1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

"Người vô hình" 30 năm chưa được khai sinh... không phải hiện tượng cá biệt

(Dân trí) - Ông Nguyễn Công Khanh - Cục trưởng Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực - khẳng định trường hợp anh L.Q.D. không được đăng ký khai sinh trong thời gian dài không phải hiện tượng cá biệt.

Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực (Bộ Tư pháp) vừa cho biết đã có cơ sở xác định công dân L.Q.D. (người 30 năm chưa được khai sinh) là trẻ bị bỏ rơi, được nhận nuôi vào năm 1991.

Chính vì vậy, để kịp thời giải quyết việc đăng ký khai sinh và đảm bảo quyền lợi của anh D., Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực đề nghị UBND phường Bồ Đề tiếp nhận hồ sơ đăng ký, sử dụng kết quả xác minh và đơn tường trình của anh D. để xác định nội dung đăng ký khai sinh cho trường hợp này.

"Khi đăng ký khai sinh, phần khai về cha mẹ để trống; xác định dân tộc là dân tộc Kinh; xác định quốc tịch là quốc tịch Việt Nam và quê quán là thành phố Hà Nội" - văn bản nêu rõ.

PV Dân trí trao đổi thêm với ông Nguyễn Công Khanh - Cục trưởng Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực (Bộ Tư pháp) xung quanh chuyện này.

Người vô hình 30 năm chưa được khai sinh... không phải hiện tượng cá biệt - 1

Ông Nguyễn Công Khanh.

- Câu chuyện anh L.Q.D. (Long Biên, Hà Nội) không được đăng ký khai sinh, không có giấy tờ tùy thân trong thời gian rất dài có phải là trường hợp cá biệt không, thưa ông?

- Trường hợp anh L.Q.D. không phải là cá biệt. Thời gian qua cũng đã có những vụ việc tương tự xảy ra ở một số địa phương và đã được Bộ Tư pháp (Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực) hướng dẫn, chỉ đạo giải quyết dứt điểm.

Đơn cử như trường hợp một gia đình gồm 5 thành viên, 3 thế hệ cư trú tại Quận 12, TPHCM từ lâu, nhưng chưa ai được đăng ký khai sinh, nên cũng không được đăng ký thường trú và đăng ký kết hôn. Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực đã hướng dẫn giải quyết đăng ký khai sinh cho tất cả mọi người từ năm 2017.

Trường hợp ông Tr., không có giấy tờ hộ tịch, không có giấy tờ tùy thân, không xác định được nơi thường trú/tạm trú, hiện sinh sống tại huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam, cũng đã được chúng tôi hướng dẫn giải quyết đăng ký khai sinh từ năm 2020.

Ở Hà Nội trước đây cũng có 1 trường hợp hơn 30 tuổi sinh sống thực tế tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, đã được hướng dẫn đăng ký khai sinh từ năm 2017.

Nhiều trường hợp khác đã được Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực hướng dẫn giải quyết đăng ký khai sinh như tại Gia Lai, Thái Bình, Điện Biên….

- Nguyên nhân nào dẫn tới sự việc như vậy?

- Người Việt Nam ta thường nói "tiên trách kỷ, hậu trách nhân". Nguyên nhân để xảy ra vụ việc như vậy, trước hết là do lỗi của người dân. Bởi pháp luật về đăng ký hộ tịch thì thời nào cũng có. Nếu người dân ý thức được trách nhiệm là phải đăng ký hộ tịch, thì vụ việc dù khó mấy cơ quan Nhà nước cũng tìm cách tháo gỡ.

Ví dụ, đối với trường hợp trẻ bị bỏ rơi, pháp luật đã quy định là người tìm thấy trẻ bị bỏ rơi có trách nhiệm báo ngay cho cơ quan công an hoặc chính quyền địa phương nơi gần nhất, để lập biên bản và làm thủ tục khai sinh cho trẻ. Nhưng thực tế ở các địa phương, rất nhiều người dân khi phát hiện trẻ bị bỏ rơi thì cứ thế đem về nuôi, không báo cáo chính quyền, không khai sinh cho trẻ. Như vậy là vi phạm pháp luật, đồng thời ảnh hưởng đến quyền được khai sinh của trẻ.

Nếu khi phát hiện trẻ bị bỏ rơi, người dân nghiêm chỉnh thực hiện nghĩa vụ khai báo, đăng ký khai sinh cho trẻ em, đăng ký nhận con nuôi và đăng ký cư trú với cơ quan nhà nước có thẩm quyền, thì mọi việc đều tốt đẹp, không để lại hậu quả kéo dài, gây khó cho các cơ quan nhà nước (trong việc phải kiểm tra, xác minh).

Chính sách, pháp luật của Nhà nước là luôn tạo điều kiện thuận lợi và bảo đảm quyền được đăng ký khai sinh, có giấy tờ hộ tịch cho tất cả mọi người, nhất là trẻ em.

Người vô hình 30 năm chưa được khai sinh... không phải hiện tượng cá biệt - 2

Anh L.Q.D. - người sống ngay tại Thủ đô nhưng suốt 30 năm không có giấy tờ tùy thân. (Ảnh: Nguyễn Trường).

Một nguyên nhân khác là về phía cơ quan đăng ký hộ tịch cũng chưa thật sự chủ động, quyết liệt, làm hết trách nhiệm trước yêu cầu đăng ký hộ tịch của người dân.

Đối với những vụ việc phức tạp mà pháp luật không quy định hoặc hướng dẫn không rõ, thì do tâm lý sợ sai, nên một số địa phương không dám mạnh dạn vận dụng pháp luật mà còn trông chờ vào hướng dẫn của Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực mới dám giải quyết.

Xin nói thẳng, trên thế giới không có pháp luật nước nào có thể quy định một cách đầy đủ, cụ thể, chi tiết để cứ thế áp dụng cho tất cả các vụ việc thực tiễn phát sinh. Pháp luật chỉ có vậy thôi. Quan trọng là cách thức vận dụng, áp dụng pháp luật sao có thể giải quyết thấu đáo mọi vấn đề phát sinh trên thực tiễn, miễn sao giải quyết được yêu cầu của người dân, có lợi cho dân (không vì mục đích tư lợi).

Điều này đòi hỏi mỗi cán bộ công chức phải không ngừng nêu cao trách nhiệm cá nhân, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Có như thế mới chủ động giải quyết được công việc cho dân, tránh tình trạng mỗi năm có hàng trăm vụ việc địa phương phải chờ xin ý kiến hướng dẫn của Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực về nghiệp vụ mới dám giải quyết.

- Vậy đến nay các quy định pháp luật đã đầy đủ để nhanh chóng giải quyết, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho những người như anh L.Q.D. hay chưa, thưa ông?

- Căn cứ vào Hiến pháp và pháp luật hiện hành, thì về cơ bản có thể nói đã có đủ cơ sở pháp lý cần thiết để bảo vệ, bảo đảm quyền nhân thân của cá nhân, trong đó có các quyền cơ bản như quyền có quốc tịch, quyền được khai sinh, khai tử, quyền kết hôn… là những quyền con người được Hiến pháp, pháp luật quy định và được Nhà nước bảo đảm thực hiện bằng nhiều biện pháp.

Bộ luật Dân sự, Luật hôn nhân và gia đình, Luật trẻ em... đã có những quy định khẳng định về các quyền nhân thân cơ bản của cá nhân (như quyền khai sinh, kết hôn, thay đổi họ, tên, xác định lại dân tộc…).

Trên cơ sở đó, Luật hộ tịch và các văn bản hướng dẫn thi hành (như Nghị định số 123/2015, Thông tư số 04/2020/TT-BTP) đã quy định khá chi tiết về trình tự, thủ tục đăng ký hộ tịch theo hướng cải cách hành chính, đơn giản, thuận lợi cho người dân.

Tuy nhiên, như tôi đã nói, nếu cán bộ công chức mà chỉ vì sợ sai, sợ trách nhiệm mà không dám chủ động, mạnh dạn và chịu trách nhiệm với việc làm của mình, hơi khó một tý lại làm công văn hỏi cấp trên và luôn trông chờ vào sự hướng dẫn, chỉ đạo của cơ quan cấp trên mới dám tháo gỡ những khó khăn, bất cập trong công tác đăng ký hộ tịch - thì không bao giờ có thể giải quyết được dứt điểm các vụ việc tương tự như trường hợp của Lê Quốc Dũng.

- Xin cảm ơn ông!

Dòng sự kiện: Người 30 năm "vô hình"