đã là trái tim thì chấp nhận các dòng máu đỏ, máu nóng, hay máu độc chảy về đây, nên cần sự thanh lọc, hy sinh, đóng góp của Hà Nội. Trái tim không khoẻ thì cơ thể không thể khoẻ”, ông Nhưỡng ví von hình ảnh.
Theo ông Nhưỡng, việc Hà Nội xin cơ chế là đúng, nhưng xin cơ chế phải khác với chuyện xin nguồn lực, do vậy cần phải đánh giá rõ ràng. Bởi nếu không có nguồn lực đổ về đây thì những chỗ khác bị ảnh hưởng. Theo ông Nhưỡng, cái chính Hà Nội cần hiện nay là phát huy vai trò chính quyền, người lãnh đạo và sự phấn đấu của toàn bộ người dân.
Quang Phong